Văn hóa - Nghệ thuật
Đoàn Cải lương Cao Văn Lầu: Làm sao giữ chân diễn viên?
Thời gian qua, Đoàn cải lương Cao Văn Lầu nhận được đánh giá cao về chuyên môn của nhiều đạo diễn danh tiếng của làng cải lương toàn quốc. Thực lực đã có, nhưng một bộ phận nhân lực trong đoàn có nguy cơ không gắn bó lâu dài với đoàn do nhiều nguyên nhân.
Tha thiết vào biên chế
Biên chế tỉnh giao cho đoàn là 37 người. Nhưng hiện tại, chính thức gọi là viên chức trong đoàn có 26 người, hợp đồng là 15 người. Trong số 15 người đang ký hợp đồng làm việc tại đoàn, có 7 người chưa đủ điều kiện vào biên chế. Đây là thực trạng cách đây 3 năm về trước và kéo dài đến nay. Nếu không hoàn thiện hồ sơ, bằng cấp thì đến tháng 7/2017 và đầu năm 2018, nhóm người này sẽ hết hạn hợp đồng (loại hợp đồng 36 tháng). Nguyên nhân không đủ điều kiện vào biên chế được Sở VH-TT&DL xác định là chưa có bằng cấp tương ứng.
Tuy nhiên, anh em diễn viên thì lại “có lý” riêng của mình. Anh Trần Văn Xuân (nghệ danh Thanh Xuân) chơi ghi-ta cho đoàn, tâm sự: “Nghĩ tới chuyện không còn gắn bó với đoàn, tôi rất buồn. Bởi tôi đã đồng hành từ lúc mới thành lập đến nay tính ra cũng đã hơn 20 năm”. Cùng cảnh ngộ với anh Xuân, anh Trần Văn Dự (nghệ danh Thanh Tâm) cũng không được vào biên chế Nhà nước. “Thu nhập hơn 3 triệu đồng/tháng, tôi nuôi thân còn chưa đủ thì nói chi có gia đình. Hiện tại tôi đang hưởng lương theo hợp đồng dài hạn. Đến đầu năm 2018 có thể sẽ chuyển sang hưởng lương theo Nghị định 68. Khi đó, các phụ cấp của tôi sẽ bị cắt hết do không phải là viên chức Nhà nước”, anh Dự chia sẻ.
Nhiều anh em trong đoàn cho biết, nếu không được vào biên chế thì họ sẽ rời đoàn và tìm công việc khác phù hợp. Bởi theo họ, khi là viên chức chính thức thì sẽ ổn định cuộc sống hơn, yên tâm để cống hiến cho nghề mình lựa chọn.
Các diễn viên Đoàn cải lương Cao Văn Lầu diễn vở “Bóng biển” tại cuộc thi Nghệ thuật sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc - 2015. Ảnh minh họa: N.V
Lãnh đạo "bối rối" trong xử lý
Đặc thù nhân sự ở các đoàn cải lương nói chung, Đoàn cải lương Cao Văn Lầu nói riêng là nhận người có năng khiếu từ rất sớm (khoảng 15 tuổi). 3 - 4 tuổi thấy hát được là bắt đầu chăm bồi, đến đủ tuổi trưởng thành thì vận động vào đoàn. Trong quá trình được chăm bồi, nhiều em đã bỏ học phổ thông giữa chừng để dồn hết tâm trí cho nghiệp ca hát. Khi nhận vào đoàn, đoàn cho đi học để hoàn thiện bằng cấp, thì họ lại không thể học vì… “học không vô”! Chính vì thế, Sở VH-TT&DL đã đề nghị UBND tỉnh đặc cách, nhưng do họ chưa đạt trình độ, nên tiếp tục ký hợp đồng 36 tháng để nâng cao trình độ, nếu đủ thì sẽ cho vào biên chế. Bà Cao Xuân Thu Vân, Giám đốc Sở VH-TT&DL, cho biết: “Vừa rồi, chúng tôi có tổ chức tuyển chọn, đưa hồ sơ qua Sở Nội vụ thì bị trả về do không có bằng cấp. Chúng tôi cũng đang đau đầu về vấn đề này”.
Nghị định 68/2000/NĐ-CP của Chính phủ quy định rất rõ, những công việc được thực hiện chế độ hợp đồng trong cơ quan hành chính Nhà nước, đơn vị sự nghiệp gồm: sửa chữa, bảo trì đối với hệ thống cấp điện, cấp - thoát nước ở công sở, xe ô tô và các máy móc, thiết bị khác đang được sử dụng trong cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp; lái xe; bảo vệ; vệ sinh; trông giữ phương tiện đi lại của cán bộ, công chức và khách đến làm việc; và công việc khác. Nhưng, hiểu cho rõ “công việc khác” ở đây phải là những công việc cụ thể theo Thông tư số 15 hướng dẫn thực hiện Nghị định 68, chứ không thể tùy tiện “nhận đại và ký hợp đồng”. Đó là: nấu ăn tập thể, tạp vụ, mộc nề, chăm sóc và bảo vệ cảnh quan trong cơ quan đơn vị. Bà Cao Xuân Thu Vân cho biết thêm: “Hướng xử lý có thể thực hiện là ký hợp đồng theo kiểu cộng tác viên, trả tiền biểu diễn theo vở tuồng cho nhóm người đến hạn thanh lý hợp đồng! Thời gian tới, phải thay đổi tư duy thì đoàn mới có thể phát triển được. Còn tiếp tục muốn gắn bó lâu dài với đoàn thì những người này bắt buộc phải đi học nâng cao trình độ để hoàn thiện hồ sơ”.
Đào tạo để thay thế không phải là chuyện ngày một, ngày hai, mà là cả một quá trình truyền đạt của thầy và tự trau dồi của trò. Theo ý kiến của nhiều người thì Đoàn cải lương Cao Văn Lầu được xem như “Tổ đãi” vì thu hút được nhiều người trẻ tài năng về đây. Bây giờ không giữ chân, sau này có muốn đào tạo được lớp như vậy e là không phải dễ. Bởi vậy, cần đặt trong bối cảnh “thấu tình đạt lý” để có hướng xử lý thích hợp.
Ngọc Vũ
- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Huỳnh Quốc Việt: Các đơn vị mới thành lập phải xây dựng giải pháp đột phá cụ thể cho nhiệm kỳ mới
- Cần 300 triệu đồng sửa cầu treo Phường 8
- VCCI Chi nhánh Đồng bằng sông Cửu Long: Gặp gỡ giao lưu, kết nối thương mại và hợp tác phát triển
- Dừng triển khai loại hình giáo dục tiểu học chất lượng cao kể từ năm học 2025 - 2026
- TP. Bạc Liêu trao tặng Huy hiệu Đảng cho 31 đảng viên