Văn hóa - Nghệ thuật
Tháng Giêng đi… trẩy hội
Người xưa có câu “Tháng Giêng là tháng ăn chơi” để ví von, mô tả không khí náo nhiệt của những lễ hội được tổ chức triền miên trong tháng đầu năm. Không ồn ào, náo nhiệt như các lễ hội khai ấn đền Trần hay trẩy hội chùa Hương, nhưng Bạc Liêu vẫn có những lễ hội đặc sắc của riêng mình để níu chân du khách gần xa.
Trẩy hội tháng Giêng là một thú vui, một cách để thư giãn của người dân trước khi bước vào lao động, sản xuất trong năm mới. Những ngày tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017 vừa rồi, ngoài việc đi thăm viếng ông bà, cha mẹ, bạn hữu gần xa thì hàng trăm ngàn du khách trong, ngoài tỉnh còn đến tham quan, chiêm bái tại các khu du lịch tâm linh nổi tiếng của tỉnh như: Khu Quán âm Phật đài (TP. Bạc Liêu), Nhà thờ Tắc Sậy (TX. Giá Rai), chùa Hưng Thiện (huyện Vĩnh Lợi)… Đặc biệt, tại Khu quán âm Phật đài, mỗi ngày có hàng chục ngàn người đến tham quan, thắp hương cầu cho “quốc thới dân an, gia đạo an lành”. Đông nhất là vào ngày tết Nguyên tiêu (rằm tháng Giêng), do lượng khách du lịch khắp nơi đổ về tăng đột biến, nên đã xảy ra tình trạng kẹt xe khá lâu trên tuyến đường Cao Văn Lầu.
Quang cảnh lễ hội Kỳ yên ở Đình thần Vĩnh Mỹ. Ảnh: P.T.C
Đến với lễ hội Nghinh Ông Nam Hải (xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình vào các ngày 8, 9 và 10 tháng Giêng hàng năm), hàng ngàn du khách lại có một trải nghiệm thú vị khác với những nghi thức, nghi lễ cúng cá Ông truyền thống của người dân vùng biển. Ngay từ sáng sớm, tiếng chiêng, tiếng trống đã rộn rã cả làng quê, cờ xí rợp trời theo chân đoàn người diễu hành đi rước Ông dài mấy cây số từ Lăng ông Nam Hải đến tận bến thuyền. Đoàn tàu đánh cá hàng trăm chiếc, lớn có, nhỏ có nối đuôi nhau tăng tốc hướng thẳng ra biển để đi rước Ông về lăng. Hàng trăm ngư dân, du khách hò reo, nhảy múa theo nhịp trống múa lân; những chiếc vỏ lãi, ca nô của bộ đội biên phòng đồn Cái Cùng cùng hòa nhịp sóng, mặt biển cuồn cuộn phù sa... Đây là nghi thức “mở biển” của ngư dân, cầu cho biển lặng sóng êm, đoàn tàu ra khơi đầy ắp cá, tôm, thuận buồm, xuôi gió.
Nếu như ngư dân có lễ hội Nghinh Ông để mở biển, đánh bắt cá tôm đầu năm thì người nông dân cũng có lễ hội của riêng mình để cầu cho “mưa thuận gió hòa” để làm nông nghiệp được trúng mùa, được giá. Đó là lễ hội Kỳ yên (lễ cầu an) được tổ chức tại các ngôi miếu, đình làng đậm nét văn hóa của người dân Nam bộ. Tại lễ hội Kỳ yên ở Đình thần Vĩnh Mỹ (xã Vĩnh Mỹ A, huyện Hòa Bình, diễn ra trong các ngày 18, 19 và 20 tháng Giêng), phần lễ gồm nhiều lễ tế, nhằm cầu trời thêm thanh bình, đất thêm tươi tốt, con người được sống lâu, quỷ dữ bị tiêu diệt. Ở lễ hội này, phần lễ chiếm phần quan trọng hơn phần hội. Các đối tượng cúng lễ là những vị thần có công với dân, với nước (gọi là Thành hoàng bổn cảnh). Lễ Kỳ yên cũng là dịp để người dân họp mặt, bàn chuyện, vui chơi, thắt chặt tính cộng đồng. Đã là người con của quê hương Vĩnh Mỹ nói riêng, huyện Hòa Bình nói chung, dù đi đâu, về đâu, trong những ngày lễ hội Kỳ yên cũng tìm về với gia đình, người thân của mình. Trong 3 đêm lễ hội, phần hát đình dù mang nội dung nghi lễ nhưng vẫn thu hút đông đảo người xem vì có nội dung đạo lý, kết thúc có hậu. Đặc biệt, theo nhiều người cao tuổi thì bữa tiệc trong ngày lễ Kỳ yên chỉ mang tính liên hoan, chiêu đãi, hoàn toàn không có chuyện ăn nhậu say sưa như những lễ hội khác.
Đến với các lễ hội Kỳ yên, ngoài phần lễ, du khách còn được thưởng thức phần hội vô cùng đặc sắc và có dịp “nhâm nhi” những món ăn dân dã của miền Tây như: bánh cóng, bánh xèo, bún nước lèo… Cái cảm giác ngồi ở quán cóc ven đường, tay bốc miếng bánh cóng vàng rộm, cuốn vào với mấy cọng rau, chấm nước mắm chua chua, ngọt ngọt, cay xè… trong khung cảnh nhộn nhịp của những người đi trẩy hội dễ mấy ai quên được.
Tiếng gọi nhau í ới, tiếng cười đùa của đám thanh niên, tiếng loa phóng thanh của mấy gian hàng lô tô… cứ vang mãi trong đêm cho đến gần sáng. Ký ức về những đêm hội Kỳ yên như thế vẫn còn mãi trong tôi, nhắc nhớ cái thời mười tám, đôi mươi, mỗi khi vừa qua tết là lại cùng đám bạn chộn rộn chuẩn bị cho những ngày lễ hội. Ngày ấy, nhà tôi ở xã Vĩnh Mỹ B, muốn đi lễ hội kỳ Yên thì phải qua đò, lội bộ băng qua đám ruộng khoảng 2 cây số là đến Đình thần Vĩnh Mỹ. Những hôm mãi vui về khuya, đò không còn đưa, cả đám phải lội sông về… Mới đó mà đã hơn 20 năm.
Châu Khánh
- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Huỳnh Quốc Việt: Các đơn vị mới thành lập phải xây dựng giải pháp đột phá cụ thể cho nhiệm kỳ mới
- Cần 300 triệu đồng sửa cầu treo Phường 8
- VCCI Chi nhánh Đồng bằng sông Cửu Long: Gặp gỡ giao lưu, kết nối thương mại và hợp tác phát triển
- Dừng triển khai loại hình giáo dục tiểu học chất lượng cao kể từ năm học 2025 - 2026
- TP. Bạc Liêu trao tặng Huy hiệu Đảng cho 31 đảng viên