Văn hóa - Nghệ thuật
Thưởng thức tuồng cổ trong lễ hội Kỳ yên
Những ngày này, lễ hội Kỳ yên (lễ cầu an) đang diễn ra tưng bừng tại nhiều ngôi đình, miếu trong tỉnh. Đây cũng là dịp để mọi người thưởng thức những tuồng xưa, tích cũ nổi tiếng, thể hiện niềm đam mê với loại hình nghệ thuật truyền thống của dân tộc. Cũng vì thế, xem tuồng cổ vui hội Kỳ yên đã trở thành nét đẹp văn hóa của người dân Bạc Liêu.
Có lẽ, chút dư âm còn sót lại của mùa xuân được thể hiện rõ nhất qua lễ hội Kỳ yên. Hễ thấy gánh hát kéo về dựng sân khấu là biết đình, miếu địa phương sắp tổ chức đại lễ cầu an. Ai cũng háo hức vì được sống trong những ngày hội vui tươi với nhiều hoạt động đậm đà bản sắc văn hóa dân gian. Đặc biệt, chương trình hát tuồng cổ là một “món ăn tinh thần” mà không ai muốn bỏ lỡ.
Biểu diễn tuồng cổ tại miếu Tà Thần (phường 1, TP. Bạc Liêu). Ảnh: H.T
Khác với vẻ tĩnh lặng vốn có, sinh khí tại Tiên sư cổ miếu (phường 3, TP. Bạc Liêu) rộn ràng hẳn lên nhờ tổ chức đại lễ Kỳ yên. Lễ có nhiều nghi thức, hoạt động tín ngưỡng dân gian đặc sắc cầu mong quốc thới dân an, mưa thuận gió hòa. Sau phần lễ trang nghiêm, phần hội với chương trình hát tuồng cổ là hoạt động chính, diễn ra xuyên suốt trong các đêm lễ. Khi trời vừa sụp tối, bà con đã kéo về chật kín khuôn viên ngôi miếu để xem tuồng cổ. Vui nhất là đám trẻ con líu ríu rủ nhau ra hậu trường để “xem trộm” các cô, chú nghệ sĩ hóa trang, mặc trang phục lộng lẫy. Còn các ông cụ, bà cụ cũng hạnh phúc vì được “quay ngược thời gian” để đắm chìm trong những ký ức tuổi thơ được cha mẹ dắt đi xem hát đình. Có nhiều cụ còn “nhắc tuồng” này sẽ diễn biến ra sao, kết thúc thế nào vì đã xem đi, xem lại nhiều lần nhưng chẳng một ai thấy chán! Ông Lê Ngọc Danh (72 tuổi, phường 3, TP. Bạc Liêu) chia sẻ: “Từ bé, tôi đã được theo cha mẹ đi xem tuồng cổ trong mùa lễ Kỳ yên. Và cứ thế, loại hình nghệ thuật này đã gắn liền với đời sống tinh thần của tôi, cũng như bà con hàng xóm. Tôi thường bảo với con cháu, lễ Kỳ yên sẽ không trọn vẹn nếu không có hát tuồng và đã là người Bạc Liêu thì nhất thiết phải xem tuồng cổ”.
Điều đặc biệt, môn nghệ thuật tưởng chừng dành riêng cho những “ông già, bà cả”
lại có sức hấp dẫn đối với giới trẻ. Tại miếu Bà Chúa xứ (phường Nhà Mát, TP. Bạc Liêu), các đêm hát tuồng đều có mặt đông đảo khán giả trẻ. Sự hiện diện của những nam thanh, nữ tú vừa làm cho không khí lễ Kỳ yên thêm tưng bừng, vừa minh chứng nghệ thuật tuồng cổ vẫn có một sức hấp dẫn mãnh liệt. “Việt Nam đang chịu sự du nhập mạnh mẽ của những luồng văn hóa ngoại. Tuy nhiên, nhiều bạn trẻ vẫn ý thức được giá trị thuộc về truyền thống để không “quay lưng” với nghệ thuật dân tộc, trong đó có tuồng cổ. Xem những tuồng xưa tích cũ là một cách hay để thêm tự hào, gìn giữ những sáng tạo nghệ thuật quý báu của cha ông”.
Sự có mặt, cổ vũ nhiệt tình của khán giả tại các đêm hát tuồng cổ như “chất xúc tác” giúp các nghệ sĩ biểu diễn hăng say hơn. Có đêm, chương trình biểu diễn đã kết thúc nhưng các đoàn vẫn phục vụ “khuyến mãi” do bà con... xem chưa đã! Nghệ sĩ Thanh Lệ Mỹ, Trưởng đoàn Nghệ thuật tuồng cổ Bạc Liêu, bộc bạch: “Phương châm làm nghề của đoàn là diễn cho tới khi hết khán giả chứ không phải hết giờ. Được bà con yêu mến nên các nghệ sĩ biểu diễn cũng “máu lửa” hơn. Dù đời nghệ sĩ tuồng cổ vất vả, diễn rày đây mai đó nhưng anh em đều rất yêu nghề, cống hiến hết mình cho sân khấu”.
Theo thời gian, những vở tuồng cổ “một thời vang bóng” như: “Thần nữ dâng ngũ linh kỳ”, “Phụng Nghi Đình”, “Tiết Đinh San cầu Phàn Lê Huê”, “Lưu Kim Đính”... đã âm thầm “sống” trong lòng biết bao người Bạc Liêu. Và mỗi lần đình, miếu vang vọng tiếng “cắc - cắc - tùng - xèng” trong tháng Giêng, nhà nhà lại vui mừng bảo nhau: “Đình, miếu chuẩn bị tổ chức lễ Kỳ yên, bà con mình sắp được thưởng thức tuồng cổ rồi”!
HỮU THỌ
- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Huỳnh Quốc Việt: Các đơn vị mới thành lập phải xây dựng giải pháp đột phá cụ thể cho nhiệm kỳ mới
- Cần 300 triệu đồng sửa cầu treo Phường 8
- VCCI Chi nhánh Đồng bằng sông Cửu Long: Gặp gỡ giao lưu, kết nối thương mại và hợp tác phát triển
- Dừng triển khai loại hình giáo dục tiểu học chất lượng cao kể từ năm học 2025 - 2026
- TP. Bạc Liêu trao tặng Huy hiệu Đảng cho 31 đảng viên