Văn hóa - Nghệ thuật
Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa: Nhìn lại hành trình “gạn đục khơi trong”
Diện mạo khởi sắc từng ngày ở nhiều vùng nông thôn hay sức sống mới ở những vùng đô thị là minh chứng cho hiệu quả của phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa (TDĐKXDĐSVH) gần 20 năm qua ở Bạc Liêu. Đó là kết quả tất yếu khi có sự chung sức, chung lòng của toàn dân cùng nhau “gạn đục khơi trong”.
Khi toàn dân đoàn kết
Có thể nói, đó là yếu tố tối quan trọng để phong trào đi vào bề sâu chất lượng. Những tấm gương “Người tốt - việc tốt” ở từng địa phương được biểu dương, nhân rộng qua các phương tiện truyền thông đã tạo thành sức mạnh tổng hợp để xã hội học nhau cùng tiến bộ. Những cá nhân, gia đình văn hóa tiêu biểu, xuất sắc trong thực hiện phong trào TDĐKXDĐSVH ngày càng nhiều hơn, có thể kể vài điển hình như hộ bà Quách Kim Tuyến (TP. Bạc Liêu) là một gia đình truyền thống cách mạng luôn đoàn kết, giúp đỡ láng giềng, trong nhà hòa thuận, con cháu học hành đỗ đạt; hộ ông Trần Danh (huyện Vĩnh Lợi) nuôi dạy con cháu ăn học thành tài, tham gia vận động các hộ gia đình dân tộc Khmer thực hiện tốt các phong trào ở địa phương; ông Danh Khen (huyện Hồng Dân) tích cực vận động người dân làm lộ; ông Trần Văn Nhạn (huyện Đông Hải) đóng góp tiền xây dựng cầu bê-tông; ông Đoàn Văn Hóa (huyện Phước Long) thực hiện nhiều mô hình kinh tế đem lại lợi nhuận cao, thường xuyên giúp đỡ người nghèo; ông Phạm Văn Liếp (TX. Giá Rai) sản xuất - kinh doanh đạt hiệu quả cao; ông Ngô Tấn Hưng (huyện Hòa Bình) xây dựng gia đình hòa thuận, đoàn kết, tương trợ những người xung quanh…
Đến nay, toàn tỉnh đã có 14/49 xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới. Một diện mạo mới cho nông thôn Bạc Liêu! Sự huy động các nguồn lực xã hội hóa cũng giúp phong trào học tập, lao động, sáng tạo đạt nhiều thành tựu, đến thời điểm này đã có 64/64 xã - phường đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập giáo dục THCS, phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi…
Phong Tân (TX. Giá Rai) - một trong những xã đạt chuẩn văn hóa đầu tiên của tỉnh. Ảnh: C.T
Bên cạnh đoàn kết xóa đói giảm nghèo, xây dựng tình làng nghĩa xóm ngày thêm bền chặt, phong trào còn huy động được sức dân trong việc đầu tư phát triển phong trào văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao tại tuyến cơ sở. Điển hình như nhân dân xã Định Thành (huyện Đông Hải) hiến đất xây dựng trụ sở ấp, đầu tư trang thiết bị, tự xây sân thể thao trên 2 tỷ đồng; nhân dân xã Vĩnh Hưng A (huyện Vĩnh Lợi) đóng góp 1,5 tỷ đồng xây dựng thiết chế văn hóa; đặc biệt ở TP. Bạc Liêu, các thành phần kinh tế đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng để xây dựng, sửa chữa khu vui chơi, sinh hoạt văn hóa, thể dục - thể thao, trùng tu các di tích…
Chú trọng chất lượng
Vài năm trở lại đây, bên cạnh việc công nhận mới, Bạc Liêu đã mạnh dạn rút giấy chứng nhận gia đình văn hóa để đảm bảo nhà nào được gắn bảng là thật sự đạt chất lượng. Mỗi năm, có vài trăm gia đình văn hóa bị rút danh hiệu do không thực hiện đúng chuẩn. Con số ấy thể hiện sự cương quyết gìn giữ danh hiệu gia đình văn hóa, có công nhận là có rút lại để người dân thật sự thấy được bản chất của văn hóa ngay chính gia đình mình! Hầu hết các gia đình được công nhận đều phấn đấu thực hiện tốt, có ý thức trong việc xây dựng các tiêu chí thể hiện qua việc chấm điểm định kỳ dựa trên quy ước ở các khóm - ấp…
Xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học… đạt chuẩn văn hóa, toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại, đoàn kết giúp nhau “xóa đói giảm nghèo”, thực hiện nếp sống văn hóa, kỷ cương, pháp luật… Tất cả những phong trào, phần việc trong phong trào lớn TDĐKXDĐSVH 17 năm qua đã tác động tích cực đến việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, phát huy nội lực trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, nâng cao dân trí, xây dựng đời sống văn hóa, môi trường văn hóa lành mạnh, dần tạo ra những chuyển biến trong tiến độ phát triển, nhất là ở khu vực nông thôn và vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.
Thành tựu đã có nhiều, nhưng những mặt hạn chế, “những điều trông thấy” đáng quan tâm từ phong trào này vẫn còn tồn tại. Ở một vài nơi, ngay ở những tấm bảng “đạt chuẩn văn hóa” mà vẻ mỹ quan lại không đạt được, chưa nói chất lượng văn hóa thật ở nơi đó. Sự liên kết giữa các ngành trong Ban chỉ đạo ở nhiều nơi còn rời rạc, trình độ năng lực của một số Ban chủ nhiệm còn hạn chế, một số nhà văn hóa ấp, thiết chế văn hóa xã xây xong bỏ hoang phế; nhưng đáng quan tâm nhất là vấn đề gìn giữ thuần phong mỹ tục hiện nay, những giá trị văn hóa thuộc về bản sắc đang dần bị xói mòn trong một bộ phận giới trẻ… Đó là những bề trái của phong trào khi nhìn lại chặng đường đã qua.
Hành trình gần 20 năm “gạn đục khơi trong” của phong trào TDĐKXDĐSVH chắc chắn đã tạo thành nền móng vững vàng để phát triển. Nhìn nhận lại vài khiếm khuyết cũng chính là tháo gỡ “chướng ngại vật” để phong trào tiếp tục gặt hái thành tựu tốt đẹp hơn ở hành trình phía trước.
Cẩm Thúy
- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Huỳnh Quốc Việt: Các đơn vị mới thành lập phải xây dựng giải pháp đột phá cụ thể cho nhiệm kỳ mới
- Cần 300 triệu đồng sửa cầu treo Phường 8
- VCCI Chi nhánh Đồng bằng sông Cửu Long: Gặp gỡ giao lưu, kết nối thương mại và hợp tác phát triển
- Dừng triển khai loại hình giáo dục tiểu học chất lượng cao kể từ năm học 2025 - 2026
- TP. Bạc Liêu trao tặng Huy hiệu Đảng cho 31 đảng viên