Những tác phẩm nghệ thuật​ làm sống lại lịch sử

Thứ Sáu, 29/04/2022 | 17:11

Hòa trong khoảnh khắc đất nước hoàn toàn giải phóng, non sông nối liền một dải, Bạc Liêu rạng rỡ sắc cờ tung bay mừng chiến thắng. Giành lại chính quyền không đổ máu còn là một Bạc Liêu rất đỗi nhân văn. Cùng ghi lại lịch sử, có một ca khúc, một vở tuồng và một bản vọng cổ đã luôn được nhớ đến qua năm tháng…

NSƯT Ngọc Đợi và nghệ sĩ Hoàng Dững trình bày bản vọng cổ “Bạc Liêu ngày ấy” trong lễ kỷ niệm 47 năm ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng tổ chức tại Trung tâm Văn hóa tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: P.T.C

“Trước bình minh”  - “mưa” huy chương cho vở cải lương lịch sử

Có lẽ trong lịch sử hội diễn sân khấu cải lương toàn quốc (gọi tắt là hội diễn) từ trước đó cho đến bây giờ, hiếm có vở cải lương nào đoạt “mưa” huy chương (HC) để trở thành hiện tượng lạ của sân khấu cải lương: 12 HC Vàng và 4 HC Bạc! Đó là thành tích của vở “Trước bình minh”, tác giả Anh Đạo - Hữu Nghĩa, đạo diễn Dzoãn Hoàng Giang, do đội ngũ nghệ sĩ, diễn viên Đoàn cải lương Hương Tràm (tỉnh Minh Hải cũ) dàn dựng, biểu diễn tại hội diễn năm 1985.

Để khắc họa trang sử oai hùng và đậm tính nhân văn về ngày giành lại chính quyền về tay cách mạng không đổ máu, tác giả Hữu Nghĩa và Anh Đạo đã xây dựng kịch bản đặc biệt này. Đảm nhận vai Mười Hùng (tức đồng chí Lê Quân, một trong 3 nhân vật lịch sử tham gia phái đoàn thương lượng với địch trước thời khắc giải phóng), cho đến giờ, sau gần 40 năm tham gia vở diễn, Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Minh Chiến vẫn nhớ như in những kỷ niệm khi vào vai diễn đặc biệt này: “Tôi theo sát chú Năm Quân cả tháng trời để học phong thái của chú, từ cử chỉ, hành động, tác phong, đến cách ăn nói. Vì đây là nhân vật lịch sử có thật ngoài đời nên không thể dựa vào chỉ đạo nghệ thuật bình thường mà diễn được, phải cần cứ liệu từ thực tế. Đó là vai diễn để đời mà tôi thật sự tâm đắc”. Và dĩ nhiên, đây là một trong số 12 HC Vàng của vở. Từ nghệ sĩ đến tác giả kịch bản, đạo diễn, âm nhạc... đều nhận được HC từ một vở diễn tái hiện thời khắc lịch sử.

Sau khi tham gia hội diễn, 30 năm sau, tức năm 2015, vở được Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại TP. Cần Thơ thu hình và phát sóng trực tiếp cho chương trình sân khấu cải lương “Hòa điệu đất Chín Rồng” lần thứ 5. Vở được các nghệ sĩ, diễn viên Đoàn cải lương Cao Văn Lầu - tỉnh Bạc Liêu biểu diễn. Sau đó, vở cũng được dàn dựng vài lần phục vụ các ngày lễ lớn ở Bạc Liêu.

Một cảnh trong vở cải lương “Trước bình minh” do Đoàn cải lương Cao Văn Lầu biểu diễn. Ảnh: N.Q

Ngày của tình người, ngày hội non sông…

Long trọng kỷ niệm ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng năm nay, một lần nữa bản vọng cổ “Bạc Liêu ngày ấy” của cố soạn giả Trọng Nguyễn lại được NSƯT Ngọc Đợi và nghệ sĩ Hoàng Dững ngân lên trong niềm xúc động, tự hào ở hội trường Trung tâm Văn hóa tỉnh. Kể từ khi ra đời, đây cũng trở thành tác phẩm vọng cổ đặc biệt của Bạc Liêu bởi đã tái hiện Bạc Liêu ngày giải phóng.

Thật cảm ơn quê hương Minh Hải nói chung, đất Bạc Liêu nói riêng đã sinh ra những người con là chiến sĩ - nghệ sĩ tài hoa, như cố soạn giả Trọng Nguyễn, người đã dâng cho đời những tác phẩm vọng cổ sống mãi với thời gian. Trong số những tuyệt tác vọng cổ được khắp nơi yêu thích như “Giọt sữa cuối cùng”, “Quê anh, quê em”, “Ơn Đảng”..., thì mỗi khi cả nước mừng ngày thống nhất đất nước, chúng ta lại nhớ về “Bạc Liêu ngày ấy”. Viết về sự kiện giành lại chính quyền không đổ máu, cố soạn giả đã làm cho mảnh đất Bạc Liêu kể từ thời khắc đó và mãi về sau sẽ còn sáng ngời với những âm điệu tự hào: “… Một cuộc đổi đời mà phố xá vẫn bình yên. Chỉ có doanh trại và hang ổ kẻ thù đang run rẩy. Trong giờ phút nghiêm trang này Tổ quốc gọi anh. Khi giặc đầu hàng anh nén lòng không nổ súng... Đối mặt với kẻ thù không giọt máu rơi. Chỉ có cờ chiến thắng tung bay trên đường phố. Và Bạc Liêu nhân từ biết mấy Bạc Liêu ơi...”.

