Liên hoan Độc tấu và hòa tấu nhạc cụ dân tộc - năm 2017: Bạc Liêu đã sẵn sàng!

Thứ Tư, 12/04/2017 | 15:38

Từ ngày 14 - 16/4, liên hoan Độc tấu và hòa tấu nhạc cụ dân tộc - năm 2017 (gọi tắt là liên hoan) diễn ra tại tỉnh Thanh Hóa. Cũng như các đơn vị tham gia liên hoan lần này, Bạc Liêu đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về nhân lực và vật lực với quyết tâm khẳng định giá trị âm nhạc dân tộc Khmer, góp phần cống hiến cho “đại tiệc” trình diễn nhạc cụ thêm hấp dẫn, đặc sắc.
Liên hoan được Cục Nghệ thuật biểu diễn chủ trì, phối hợp với Hội Nhạc sĩ Việt Nam và Sở VH-TT&DL Thanh Hóa tổ chức. Đây là sân chơi chuyên nghiệp, quy tụ nhiều nhạc viện, nhà hát lớn, đặc biệt là các đơn vị nghệ thuật dân tộc thiểu số trong nước tham dự.
Đến với ngày hội âm nhạc tại Thanh Hóa, Bạc Liêu là tỉnh duy nhất của khu vực Nam bộ trình diễn nhạc cụ dân tộc Khmer. Vừa là niềm tự hào, song cũng là trọng trách to lớn với Bạc Liêu trong “sứ mệnh” tôn vinh, quảng bá giá trị âm nhạc Khmer đến các dân tộc anh em cả nước. Dù không đặt nặng về thành tích, nhưng Đoàn Nghệ thuật tổng hợp Khmer Bạc Liêu (gọi tắt là đoàn) cũng đã có nhiều bước chuẩn bị chu đáo, với 6 tiết mục: “Bạc Liêu vươn xa”, “Ngày vui bên nhau”, “Niềm vui ngày hội”, “Ngày hội” - hòa tấu; “Phum sóc hôm nay”, “Âm sắc quê hương” - độc tấu. Đây đều là những tác phẩm mới được sáng tác bởi nhạc sĩ Thạch Mô Ly. Với chủ đề “Bạc Liêu vươn xa”, chương trình tham dự liên hoan của đoàn tập trung phản ánh những nội dung chính như: thành tựu Bạc Liêu sau 20 năm tái lập và phát triển, bản sắc văn hóa phum sóc, những đóng góp của đồng bào Khmer trong xây dựng quê hương Bạc Liêu đẹp giàu... 

Các nhạc công Đoàn Nghệ thuật tổng hợp Khmer Bạc Liêu tập luyện chương trình tham gia liên hoan. Ảnh: H.T

Cái hay của chương trình là các tiết mục dựa trên nền tảng âm nhạc dân gian Khmer nhưng chất liệu, cách hòa âm, phối khí giữa các nhạc cụ lại không trùng lấp, mỗi phần thi là một màu sắc khác nhau. Nhạc sĩ Thạch Mô Ly chia sẻ: “Nếu bài hát dùng ca từ để chuyển tải thông điệp thì nhạc độc tấu, hòa tấu lại thể hiện bằng giai điệu. Thông qua sự trình diễn, hỗ trợ của các loại nhạc cụ sẽ làm bật lên chủ đề, tư tưởng chính. Do đó, việc sáng tác, dàn dựng chương trình được đoàn chú tâm trong khâu kết hợp, tuyển chọn những loại nhạc cụ vừa đặc sắc, vừa là đại diện cho âm nhạc dân tộc Khmer”.
Các loại nhạc cụ tiêu biểu của đồng bào Khmer sẽ tham dự liên hoan bao gồm: trống Chhay-dăm, Khưm, T-Ro U, T-Ro Soô, Tà khê, Pây O, Pây puốc, Khloy và dàn nhạc ngũ âm (5 chất liệu: gỗ, da, sắt, đồng, hơi)… Ngoài tài năng, kỹ thuật chơi nhạc cụ điêu luyện, các nhạc công còn được tập luyện cách diễn, giao lưu nhằm tạo sự phối hợp nhịp nhàng, sinh động cho tiết mục.
Với sự nỗ lực trong quá trình tập luyện, chương trình tham gia liên hoan của đoàn cơ bản đã hoàn thành và được ngành VH-TT&DL đánh giá cao về nghệ thuật trình diễn, sự kết hợp nhạc cụ độc đáo. Ông Lâm Thế Hiệp, Trưởng đoàn Nghệ thuật tổng hợp Khmer Bạc Liêu, cho biết: “Sau khi nhận thông báo từ Ban tổ chức và được UBND tỉnh quan tâm, chỉ đạo tham gia liên hoan, đoàn đã khẩn trương vừa sáng tác, vừa tập luyện chương trình. Sau gần 1 tháng nỗ lực chuẩn bị, chương trình cơ bản ổn về mọi mặt, đảm bảo chất lượng cả về nghệ thuật lẫn nội dung".
Do sự góp mặt của nhiều tên tuổi lớn trong làng âm nhạc dân tộc, Bạc Liêu xác định đây là cơ hội để giao lưu, cống hiến cho liên hoan thành công rực rỡ. Tuy nhiên, với vị thế là đơn vị trình diễn nhạc cụ dân tộc Khmer duy nhất, cùng nhiều thành tích tại các kỳ liên hoan âm nhạc các dân tộc thiểu số toàn quốc trước đây, Bạc Liêu hoàn toàn có thể hy vọng về một màn trình diễn ấn tượng, độc đáo và gặt hái thành công.
HỮU THỌ

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.