Văn hóa - Nghệ thuật
Gặp những "người hùng" cứu người trong vụ lật tàu
Nhiều người đã không ngại nguy hiểm, quên đi tính mạng của mình để cứu những người khác thoát chết trong vụ lật tàu cá tại lễ hội Nghinh Ông (thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải) vừa qua.
quên mình cứu người
Sau nhiều ngày được điều trị tại bệnh viện, 15 nạn nhân của vụ chìm tàu tại lễ hội Nghinh Ông đang dần hồi phục sức khỏe, nhưng trên gương mặt họ vẫn còn nỗi thất thần, ám ảnh khi được cứu sống từ… cõi chết.
Mãi đến giờ, Trần Thanh Liêm (29 tuổi, ấp 4, thị trấn Gành Hào) vẫn không thể nào quên giây phút sinh tử ấy. Hôm đó, Liêm có mặt trên tàu cùng em trai và một vài người bạn. Khi tàu sắp lật, Liêm chỉ kịp nghe ai đó la lớn “tàu chìm rồi tụi bây ơi”, thế là mạnh ai nấy phóng xuống nước để thoát thân.
Khi trồi đầu lên khỏi mặt nước, Liêm nhìn quanh không thấy em trai đâu. Vì đứa em không biết bơi, Liêm sợ hãi kêu to: “Trường ơi, Trường ơi…”. Cứ thế, Liêm cuống cuồng giữa dòng nước chảy xiết, may thay, cách đó khoảng 1m, Liêm thấy em trai mình đang quờ quạng tay chân. Không chần chừ, Liêm lao nhanh đến để em trai bám chặt vào vai mình. Lúc này, có một em gái chừng 18 tuổi cũng níu vào áo của em trai Liêm, vậy là một mình Liêm bơi mang theo 2 người phía sau. Nhưng do bị tật từ khi mới chào đời, một bên chân của Liêm bị teo nhỏ nên sức khỏe không được như người bình thường, bơi được một đoạn thì Liêm bị 2 người phía sau ghì chặt và nhấn chìm xuống. Liêm cố gắng ngoi lên rồi lại bị nhấn xuống, vài lần như vậy khiến Liêm không còn sức để bơi nữa, tay chân tê cứng, rã rời. Biết mình chắc khó thoát nạn, nhưng Liêm nghĩ thà mình chết nhưng em trai phải sống, còn chút sức lực cuối cùng Liêm cố gắng gỡ tay của em trai đang ôm chặt vào cổ mình ra rồi đẩy mạnh em lao về phía trước. “Lúc đó, Liêm nghĩ mình chết rồi vì bị chìm sâu xuống dưới, nhưng cố đạp mạnh chân lại nổi được lên trên, không ngờ đúng ngay đầu mũi chiếc đò dọc nên được một người kéo lên. Nằm trên đò rồi Liêm vẫn không quên với gọi: “Mấy anh ơi, dùm cứu em trai của em”, rồi Liêm ngất đi. Khi tỉnh lại thấy mình đang nằm trong bệnh viện kế bên là em trai và vài người bạn nữa, Liêm mừng rơi nước mắt vì mình và những người thân đã thoát kiếp nạn.
Đáng khâm phục hơn là chàng Thạch Thương (27 tuổi, ngụ thị trấn Gành Hào), tuy cơ thể gầy nhom, nhưng lại đầy bản lĩnh. Khi tai nạn xảy ra, em gái mình cùng 3 người bạn bị mắc kẹt trong cabin của tàu. Ngay lúc đó, Thương không nghĩ gì khác ngoài việc cứu người. Thương bèn lặn vào bên trong cabin để đẩy em gái cùng 3 người bạn của mình ra ngoài, còn bản thân thì bị mắc kẹt lại. Lúc đó, Thương nghĩ mình sẽ chết vì không tìm được đường ra ngoài trong khi con tàu chìm ở độ sâu gần 2m. Có lẽ, trong những lúc hiểm nguy nhất thì ý chí và khả năng chịu đựng của con người sẽ dâng cao. Thương cố gắng vùng vẫy, lần mò, cuối cùng cũng tìm thấy cửa sổ và thoát ra ngoài.
