Văn hóa - Nghệ thuật
Mái nhà xưa
Đò cập bến, nó bước lên bờ. Con chó phèn ở đâu chạy về sủa rân, ngoắc ngoáy đuôi trông đợi cái vuốt ve, nựng nịu lâu rồi không có. Nó nhìn con chó, nghe sống mũi nồng nồng.
Thắp nén hương xong, nó đi quơ cái nhà cho gọn ghẽ. Như sực nhớ điều gì, nó vội đi nhóm lửa. Nó đốt một bếp lửa thật to. Nó ngồi nhìn những cây củi đang rực cháy thành than. Những ngọn lửa đỏ ối, mượt mà múa may, nhún nhảy. Hồi đó, sáng nào má nó cũng thức thật sớm pha cho ba nó bình trà, rồi mới nấu cơm đi ruộng ăn. Mấy hôm trời lạnh, nó thu mình trong cái áo ấm ngồi co ro bên bếp lửa, má nó trêu: “Giống con cò mắc mưa quá đi, ông con”…
Giờ nó ngồi đây như đã mấy thế kỷ mà có nghe ai nói với nó tiếng nào đâu.
Nó ra hè cột lại mấy tàu lá tụt xuống. Tiện tay, kéo đám bìm bìm đang cố bò lên nóc nhà. Nhà mà để bìm bìm leo xui lắm! Người ta vẫn nói “giậu đổ bìm leo” mà. Nhưng trước kia, bìm bìm có leo đâu mà ba cũng bỏ đi…
***
Nhà cao cửa rộng, vợ con đề huề, vậy mà ông cũng nỡ bỏ. Má nó khóc hết nước mắt mà ba nó đi vẫn cứ đi. 20 năm chung sống, bà chưa từng mượn ba nó bửa một cây củi, nấu tiếp một nồi cơm. 20 năm, chỉ biết ngậm bồ hòn làm ngọt cho yên nhà, yên cửa. Hết khóc, bà lại đi làm bùa làm ngải cho ba nó về. Ba nó không về mà gia đình ngày càng èo ọt như dưa gặp hạn. 3 - 4 giờ khuya bà đã thức dậy, nằm thao thức. Hết ra võng, lại vào buồng. Càng nghĩ bà càng thấy mỉa mai, chua chát…
Một khuya, chị Hai nó bàn với mẹ theo chị em bạn đi thành phố làm công nhân may mặc. “Đi thành phố nghe sao mà xa quá! Không lẽ nhà mình đã đến nước này sao?”, má nó thở dài. Chiều đó, má nó ra ngoài vàm mượn bà Tư Lùn 300 ngàn đồng về cho chị nó đi xe, chừng nào làm có rồi gửi về trả. Mấy tháng đầu, chị nó có gửi tiền về, khi 500 ngàn, khi 1 triệu đồng, hàng xóm ai cũng khen, nhưng rồi thưa dần, thưa dần như sao về sáng. Má nó cảm thấy ai đó lại cắt một miếng thịt trên cơ thể mình. Nó đi học, có khi cả tháng không về, ở nhà chỉ có một mình, má nó lầm lũi trong ngôi nhà không tiếng người. Thi thoảng, nghe chó sủa bà lại mừng thầm. Không! Đò cập bến bên kia.
Bữa nọ nó về nhà thăm má. Khi đang ngủ, nửa tỉnh nửa mê, nó nghe thấy có tiếng thì thầm vọng ra từ buồng ngủ của má mình. Lúc ấy gà gáy báo trời sắp rạng. Tốc mền, nó chạy đổ nhào, vỗ cửa buồng rầm rầm: “Má! Má mở cửa ra, không con đập đầu vào gốc cột cho má vừa lòng!”... Má nó mở cửa, đã thấy nó nằm rã rượi dưới nền nhà mê man.
Tỉnh lại, nhìn quanh, thấy má đi từ dưới bếp lên, nó liền quay mặt. Bà ngồi xuống giường: “Trời ơi, người ngoài nói tôi chưa đã, bây giờ tới con trong nhà cũng nghi ngờ tôi nữa nè trời!”. Nó vẫn không quay lại. Không khóc, bà lặng lẽ như bóng mây dật dờ lúc hoàng hôn, đi ra nhà sau. Nước mắt nó bắt đầu trôi từ hố mắt bên này qua hố mắt bên kia. Hay là mình mê sảng? Nó đã trăm ngàn lần cật vấn mình như thế. Cũng trăm ngàn lần nó nhắm mắt lại mơ màng về một ngày đã xa xôi nào đó, ba nó dầm mưa đem tay lưới đầy cá rô về, má nó ngồi trên sàn lãng cũng dầm mưa gỡ cá với ba nó, còn chị em nó thì chạy long nhong tắm mưa đầu mùa. Nó như người biết sắp mất những thứ quý giá mà không có cách nào giữ lại, ngậm ngùi nhìn từng trái yêu thương cứ rụng dần, rụng dần trước bão giông.
