Văn hóa - Nghệ thuật
Chuyện về những nhà văn hóa ấp
Khi phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” thật sự đi vào chiều sâu, thì nhà văn hóa ấp được xem là “mái nhà chung” của nhân dân. Không những là nơi tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, nhà văn hóa ấp còn là “chiếc cầu nối” giúp tình làng nghĩa xóm thêm bền chặt, đậm đà.
Theo thống kê chưa đầy đủ của ngành Văn hóa, toàn tỉnh có khoảng 180 nhà văn hóa ấp. Như vậy, nếu hoạt động “đúng năng suất” thì mọi chủ trương, phong trào đều được phổ biến đến từng ngõ xóm, gia đình. Bởi chức năng của nhà văn hóa ấp là góp phần tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, kiến thức khoa học - kỹ thuật; giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống, nếp sống văn hóa lành mạnh trên địa bàn; là nơi sinh hoạt văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao, vui chơi giải trí, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của nhân dân, góp phần xây dựng nông thôn mới; nơi tổ chức hội họp, học tập cộng đồng và các sinh hoạt khác.
Một buổi họp định kỳ của Ban dân chính ấp Mỹ Phú Tây (xã Hưng Phú, huyện Phước Long) tại nhà văn hóa ấp. Ảnh: N.V
Trên thực tế, bên cạnh những nhà văn hóa ấp hoạt động chưa hiệu quả thì cũng có một số nơi đã phát huy được tác dụng. Cụ thể đó là nơi họp Ban dân chính hàng tuần để triển khai kế hoạch của ấp. Từ đó, các ban, hội, đoàn thể bám vào đó mà có hoạt động riêng với từng hộ dân trong diện quản lý của mình.
Ở nhà văn hóa ấp, ngày lễ, tết đều phân công người trực để giải quyết kịp thời mọi thắc mắc, thủ tục giấy tờ cho người dân. Ban đêm cũng phân công người trực để vừa quản lý tài sản, vừa cho “ấm cửa ấm nhà”. Đó là chuyện thường ngày ở ấp Vĩnh Lộc (xã Vĩnh Phú Đông, huyện Phước Long). Còn ở ấp Mỹ Phú Tây (xã Hưng Phú, huyện Phước Long), nhà văn hóa còn giống như một “thiết chế văn hóa mini”. Bí thư chi bộ ấp Mỹ Phú Tây - Lê Phước Lộc cho biết: “Ngoài thực hiện các nhiệm vụ cơ bản của ấp, chúng tôi còn liên hệ với một số trung tâm giới thiệu việc làm để đào tạo, dạy nghề cho người dân. Chúng tôi coi nhà văn hóa như “mái nhà chung”. Ngày thì tiếp dân vì việc nước, đêm cũng mở cửa trực đón người dân đến trao đổi kinh nghiệm sản xuất, giao lưu đờn ca tài tử. Từ khi đi vào hoạt động (năm 2008) đến nay, chúng tôi duy trì nếp sinh hoạt và làm việc như thế”. Giống như nhiều nhà văn hóa ấp khác, ở xã Hiệp Thành (TP. Bạc Liêu), người dân đã được trang bị kiến thức khoa học - kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất từ tủ sách khi họ đến đây. Chủ tịch UBND xã Hiệp Thành - Dương Thị An Til cho hay: “Chúng tôi thường xuyên luân chuyển đầu sách nhằm tạo nguồn sách phong phú để phục vụ tốt nhu cầu tìm hiểu thông tin, kiến thức của bà con nhân dân”.
Dẫu trong tỉnh vẫn còn nhiều nhà văn hóa ấp hoạt động chưa đúng với công năng, nhưng nhìn vào hiệu quả hoạt động của những nhà văn hóa ấp nói trên, tin rằng phong trào xây dựng đời sống văn hóa sẽ tiếp tục có bước tiến mới.
Ngọc Vũ
- Cần 300 triệu đồng sửa cầu treo Phường 8
- VCCI Chi nhánh Đồng bằng sông Cửu Long: Gặp gỡ giao lưu, kết nối thương mại và hợp tác phát triển
- Dừng triển khai loại hình giáo dục tiểu học chất lượng cao kể từ năm học 2025 - 2026
- TP. Bạc Liêu trao tặng Huy hiệu Đảng cho 31 đảng viên
- Khẩn trương chuẩn bị đại hội Đảng cấp cơ sở