Văn hóa - Nghệ thuật
“Song lang” và lời yêu cho cải lương
Hồi nhỏ đã mê cải lương.
Niềm yêu thích đó, chắc đến từ nội và mẹ, lúc nhà còn chưa có vô tuyến, chưa có cát-sét, ra-đi-ô. Buổi tối lẽo đẽo theo nội đi ra đầu xóm ở cái nhà giàu nhất có vô tuyến mở băng chiếu cho xem trả tiền. Nhà đó có khi dọa không chiếu nữa, ép phải coi cho hết tuồng dài. Khuya về, nội cầm đèn cốc, mình líu ríu theo sau, bước cao bước thấp giữa tối tăm, nhớ bóng ma không đầu trong vở cải lương “San Hậu” mà níu nội.
Thường thì nghe băng vọng lại từ nhà hàng xóm ở sau chái bếp. Nội hay gọi vọng qua “Út ơi mở cải lương nghe với…”. Chỗ đó, có cây me lớn sát hàng rào chì gai. Những trưa hè, mình leo lên đó, nghe đoạn tướng cướp Bạch Hải Đường tỉ tê khi bị vợ phản bội (vở “Tướng cướp Bạch Hải Đường”), còn nhỏ xíu mà đã biết xót thương. Thằng con trai ở đó biết mình “ghiền”, cắc cớ tắt bỏ. Mình hỏi thì nó bảo đang trả băng. Mình không biết trả băng là gì, cứ ngồi trên cây me mà chờ… chờ… cho đến khi bị kiến cắn mới leo xuống về nhà, tiếc rẻ, hậm hực… Rồi bữa khác lại mon men đến.
Những dịp lễ Kỳ yên, đi coi hát đình trong phường, biết chui vô cánh gà coi đào kép thoa son trét phấn, chửi nhau ra rả, áo quần đậm đặc dơ và hôi. Đến khi ra trước sân khấu lấp lánh, ngồi nghe họ hát lời cao thượng khí phách, trung trinh vẫn nuốt từng lời và vỗ tay tán thưởng.
Rồi nội mất. Mẹ lại mở những tích tuồng trích đoạn. Lúc làm bếp, ban trưa ngủ dậy hay những chiều đợi cơm, là nghe hát. Mình quẩn quanh ở nhà, nên nghe, nghe hoài, nghe mãi. Nhớ tết là trông chờ giới thiệu lịch chiếu trên tivi để xem sẽ có những vở cải lương gì. Có năm, mùng Một ngồi coi “Lá sầu riêng” mà ngồi khóc hu hu hết cả buổi sáng đầu năm mới.
Bây giờ, những khi trống vắng, những lúc dọn phòng, những tối đìu hiu, mở điện thoại lên, nghe Minh Cảnh rót vào tai “… kỷ niệm ngày xưa còn mù xa như sương khói quyện lưng trời”, nghe Phượng Liên thở than, nghe Lệ Thủy réo rắt, để còn thấy đầy thiết tha, ngọt lịm.
Một cảnh trong vở cải lương “Đêm lạnh chùa hoang” do Nhà hát Cao Văn Lầu biểu diễn. Ảnh minh họa: C.T
Kể lể dài dòng chuyện xưa chuyện nay, là để nói vừa lên TP. Hồ Chí Minh là phải đến rạp để tìm “Song lang” (một bộ phim điện ảnh của Việt Nam hiếm hoi truyền tải được nhiều nét đẹp của nghệ thuật cải lương), như đi tìm người yêu cũ.
Con bạn bảo, đừng bao giờ dây dưa với các thể loại người yêu cũ, vì mình đã khác, nó đã khác, gặp lại chẳng để làm gì. Ừ, cũng có khi mắc ói vì tự hỏi, tại sao ngày xưa mình lại yêu nó được.
Nhưng với tình yêu này, thì không.
Người yêu cũ trong sắc diện khác. Người ta kể một câu chuyện không mới trong không gian cũ kỹ, nhưng đã kịp đặt vào đó những yếu tố tân thời, cũng chẳng sao. Vì vẫn nghe trong đó đắm say, như hồi nào còn ngồi vắt vẻo trên cây me nghe hát.
Không phải quá dụng công đâu, cho một phần hồn ở vùng đất sông nước rộng rãi này. Cứ là cải lương của người miền Tây chân chất nồng hậu, cần cao sang thì lấp lánh màn nhung, cần bình dị thì tiếng đờn và câu vọng cổ cứ thả trôi trên thuyền dưới bến.
Khác chăng, bây giờ, cải lương xuất hiện trong phim điện ảnh, dù không phải lần đầu, nhưng man mác và lạ lùng hơn. Lần đi xem “Dạ cổ hoài lang”, bạn chảy nước mắt, mà rất tiếc là mình không cảm thấy gì cả. Lần này đến phiên mình cảm động run run, biết tình yêu còn nguyên đó. “Song lang” đã đưa cải lương thành mê đắm trong ai đó, ước nguyện của ai đó, giữ gìn của ai đó. Cải lương đã khiến cho hai người đàn ông yêu nhau. Cải lương nặng mang cuộc tình tan vỡ. Cải lương đã trở thành cứu rỗi cho những tâm hồn mong manh yếu đuối, dù không còn kịp nữa.
Mặc kệ những dụng ý nghệ thuật, phim nhiều tiếng động và âm thanh quá, không thích. Nhưng vẫn yêu những chắt lọc nâng niu trong từng khung ảnh. Yêu đôi mắt, đôi môi của đứa bé con ngồi ăn ổi với thằng giang hồ, yêu những người không đủ ác để bơ vơ, yêu những ảm đạm của lá, của nắng, của hoa đang thở… Và nhất là lúc cúp điện, cái cảnh thằng trời đánh cúi thấp đầu cho ánh trăng tràn ngập đôi vai, cắt rất nhanh. Đó là khi mà có yêu nhau hay không, người ta cũng cần ôm nhau vô bờ bến.
Vô bờ bến.
Thì thôi, tình yêu này là tình yêu vô bờ bến. Không phải tình yêu vô điều kiện. Điều kiện là hãy cứ để cải lương như vốn có, đừng cầu kỳ sắc hương hay nhấp nhổm âu lo, không phải kêu cứu hay tiếc nuối. Cải lương sẽ không chết đâu. Nó chỉ chết khi người cuối cùng yêu nó chết.
Nguyễn Lê Lý
- Phiên họp thứ 4 Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát
- Gần 200 võ sinh thi thăng đẳng môn Vovinam
- Quay hình chương trình đờn ca tài tử năm 2025
- Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh: Thăm, chúc mừng Đại lễ Phật đản Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh và các cơ sở Phật giáo
- Hơn 300 đoàn viên, công nhân viên chức, lao động tham gia Hội thao chào mừng Tháng Công nhân