Văn hóa - Nghệ thuật
Sáng tác lời mới bài bản tài tử dành cho thiếu nhi: Tín hiệu vui
Năm 2015, lần đầu tiên cuộc thi sáng tác lời mới bài bản tài tử Nam bộ dành cho thiếu nhi (gọi tắt là cuộc thi) được tổ chức do Sở VH-TT&DL phối hợp cùng Liên hiệp các Hội VH-NT tỉnh phát động rộng rãi trong cả nước. Sau thời gian “thai nghén”, nhiều tác phẩm đã ra đời, hình thành một sân chơi mới đầy thú vị cho thiếu nhi tỉnh nhà.
Nội dung các tác phẩm dự thi xoay quanh việc ca ngợi Đảng, Bác Hồ, truyền thống dân tộc, sự đổi mới trên quê hương Bạc Liêu; những thành tựu kinh tế, văn hóa, xã hội; gương người tốt - việc tốt trên các lĩnh vực. Các tác phẩm dự thi bắt buộc phải là lời mới thuộc 20 bản Tổ của nghệ thuật đờn ca tài tử (ĐCTT) Nam bộ gồm: 3 bản Nam, 6 bản Bắc, 4 bản Oán, 7 bản lớn. Theo Ban tổ chức, các tác phẩm có thể viết theo dạng liên Nam, liên Bắc hoặc liên Nam - Bắc - Oán và viết ít nhất 1 lớp.
Dẫu lần đầu tiên tổ chức, nhưng cuộc thi sáng tác này đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của đông đảo người mộ điệu. Là người trực tiếp tham gia trong chương trình khung dạy tài tử cho thiếu nhi ở TP. HCM, nghệ sĩ ưu tú Hải Phượng cho rằng: “Đây là mảnh đất hoàn toàn trống trải. Các soạn giả không mấy mặn mà sáng tác khi tác phẩm dành cho thiếu nhi không có đầu ra. Trong khi đó, chương trình đưa ĐCTT vào trường học hiện nay vẫn chỉ dừng lại ở mức giới thiệu sơ lược. Các em nghe theo kiểu “cưỡi ngựa xem hoa”, nghe cho biết vì không có tác phẩm phù hợp để học”. Lời nhận xét này hoàn toàn “trùng khớp” với nhiều tỉnh, thành phố khi muốn bảo tồn và phát huy giá trị của loại hình nghệ thuật đã được UNESCO vinh danh. Điển hình là tại sân chơi ý nghĩa do Đài PT-TH Bạc Liêu tổ chức năm 2015 - cuộc thi “Giọng ca nhí - Hò Xự Xang Xê Cống”. Cuộc thi tạo cú bứt phá trong tiến trình bảo tồn ĐCTT và tìm kiếm tài năng nhí để kế thừa thành quả của cha ông. Song, cuộc thi vẫn bị hạn chế do có rất ít bài bản tài tử phù hợp với thí sinh nhỏ tuổi. Vì thế mà cuộc thi sáng tác lời bài bản tài tử mới cho thiếu nhi thật sự là tín hiệu vui cho sự phát triển của phong trào ĐCTT tỉnh nhà. Ông Ngô Quốc Khánh, Chủ tịch Hội Sân khấu thuộc Liên hiệp các Hội VH-NT tỉnh, cho biết: “Chúng tôi muốn tạo ra sân chơi để có nhiều tác phẩm mới phổ biến không chỉ ở Bạc Liêu, mà lan rộng ra cả vùng. Hơn nữa, điều cốt lõi là để thiếu nhi có thể ca đúng bài bản ở lứa tuổi của mình, không phải gồng mình chở những bài yêu đương, ai oán như người lớn”.
Sáng tác lời mới sẽ giúp tài tử nhí trình diễn bài bản phù hợp với lứa tuổi của mình.
Ảnh minh họa: N.V
Sau gần 1 năm phát động, cuộc thi đang tiến dần “về đích” với tổng số 123 tác phẩm của các tác giả khắp nơi trên cả nước gửi về dự thi. Sàng lọc các tác phẩm chưa đạt chất lượng, Ban tổ chức đã chọn ra 50 tác phẩm vào vòng chung khảo và lọc tiếp 11 tác phẩm để xếp hạng trao giải. Điển hình một số tác phẩm được đánh giá cao trong cuộc thi này là “Khi cha mẹ vắng nhà” dưới thể điệu Nam Xuân: “Khi - cha mẹ vắng nhà/ Em và anh Hai/ Cùng làm hăng say/ Anh nhanh tay, quét dọn lau nhà/ Rải lúa cho gà/ Tưới mấy cây cà/ Và những chòm rau thơm…”; hay lời ca vui tươi, trẻ trung trong tác phẩm “Niềm vui của em” với điệu Ngũ đối hạ: “Trường em xinh xinh tươi màu/ Trống vang thúc giục bước chân/ Bóng cây rợp lá xanh/ Tay siết chặt bè bạn yêu thương…”.
Theo Trưởng Ban giám khảo cuộc thi - soạn giả Võ Trường Kỳ thì tất cả 50 tác phẩm vào vòng chung khảo đều có nội dung tư tưởng cũng như ngôn ngữ văn học tốt, đáp ứng đầy đủ yêu cầu của cuộc thi đề ra; cũng như phù hợp với tâm lý và trình độ nhận thức của lứa tuổi thiếu nhi. Cấu trúc giai điệu, nhịp điệu âm nhạc trong câu ca ăn khớp với lồng bản của nhạc tài tử Nam bộ. Những bài bản khó đều được các tác giả rút gọn số câu, số lớp, nhưng vẫn đảm bảo sự trọn vẹn nội dung, ý nghĩa của từng tác phẩm. Soạn giả Võ Trường Kỳ nhận định, cuộc thi có thể được xem là đã thắng lợi, cần được phát huy hơn nữa trong thời gian tới. Trong hoạt động sáng tạo và hưởng thụ giá trị nghệ thuật ĐCTT Nam bộ, cần tạo dư luận rộng rãi, quan tâm nhiều hơn nữa đối với thiếu nhi, góp phần thiết thực vào việc bảo tồn và phát triển loại hình nghệ thuật truyền thống quý báu này của dân tộc nói chung và Bạc Liêu nói riêng.
Lễ trao giải cho các tác phẩm đoạt giải cao sẽ diễn ra trong Đêm tác giả - tác phẩm do Liên hiệp các Hội VH-NT tỉnh tổ chức vào trung tuần tháng 11 tới.
Ngọc Trân
- Quốc hội thảo luận tại hội trường về Dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi)
- Bộ Quốc phòng kiểm tra các mặt công tác tại một số đơn vị đóng quân trên địa bàn Tây Nam Bộ
- Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu tổ chức đối thoại với công dân tại Hà Nội
- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Huỳnh Quốc Việt: Các đơn vị mới thành lập phải xây dựng giải pháp đột phá cụ thể cho nhiệm kỳ mới
- Cần 300 triệu đồng sửa cầu treo Phường 8