Ra đi và để lại

Thứ Sáu, 11/11/2016 | 16:15

Không thể thoát được quy luật “sinh - lão - bệnh - tử”, thế nhưng sự ra đi của họ đã để lại những mất mát vô cùng lớn! Lớn là vì những gì họ để lại cho đời không nhỏ, khiến cho sự ra đi đọng lại những nhớ nhung, tiếc nuối vô bờ…

Những năm gần đây, lần lượt những “cây cao bóng cả” trong nền nghệ thuật sân khấu cải lương, tài tử Nam bộ đã ra đi. Năm trước là giáo sư - tiến sĩ Trần Văn Khê, “cây đa cây đề” của nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ, trước nữa là soạn giả Viễn Châu, người đã cống hiến cho sự nghiệp sân khấu những vở cải lương sống mãi với thời gian, những bản vọng cổ, tân cổ giao duyên đi cùng năm tháng, những tác phẩm được khán thính giả đam mê và cũng giúp cho nhiều nghệ sĩ nổi danh. Năm nay, sân khấu cải lương lại vĩnh biệt nghệ sĩ Thanh Tòng, một trong những “người thầy” của thể loại tuồng cổ. Chưa hết bùi ngùi thì mới đây, giới mộ điệu và những người đồng nghiệp, học trò lại vô cùng xót thương tiễn biệt nghệ sĩ Út Bạch Lan - người được mệnh danh là “sầu nữ” trong sân khấu cải lương, má Út, người thầy thân thương của nhiều nghệ sĩ cải lương Việt Nam…
Nhớ về giáo sư - tiến sĩ Trần Văn Khê là nhớ đến một con người giàu đam mê dòng nhạc cổ truyền của dân tộc, trong đó có đờn ca tài tử Nam bộ. Ông đi nhiều nước trên thế giới, đi tới đâu cũng đem vốn liếng văn hóa của dân tộc để quảng bá, giới thiệu. Hình ảnh ông thuyết trình, vừa nói vừa ca ra bộ minh họa đã hằn sâu trong tâm trí những người ít nhất một lần vinh dự được tiếp kiến ông! Với niềm đam mê trong một khối óc tài ba, giáo sư - tiến sĩ Trần Văn Khê đã để lại một kho tàng tri thức âm nhạc dân tộc quý báu.

“Sầu nữ” Út Bạch Lan vừa vĩnh biệt cuộc đời trong sự tiếc thương của đông đảo giới mộ điệu. Ảnh: Internet

Nhớ về soạn giả Viễn Châu lại nhớ về sự dí dỏm, thân thương của chú Bảy Bá, người đã tạc bức tranh gã si tình mông muội “vác đôi chiếu bông mà cõi lòng tan nát, bước chân đi như thể xác không hồn” qua “Tình anh bán chiếu”, nhớ về phận gái thuyền quyên lỡ duyên lỡ phận gửi câu trách người phụ rẫy qua “Lá trầu xanh”… Nhớ nghệ sĩ Thanh Tòng lại nhớ về những vở tuồng cổ với đôi lông công trên đầu, ánh mắt đảo ngược đảo xuôi, đi trên gối quỳ, diễn hài thì cười ra nước mắt, diễn độc thì luôn khiến người xem phẫn nộ. Tôi xem ông đóng vai cậu Tân trong vở cải lương Tô Ánh Nguyệt hồi mới 9 - 10 tuổi đầu mà đến giờ vẫn nhớ mãi lối diễn xuất tự nhiên của ông, đoạn ông xin tiền ba mình mua áo mới ăn đám cưới, đoạn ông đòi thay mặt chị “tính sổ” người đã khiến chị mình cả đời long đong duyên nợ…
“Sầu nữ” Út Bạch Lan có một cuộc đời riêng không viên mãn, nhưng bà đã ra đi trong vòng tay thương yêu của vô số những người con - không do bà sinh ra vẫn gọi bằng tiếng “má Út” thân thương. Như trời sinh ra đã định cho bà cái nghiệp cầm ca, cống hiến từ lúc còn là cô đào trẻ măng cho đến qua cái ngưỡng "thất thập cổ lai hy", vẫn đi hát và làm từ thiện. Bà không cần đạo diễn nhiều, nội cái tướng mạo, cái khóe mắt, đôi môi móm mém, giọng hát ngọt ngào truyền cảm cũng đủ để vào vai, mà toàn là những vai sầu bi. Nhìn dáng bà, ta thương như thương bà nội, bà ngoại trong nhà mình vậy! Cái dáng lom khom hiền từ, đôi mắt đượm sầu, giọng hát mà như tiếng nấc đã khiến khán giả mãi nhớ về bà như một hình tượng “sầu nữ” trong sân khấu cải lương…
Sân khấu cải lương trường tồn trong lòng nhiều thế hệ là nhờ công lao của những bậc tổ, bậc thầy, và những người nghệ sĩ đã để lại dấu ấn trong lòng người mộ điệu bằng chính sự đam mê họ đã gửi vào nghiệp diễn, trong mỗi vai tuồng… Sự ra đi là vĩnh viễn nhưng những điều ở lại cũng là bất tử! Sân khấu cải lương vẫn còn nguyên vẹn những vở tuồng, những bản vọng cổ bất hủ, những vai diễn để đời mà nghe thoáng qua cũng biết họ là ai và trong vở tuồng nào. Những thế hệ học trò, lớp hậu duệ vẫn đang tiếp nối con đường ấy, nhưng hào quang của lớp người đi trước có lẽ khó gì thay thế được…
Cẩm Thúy

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.