Khi ngoi lên khỏi mặt nước thì gặp ngay chỗ bánh lái tàu, Thương ôm chặt vào đó để thở. Nhưng cách đó không xa, Thương lại thấy có nhiều cánh tay đang giơ lên mặt nước như sắp chìm. Không chần chừ, Thương lao nhanh về phía người bị nạn, kéo được 3 người vào và tất cả may mắn khi được một ghe lưới kéo lên và đưa vào bờ an toàn. “Dù có kiệt sức, nhưng thấy những người thân của mình bình an là em vui lắm rồi”, Thạch Thương chia sẻ.
Những "người hùng" quên mình cứu người thoát chết trong vụ chìm tàu đang được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện Đông Hải (từ phải sang: Thạch Thương, Thanh Liêm, Minh Hoàng, Thanh Trường - em trai Liêm). Ảnh: H.H
“Người hùng” mang tên... đò dọc
Rất nhiều nạn nhân thoát chết khi kể lại sự việc ai cũng thầm biết ơn nghĩa cử cao đẹp của những người hành nghề đò dọc. “Nếu không có những người đó tận tình cứu vớt, chắc gì em còn sống đến ngày hôm nay”, anh Lê Minh Hoàng (ấp 2, thị trấn Gành Hào) - một nạn nhân của vụ chìm tàu chia sẻ.
Dò la cả buổi chiều, tôi mới gặp được những chủ đò dọc tham gia cứu người hôm ấy khi họ đang uống cà phê tại một quán gần bến đò (ấp 4, thị trấn Gành Hào). Một chủ đò dọc tên Nguyễn Văn Bé (xã Tân Thuận, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau) kể: “Hôm đó, tôi đi chở tôm giống thuê. Đang ngồi uống cà phê ở gần Cảng cá Gành Hào đợi lên tôm thì có một anh bạn chạy lại la to: “Có tàu Nghinh Ông chìm kìa, chạy đi cứu người tụi mày ơi!”. Thế là, không ai bảo ai, tôi cùng một người bạn lao nhanh xuống đò chạy ra hiện trường. Bấy giờ, tôi thấy có rất nhiều người bị nạn đang chới với giữa dòng nước. Tôi kêu người bạn giữ tay máy, còn mình phóng xuống sông cầm dây, phao bơi quanh để các nạn nhân bám vào. Cứ cứu được 3 người thì chạy vào bờ để đưa nạn nhân kịp thời đi cấp cứu, rồi lại tiếp tục chạy ra để cứu những người còn lại”. Chạy ra, chạy vào nhiều chuyến như thế, tính ra anh đã cứu được 14 người.
Khi những chiếc đò dọc vừa cập bờ thì tức khắc người dân chạy xuống dốc ngược người bị nạn lên để nước trào ra và tức tốc đưa lên xe máy chở đi cấp cứu. Một người hàng xóm của anh Bé là Trần Văn Tư (còn gọi là Tư Lưới) cũng góp phần rất lớn trong việc cứu nạn. Khi tai nạn xảy ra, ông Tư Lưới cũng lao nhanh ra hiện trường, trên đò có bất cứ vật dụng như: phao, bình nước lọc, dây… ông đều quăng xuống để người bị nạn bám vào. Sau đó, ông kéo từng người lên rồi đưa ngay vào bờ. Cứ thế, ông cứu được mười mấy người. “Tôi chỉ có một ý niệm là cứu càng nhiều người càng tốt. Nếu không may mình có chết, cũng cam lòng”, ông Tư Lưới chia sẻ.
Hôm ấy, các anh phải bỏ cả ngày công, nhưng tất cả đều cảm thấy vui và ấm lòng vì đã làm được một việc nghĩa cho đời.
Thế mới biết, tình người luôn bao la, cao cả, nhất là trong những cơn hoạn nạn…
Huỳnh Hiếu
- Bảo hiểm Agribank Kiên Giang chi trả quyền lợi bảo hiểm Bảo an tín dụng cho một khách hàng tại TX Giá Rai
- Quốc hội thảo luận tại hội trường về Dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi)
- Bộ Quốc phòng kiểm tra các mặt công tác tại một số đơn vị đóng quân trên địa bàn Tây Nam Bộ
- Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu tổ chức đối thoại với công dân tại Hà Nội
- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Huỳnh Quốc Việt: Các đơn vị mới thành lập phải xây dựng giải pháp đột phá cụ thể cho nhiệm kỳ mới