Văn hóa - Nghệ thuật
Ký ức về ngày 2/9 vẫn còn đó...
71 năm đã đi qua - những người chứng kiến được thời khắc Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn độc lập vào sáng ngày 2/9/1945, giờ đây đã trở thành những cụ ông, cụ bà. Song, những ký ức đó vẫn còn in đậm trong tâm trí họ!
Những “nhân chứng lịch sử” này không thể nào quên được thời khắc vàng son đã được ghi vào sử sách. Tất cả như vỡ òa trong niềm xúc cảm khi nước Việt Nam đã chính thức được khai sinh sau gần “trăm năm đô hộ giặc Tây”. “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và thật sự đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy” - từng lời khẳng định của Bác Hồ trong mùa thu lịch sử năm ấy như còn vang vọng trong tâm trí của những người văn công cho đến tận bây giờ.
Cô Thu Ba kể về giây phút nghe Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn độc lập vào ngày 2/9/1945.
Ảnh: N.T
Cô Phạm Thu Ba (nghệ nhân nói thơ trong đoàn văn công thời chiến) nhớ như in cảm giác phấn khởi khi hay tin nước Việt Nam độc lập. “Nghe tin Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình, tôi rất phấn khởi. Tôi rủ người này, người kia đến xoay quanh chiếc radio để chăm chú ngồi nghe từng lời của Bác. Hồi đó đâu có tivi như bây giờ, nên có chiếc radio nghe phát thanh là quý lắm. Chúng tôi ngồi im lặng lắng nghe, xong rồi hô lên: đất nước mình độc lập rồi!”, cô Thu Ba nhớ lại.
Độc lập rồi, họ vẫn tiếp tục cống hiến lời ca tiếng hát để khích lệ tinh thần các chiến sĩ cách mạng. Cô Thu Ba kể: “Ngay sau khi nghe Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn độc lập, chúng tôi đã tổ chức buổi văn nghệ vừa ăn mừng, vừa khích lệ mọi người bảo vệ thành quả cách mạng”. Nằm trong ban phụ trách thiếu nhi của tỉnh, nên cô rủ một số thiếu nhi hát bài “Độc lập”, “Tự do”, múa ca vang trời để mừng sự kiện đặc biệt của đất nước. “Việt Nam từ ngàn xưa, Việt Nam từ ngàn xưa. Bao nhiêu là công xây đắp cho nước nhà. Hiên ngang từ ngàn xưa, oai linh từ ngàn xưa. Tấm gương soi trung làm sao vẫn nhớ. Treo trên cờ Việt Nam muôn đóa hoa, ta với ta chung vui cùng non nước nhà” - lời trong ca khúc “Độc lập” hiện rõ như in trong trí nhớ của người văn công nay đã ngoài 80 tuổi. Cô hát lại ca khúc “Độc lập” bằng một tinh thần phấn chấn, nhịp điệu rõ ràng và dứt khoát như đã từng hát trong thời khắc thiêng liêng của dân tộc cách đây 71 năm.
Ký ức về ngày Quốc khánh đã nằm trọn trong trái tim muôn vạn đồng bào. 71 năm về trước, soạn giả Trọng Nguyễn còn là cậu bé 8 tuổi, nhận thức về chủ quyền đất nước còn non nớt, nhưng vẫn cảm thấy hân hoan khi hay tin đất nước mình độc lập.
Sống trong thời bình, thế hệ trẻ hôm nay có thể không hiểu hết giá trị của hai chữ “độc lập”. Chính vì thế, lớp “tiền bối” có một nguyện vọng rằng, những bài ca kháng chiến, những ca khúc mang tính cổ vũ, động viên và ca ngợi chủ quyền độc lập của dân tộc rất cần được truyền bá rộng rãi, để thế hệ trẻ ý thức hơn trong công cuộc bảo vệ đất nước cũng như cảm thấu hơn ý nghĩa của ngày Quốc khánh 2/9.
Ngọc Trân
- Thí điểm giáo dục chất lượng cao - 12 năm tìm hướng đi bền vững
- “Bí kíp vàng” chinh phục môn Ngữ văn thi tốt nghiệp THPT
- 36 đảng viên được trao tặng Huy hiệu Đảng đợt 2 - năm 2025
- Báo và Đài Phát thanh - Truyền hình Bạc Liêu được khen thưởng tại Cuộc thi viết “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới” lần thứ 4
- Xây dựng Bộ đội Biên phòng tỉnh vững mạnh toàn diện, tinh gọn tổ chức bộ máy