“Tiếng hát lời ca của anh, phát ra từ ngực đất anh hùng, cứ thế âm vang mãi. Tôi đã bao lần thật sự xúc động rưng nước mắt khi xem những vở kịch, nghe những bài ca của anh. Anh đã để lại trong tôi hình ảnh và tâm hồn quê hương rực rỡ”, nhà thơ Nguyễn Bá từng chia sẻ cảm xúc về những tác phẩm nghệ thuật của cố soạn giả Trọng Nguyễn như thế. “Bạc Liêu ngày ấy ngày không nổ súng ngày của tình người, ngày hội non sông” chính là một trong những bài ca làm rực rỡ quê hương này!

Nắng xuân đang tràn về Bạc Liêu…

“Có ai về quê hương tôi Bạc Liêu…”, cứ mỗi buổi sáng sớm, nhạc hiệu của Đài Truyền thanh TP. Bạc Liêu lại vang lên giai điệu của khúc ca tự hào quen thuộc, bài “Bạc Liêu quê tôi” do nhạc sĩ - NSƯT Lê Hoàng Bửu sáng tác. Quê gốc Cà Mau, năm 1965, ông tham gia Đoàn văn công Giải phóng khu Tây Nam Bộ và chính thức trở thành người chiến sĩ “tay đàn, tay súng” phục vụ khắp chiến trường Tây Nam Bộ. Một trong những ca khúc đầu tay này của ông (sáng tác năm 1974) cũng liên quan đến những năm tháng Bạc Liêu vừa giải phóng. Sau khi Đài Truyền thanh TX. Bạc Liêu lúc ấy tiếp thu cơ sở vật chất của ngụy quyền để lại, mọi khâu được khẩn trương chuẩn bị, trong đó có việc chọn nhạc hiệu. Và ca khúc “Bạc Liêu quê tôi” đã được chọn. “Khi chúng tôi được tăng cường từ khu về Bạc Liêu giúp tỉnh gầy dựng phong trào văn nghệ, đặc biệt là thành lập đoàn văn công thì tôi vừa thực hiện nhiệm vụ chính trị vừa suy nghĩ việc sáng tác ca khúc cho tỉnh. Tình cờ, tôi nghe mấy anh em kể lại chuyện một bà má chiến sĩ có đến 5 người con hy sinh, bản thân má là một đảng viên rất kiên trung… Vậy là tôi có được cái tứ rồi tiếp tục đưa hình ảnh quê hương xứ sở, những người dân hiền lành yêu nước đáng được tôn vinh, ca ngợi bằng giai điệu. Tôi miệt mài trau chuốt để ca khúc chuyển tải được chủ đề, đồng thời cũng gởi gắm vào đó tấm lòng của mình…”, nhạc sĩ - NSƯT Lê Hoàng Bửu không bao giờ quên đoạn ký ức khi viết ca khúc “Bạc Liêu quê tôi”. Sau mấy mươi năm, dù giữa rất nhiều khúc ca hát về Bạc Liêu thì “Bạc Liêu quê tôi” vẫn chan chứa những lời ca tự hào vì tác phẩm có mặt ngay những giây phút lịch sử trang trọng đó. “Nắng xuân đang tràn về Bạc Liêu” như niềm hân hoan đang lan tỏa khắp nơi…

“Trước bình minh”, “Bạc Liêu ngày ấy”, “Bạc Liêu quê hương tôi”, những tác phẩm nghệ thuật đã tái hiện thời khắc lịch sử của Bạc Liêu vô cùng sinh động. Đó là thành quả to lớn của cách mạng, thời khắc giành chính quyền về tay Nhân dân không tiếng súng đã trở thành nghệ thuật quân sự, thể hiện sự đúng đắn của đường lối chiến tranh nhân dân và tính nhân đạo trong sự nghiệp cách mạng của Đảng ta mà Bạc Liêu là một điển hình đầy tự hào!

Đất Bạc Liêu có bề dày truyền thống cách mạng, viết nên những trang sử hào hùng mà điểm nhấn là hai lần giành chính quyền không đổ máu. Rồi cũng trên mảnh đất với bề dày truyền thống nghệ thuật đã nuôi nấng những con người tài hoa, những chiến sĩ “tay súng, tay đàn”. Sự kết hợp tài tình ấy đã để lại cho hậu thế nhiều tác phẩm nghệ thuật độc đáo, trong đó ít nhất là 3 tuyệt phẩm nghệ thuật kể trên đã tái hiện sinh động Bạc Liêu ngày giải phóng. Để cho hôm nay và mai sau, qua lăng kính nghệ thuật, khán giả và công chúng hình dung đầy đủ thời khắc lịch sử huy hoàng của quê hương.

CẨM THÚY

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.