Ít lâu sau, má nó gọi điện thoại cho hay bà đã đi làm rồi. Nó hỏi làm gì, ở đâu, bà chỉ nói: “Má không làm gì bậy bạ để con cái nhục nhã đâu”. Nước mắt nó lại rơi. Nước mắt không làm cho ba nó quay về, không làm cho chị nó khỏi đi thành phố, và má nó đừng xa nó. Nó hiểu. Thế là hết. Tất cả đã đổ vỡ rồi. Hai má con có lần gặp nhau ở bến đò. Nó lại hỏi: “Má làm gì, ở đâu vậy má?”. - “Làm ở đâu có tiền thì làm. Mình đừng có ăn cắp, ăn trộm của ai là được”. Nhớ tới lời mấy người trong xóm bàn tán, nó lại hỏi, bà bảo: “Má có lấy cũng lấy người đàng hoàng cho con má được sung sướng, chớ đâu phải thứ đụng đâu bạ đó mà con lo”. Nó ngượng nghịu cười. Không có người con nào muốn sung sướng như vậy đâu, má ơi.
***
Hôm nay, về nhà, nó lại khóc.
Cái sân trước nhà đáng lẽ mùa này là dưa gang bò xanh hết rồi, bây giờ cỏ lên xanh hơn mạ đông xuân. Nó tìm cây dao ra làm cỏ. Thấy đám hoa dừa cằn quá, nó lại đi xách nước tưới. Hồ nước cạn lâu ngày, rong dưới đáy khô bong lên từng mảng. Nhưng máy bơm lại hỏng. Hồi trước, máy bơm cũng hay hư nhưng có ba nó sửa, giờ nó chỉ biết ngồi nhìn.
Từ lúc gia đình có chuyện không hay, nó ít tiếp xúc với lối xóm. Nó sợ những ánh mắt soi mói, dè biểu. Bởi thế, định đi mượn xuồng chở nước mà nó chưa dám.
Mới vừa chống xuồng ra khỏi con mương, chợt nó thấy ông Hai đi tới. “Mày mới về đó hả? Ba mày giờ ở đâu, làm gì? Sao lâu quá không thấy nó về? Ờ, má mày có ở chung với ba mày không?...”. Nó ngớ ra, không biết trả lời thế nào. “Dạ! Ông cậu đi thăm ruộng đó hả?”. - “Ừ ! Tao hỏi ba má mày sao rồi?”, ông cậu nó nhắc lại câu hỏi. “Dạ, ba má con đi làm ở thành phố, tại không rảnh nên ít về nhà lắm”. Dứt lời, nó bơi riết qua sông.
Xuồng nước của nó chẳng mấy chốc đã đầy. Nó nhẹ nhàng tháo dây mũi, từ từ đặt mái dầm xuống nước. Nó bơi như sợ đánh thức dòng sông đang say ngủ.
Đêm xuống. Làng xóm chìm trong bóng tối. Trời không trăng, không sao. Muỗi bắt đầu vo ve. Ễnh ương, bù tọt bắt đầu tấu lên khúc nhạc đồng quê.
“A! Ba về! Ba về, ba về má ơi! Thưa ba mới về!”. Người đàn ông không đáp lại. Ông quay lưng, bỏ đi. “Ủa? Ba đi đâu vậy?”. Người đàn ông vẫn im lặng. Ông không ngoái đầu nhìn lại. Nó gào lên: “Ba! Ba! Đừng bỏ con!... Đừng bỏ con!...”. Nó giật mình thức giấc. Cái gối còn nóng hổi nước mắt. Nó ngước nhìn xung quanh, thì ra chỉ là mơ…
Trần Phong
- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Huỳnh Quốc Việt: Các đơn vị mới thành lập phải xây dựng giải pháp đột phá cụ thể cho nhiệm kỳ mới
- Cần 300 triệu đồng sửa cầu treo Phường 8
- VCCI Chi nhánh Đồng bằng sông Cửu Long: Gặp gỡ giao lưu, kết nối thương mại và hợp tác phát triển
- Dừng triển khai loại hình giáo dục tiểu học chất lượng cao kể từ năm học 2025 - 2026
- TP. Bạc Liêu trao tặng Huy hiệu Đảng cho 31 đảng viên
- Giá máy bơm bùn
- Chuỗi Siêu thị Chống thấm Hà Nam