Chị Hai lấy chồng

Thứ Sáu, 17/02/2017 | 16:07

Mỗi lần coi tuồng cải lương “Lan và Điệp”, má tôi lại thở dài: “Ở ngoài đời có thiệt nên cải lương người ta mới hát đó, nghe con!”. Rồi bà ra sau hè chỉ thấy hàng so đũa bông trắng đã rụng đầy. Đó là những lúc má tôi nhớ chị Hai. 

Chị Hai tôi là con gái nhà nghèo, nhưng đẹp người, đẹp nết. Vì nhà nghèo, nên chị tôi phải nghỉ học hồi hết cấp hai. 19 tuổi, chị tôi được nhiều người mai mối, nhưng chị cứ lắc đầu không chịu. Không phải chị kén chọn, chỉ là trong lòng chị tôi đã có người thương. Mối tình đầu của chị là một người con trai nhà giàu ở chợ. Anh Thành với chị quen nhau khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Từ khi chị nghỉ học, anh và chị vẫn thường gặp nhau trong những lần chị ra chợ bán rau, anh hay chạy đến dúi vào tay chị tờ giấy, mua cho tôi ly đá bào như để tôi không kiếm cớ vặn vẹo hỏi anh viết giấy gì đưa chị, để khi anh rủ đi coi hát thì tôi năn nỉ má cho hai chị em đi. Vậy nên tôi hay đứng về phía anh, một phần vì quà bánh, nhưng cái cốt yếu chính là sự hiền lành đôn hậu của anh. 
Anh Thành học hết lớp 12, rồi rời quê lên thành phố thực hiện ước mơ trở thành bác sĩ của anh và gia đình. 6 năm dài đằng đẵng trôi qua theo những cánh thư của chị và anh. Mấy bận anh về quê chơi, lần nào cũng chạy xe đạp cọc cạch vô nhà thăm chị tôi. Có bận, anh mua cho má cái khăn, chai dầu gió, mua cho chị cây kẹp tóc và cho tôi quà bánh. Má tôi rầy:“Bây về chơi, bày đặt quà cáp chi cho tốn kém! Lần sau đừng có mua vậy nữa, nghe con!”. Ảnh “dạ” một tiếng rồi quay sang nhìn chị Hai tôi ngồi lặt bông so đũa mà cười mỉm. Niềm tin yêu, hy vọng ngập tràn trong mắt chị…

Mấy tháng sau, anh Thành tốt nghiệp và chuẩn bị cưới vợ ở Sài Gòn. Nghe đâu vợ ảnh là con gái của ông giám đốc một bệnh viện nào đó thiệt lớn ở Sài Gòn. Những ngày ấy, chị tôi buồn nhưng không nói, tối ngủ tôi nghe chị thở dài, những tiếng nghe chừng đau đứt ruột gan. Có bận, nửa đêm tôi giật mình, kéo mền đắp cho chị vô tình chạm phải dòng nước mắt chị lăn trên đôi gò má gầy khô, mới hay chị tôi đang khóc. Biết chị tôi buồn, má tôi cũng chẳng được vui, những bữa ra cửa sau ngồi nhìn chị cắt rau, má buồn: “Sao chuyện đời bây giờ giống hệt trong cải lương vậy bây?”. Chị tôi nói: “Giống gì đâu má, người ta bác sĩ thì cũng phải tìm chỗ danh giá, cao sang chứ má, hổng lẽ cưới con gái quê”…
Vậy là đám cưới của bác sĩ Thành với cô gái Sài Gòn làm rình rang cả chợ. Hôm ấy, chị Hai tôi ngồi nơi cuối chợ với gánh rau vườn nhìn người ta đông vui mà lấy tay chùi nước mắt. Sau ngày hôm đó, mỗi bận đem rau đi bán ở chợ, đi ngang qua nhà anh Thành, chị tôi kéo nón lá đi nhanh để khỏi thấy cảnh gia đình người ta hạnh phúc. Nhưng hễ lần nào nhác thấy dáng chị tôi, anh Thành cũng chạy ra ngay chỗ chị ngồi, anh nhìn chị tôi như muốn khóc, còn chị dửng dưng như người không quen biết. Lần nào ảnh cũng dúi vào tay tôi một tờ giấy nhỏ, biểu tôi về đưa lại cho chị Hai. Không biết anh viết gì mà đọc lần nào chị tôi cũng khóc. Chị dặn tôi: “Mai mốt ai đưa gì cũng không được lấy, lấy về chị đánh đòn đó, nghe hông!”…
Sau này, vì để tránh mặt anh Thành, vì không muốn có những lời tai tiếng nên chị không đem rau ra chợ bán nữa. Anh Thành không thấy chị tôi ra chợ bán rau, vội tìm đến nhà thăm chị. Bữa đó trời mưa ầm ầm anh đội mưa mà đến, thấy anh ướt ngoi ngóp, nên chị biểu anh vô nhà rót cho anh ly trà nóng uống cho đỡ lạnh. Chị nói: “Không lẽ em phải bỏ xứ này đi luôn anh mới vừa bụng sao?”, rồi chị khóc. Lần cuối cùng chị nói với anh bằng câu hỏi đắng cay không lời đáp ấy như lời tạm biệt trước ngày chị quyết định đi lấy chồng xa. Ngày chị tôi đám cưới cũng rộn ràng như bao cô gái ở quê, nhưng lễ đưa dâu của chị gọn gàng, gần xịt, vậy mà tôi với má thấy sao dịu vợi. Nhà chồng chị tôi là chiếc ghe hàng, anh rể tôi mấy bận ghé nhà mua rau để ý chị mà thương, rồi ngỏ lời cưới hỏi. Chị gật đầu cái rụp, chịu lấy chồng sống đời “chìm nổi lênh đênh”. Lúc anh Hai nắm tay chị bước xuống ghe, má rưng rưng, dặn với theo: “Thỉnh thoảng ghé nhà, nghen con!”. Chị đứng trên mũi ghe ngoái đầu nhìn lại, mỉm cười mà nước mắt tuôn rơi…
Từ độ chị Hai lấy chồng đến nay cũng mấy mùa mưa. Mấy lần chị ghé thăm nhà, kể chuyện làm ăn buôn bán, chuyện anh Hai tính để dành tiền, chừng nào chị sanh em bé thì vợ chồng lên bờ mở tiệm tạp hóa nhỏ, rồi ảnh mua vài công ruộng làm thêm, chị còn khoe bữa cơm thường ngày của chị ăn với cá biển mà ngon… Hình như chị đã quên mùi vị rau vườn, quên luôn canh chua bông so đũa, hay là còn buồn nên không muốn nhắc? Nên trong số những câu chuyện chị tôi kể chẳng có câu chuyện nào nhắc đến anh Thành, nhắc về những bức thư ảnh kể lý do ảnh cưới vợ giàu là để có tiền lấp vào khoản nợ vỡ hụi của mẹ ảnh; chuyện ba vợ ảnh đang mở phòng mạch riêng cho ảnh ở Sài Gòn, để nhà ảnh về thành phố sống. Chị cũng không nhắc đến những lá thư cuối ảnh rủ chị trốn đi thiệt xa… Tôi cũng không dám nói chị nghe chuyện gia đình anh Thành đổ vỡ, ảnh không về Sài Gòn mà ở lại chợ mình mở phòng mạch và để mong một lần được gặp lại người xưa. Bởi thế nào rồi tôi cũng lại nghe tiếng thở dài oặn đau trong lòng của chị...
Cẩm Thi

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.