Văn hóa - Nghệ thuật
Phum sóc rộn ràng vui lễ hội Oóc-om-bóc
Sau đại lễ Kathina, đồng bào dân tộc Khmer lại tưng bừng tổ chức lễ hội Oóc-om-bóc (còn gọi là lễ cúng Trăng) năm 2016. Đây được xem là một trong những lễ hội cổ truyền lớn nhất của người Khmer Nam bộ. Lễ đang diễn ra trên các phum sóc Bạc Liêu với tinh thần vui tươi, đoàn kết và đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc.
Theo quan niệm của người Khmer, Mặt Trăng là vị thần cai quản và bảo vệ mùa màng, mang đến mưa thuận gió hòa, giúp phum sóc được mùa bội thu. Với ý nghĩa quan trọng đó, lễ hội dân gian này được đồng bào trong tỉnh tổ chức rất trang trọng. Trong ngày chính của lễ hội, các gia đình Khmer đều tất bật chuẩn bị lễ vật. Quà mà bà con mang vào chùa đơn giản là bánh kẹo và những sản vật nông nghiệp như: trái cây, dừa, chuối, khoai lang… Một hình ảnh dễ bắt gặp nhất trong mùa lễ này là cảnh nhà nhà rôm rả làm cốm dẹp (theo tiếng Khmer là Om bóc). Đã bao mùa Oóc-om-bóc trôi qua, gia đình bà Thạch Thị Phượng (xã Lộc Ninh, huyện Hồng Dân) vẫn gìn giữ thói quen làm cốm dẹp. “Trước đây, mỗi lần phum sóc tổ chức Oóc-om-bóc là tôi được bà và mẹ dạy cho cách làm cốm dẹp. Rồi mọi người cùng quây quần bên bếp lửa thực hiện các công đoạn làm cốm. Nguyên vật liệu rất đơn giản như: nếp, dừa khô, đường cát hoặc đường thốt nốt… nhưng lại tạo ra một món ăn rất ngon, ý nghĩa để dâng vào chùa”, bà Phượng chia sẻ.
Đồng bào Khmer xã Vĩnh Trạch Đông (TP. Bạc Liêu) làm cốm dẹp trong dịp lễ hội Oóc-om-bóc. Ảnh: H.T
Tối đến là thời điểm lễ hội diễn ra xôm tụ nhất. Tại sân chùa Xiêm Cán (xã Vĩnh Trạch Đông, TP. Bạc Liêu), hàng trăm gia đình thành kính thực hiện các nghi thức mời thần Mặt Trăng tiếp nhận lễ vật. Qua đó, cầu mong phước lành đến cho mọi nhà, xóm làng được no ấm, yên vui, mọi người có cuộc sống sung túc, con cháu khỏe mạnh, thuận hòa. Sau phần lễ được tổ chức trang nghiêm và gọn gàng, mọi người cùng tham gia phần hội với nhiều hoạt động vui chơi - giải trí, thưởng thức ẩm thực và chương trình nghệ thuật Khmer theo phong cách “cây nhà lá vườn”. Trước đó, chính quyền địa phương còn tổ chức hội thao (bóng đá, bóng chuyền) để tạo sinh khí tưng bừng cho lễ hội. Anh Thạch Dũng, người dân Vĩnh Trạch Đông, phấn khởi cho biết: “Được Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương kịp thời quan tâm, hỗ trợ nên đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào Khmer ngày càng khởi sắc. Thông qua việc tổ chức Oóc-om-bóc đã góp phần phát huy giá trị lễ hội cổ truyền, thắt chặt tình đoàn kết, giao thoa văn hóa giữa các dân tộc anh em ở Bạc Liêu. Đây là nguồn động viên to lớn để bà con Khmer tiếp tục phấn đấu, nỗ lực trong xây dựng và phát triển phum sóc ngày thêm đẹp giàu”.
Một hoạt động được chờ đợi nhất trong lễ hội là giải đua ghe Ngo truyền thống của các chùa Khmer. Tại chùa Đìa Chuối (Serey Vongsa Chêka Meas, xã Vĩnh Bình, huyện Hòa Bình), giải đấu diễn ra sôi nổi với sự tham gia của 7 đội ghe nam đến từ các chùa Khmer trong tỉnh. Trên dòng kênh ấp Thanh Sơn (xã Vĩnh Bình), dưới sự cổ vũ nồng nhiệt của khán giả, các đội ghe Ngo đã cống hiến những trận đấu kịch tính, hấp dẫn. Theo Đại đức Dương Lượng, Trụ trì chùa Đìa Chuối, giải đua ghe Ngo đã tạo ra sân chơi bổ ích để các đội rèn luyện sức khỏe, tăng cường tinh thần đoàn kết của người dân trong phum sóc. Cùng với các hoạt động đặc sắc khác, đua ghe Ngo làm cho lễ hội Oóc-om-bóc năm nay rộn ràng, ngập tràn sắc màu văn hóa dân tộc.
TRỊNH HỮU
- Quốc hội thảo luận tại hội trường về Dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi)
- Bộ Quốc phòng kiểm tra các mặt công tác tại một số đơn vị đóng quân trên địa bàn Tây Nam Bộ
- Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu tổ chức đối thoại với công dân tại Hà Nội
- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Huỳnh Quốc Việt: Các đơn vị mới thành lập phải xây dựng giải pháp đột phá cụ thể cho nhiệm kỳ mới
- Cần 300 triệu đồng sửa cầu treo Phường 8