Văn hóa - Nghệ thuật
Chương trình “Tài tử - Cải lương Bạc Liêu”: “Món ăn tinh thần” đặc sắc
Hơn 7 năm phát sóng trên Đài PT-TH Bạc Liêu, chương trình “Tài tử - Cải lương Bạc Liêu” đã thu hút sự quan tâm của đông đảo khán giả trong và ngoài tỉnh. Chương trình do Sở VH-TT&DL phối hợp với Đài PT-TH Bạc Liêu thực hiện nhằm bảo tồn, phát huy giá trị các loại hình nghệ thuật dân tộc, mang đến cho giới mộ điệu “món ăn tinh thần” hấp dẫn.
Thời gian qua, Bạc Liêu đặc biệt quan tâm, thực hiện có hiệu quả công tác bảo tồn nghệ thuật đờn ca tài tử (ĐCTT) và cải lương. Bằng nhiều hoạt động thiết thực như: tổ chức liên hoan, hội thi, hội diễn các cấp; mở lớp dạy cơ bản, nâng cao… đã giúp 2 loại hình nghệ thuật độc đáo này tiếp tục phát huy giá trị trong đời sống hiện đại. Đặc biệt, việc thực hiện chương trình “Tài tử - Cải lương Bạc Liêu” trên sóng truyền hình đã góp phần làm thỏa mãn niềm đam mê thưởng thức âm nhạc dân tộc của người mộ điệu.
Một buổi quay hình của chương trình "Tài tử - cải lương Bạc Liêu". Ảnh: H.T
Chương trình được phát sóng 1 lần/tháng với thời lượng 30 phút. Thế nhưng, để “trình làng” một sản phẩm hoàn chỉnh, các đơn vị hữu quan phải mất gần nửa tháng thực hiện các khâu: thu âm, quay hình, dựng chương trình... Bên cạnh những gương mặt quen thuộc trong làng ĐCTT, đơn vị sản xuất còn tích cực tìm kiếm, giới thiệu những “hạt nhân” mới của phong trào cơ sở. Không chỉ là thực hiện một sản phẩm giải trí, chương trình còn tạo sân chơi để các nghệ nhân trao đổi tay nghề, “cháy” hết mình với tình yêu dành cho âm nhạc tài tử, cải lương. Nghệ sĩ Hoài Thương (Đoàn cải lương Cao Văn Lầu) tâm sự: “Tham gia chương trình “Tài tử - Cải lương Bạc Liêu” đã cho tôi cơ hội giao lưu, học hỏi kinh nghiệm từ các đàn anh, đàn chị dày dạn kinh nghiệm. Qua đó, giúp tôi rèn luyện, trau dồi những kỹ năng ca diễn để bổ sung cho “hành trang” làm nghề. Đặc biệt là tôi được những người mộ điệu ĐCTT, cải lương thêm yêu quý và biết đến nhiều hơn”.
Nhằm tạo sức hấp dẫn, chương trình còn thường xuyên trình diễn những sáng tác mới. Nếu không có sự kiện quan trọng thì nội dung sẽ tập trung ngợi ca những thành tựu, vẻ đẹp của quê hương Bạc Liêu. Còn những tháng diễn ra các ngày lễ trọng đại của đất nước, thì sẽ phát động sáng tác để chương trình mang tính thời sự, đáp ứng thị hiếu của khán giả xem đài. Nếu như trước đây, một chương trình chỉ quay hình tại 1 - 2 địa điểm, vô tình tạo sự nhàm chán cho người xem, thì bây giờ đã trở nên sống động, đặc sắc hơn nhờ khai thác đa dạng vẻ đẹp các công trình du lịch, phong cảnh của Bạc Liêu như: Quảng trường Hùng Vương, cụm nhà công tử Bạc Liêu, điện gió, Khu lưu niệm nghệ thuật ĐCTT Nam bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu... Ngoài yếu tố nội dung, chất lượng hình ảnh cũng được đầu tư, cải tiến. Nhờ sự hỗ trợ của những trang thiết bị, kỹ thuật hiện đại nên chất lượng chương trình ngày càng được hoàn thiện. Cũng vì vậy, chương trình không chỉ phát trên sóng truyền hình tỉnh mà còn có mặt ở các đài PT-TH trong khu vực ĐBSCL, Đông Nam bộ như: Kiên Giang, Bến Tre, Vũng Tàu, Bình Phước, kênh HTV4 (Đài Truyền hình TP. HCM).
Ông Đỗ Ngọc Ẩn, Chủ nhiệm Câu lạc bộ ĐCTT Bạc Liêu, cho biết: “Từ khi nghệ thuật ĐCTT được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, Sở VH-TT&DL và các đơn vị hữu quan đã tích cực đầu tư, từng bước hoàn thiện chất lượng chương trình để đáp ứng tốt nhu cầu của khán giả gần xa. Theo các đài TP-TH trong và ngoài tỉnh, “Tài tử - Cải lương Bạc Liêu” đã góp phần làm phong phú các chương trình nghệ thuật truyền hình và từng bước mang âm nhạc dân tộc đến gần hơn với đời sống tinh thần người dân”.
HỮU THỌ
- Quốc hội thảo luận tại hội trường về Dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi)
- Bộ Quốc phòng kiểm tra các mặt công tác tại một số đơn vị đóng quân trên địa bàn Tây Nam Bộ
- Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu tổ chức đối thoại với công dân tại Hà Nội
- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Huỳnh Quốc Việt: Các đơn vị mới thành lập phải xây dựng giải pháp đột phá cụ thể cho nhiệm kỳ mới
- Cần 300 triệu đồng sửa cầu treo Phường 8