BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ NGHỆ THUẬT ĐỜN CA TÀI TỬ NAM BỘ

Thứ Hai, 20/03/2017 | 15:20

Bài 1: NHÌN TỪ ĐỀ ÁN CỦA BẠC LIÊU

Thực hiện chương trình hành động quốc gia bảo vệ nghệ thuật ĐCTT (giai đoạn 2014 - 2020), cùng với 20 tỉnh, thành phố có nghệ thuật ĐCTT, cuối năm 2014, Bạc Liêu đã thành lập Ban chỉ đạo và ban hành đề án Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật ĐCTT Nam bộ (gọi tắt là đề án) trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu giai đoạn 2014 - 2020. Những phần việc đã được chỉ ra cụ thể, hiệu quả bước đầu qua hơn 2 năm thực hiện cho thấy những nỗ lực đáng trân trọng của địa phương. Tuy nhiên, cũng nhìn từ đề án, vẫn còn những băn khoăn về giải pháp thực hiện để đạt hiệu quả lâu dài…
THUẬN LỢI TỪ XUẤT PHÁT ĐIỂM…
Theo báo cáo thực hiện đề án năm 2016, việc bảo tồn và phát huy giá trị ĐCTT đã đạt được những kết quả cụ thể trên các mặt: công tác tuyên truyền, mở lớp dạy ca tài tử cho học sinh, cấp trang thiết bị sinh hoạt cho một số câu lạc bộ (CLB ) ĐCTT, tổ chức các liên hoan ĐCTT, ghi nhận hoạt động của các CLB ĐCTT trong toàn tỉnh, tổ chức giao lưu ĐCTT phục vụ nhân dân…
Khách quan nhìn nhận, việc bảo tồn nghệ thuật ĐCTT đã được Bạc Liêu chú tâm ngay từ trước khi ĐCTT được quốc tế vinh danh! Sự chú tâm đó xuất phát từ niềm đam mê, từ trong tiềm thức của mỗi nghệ nhân, những người biết và yêu thích ĐCTT: đã đam mê thì luôn gìn giữ! Ở Bạc Liêu, hình như đi đến đâu tìm cũng sẽ được gặp hoặc nghe kể về những thầy đờn sống thì trọn đời nặng lòng với nghiệp đờn ca, mất thì lời ca điệu đờn vẫn còn lưu truyền lại cho con cháu trong nhà. Bạc Liêu có 13 nghệ nhân ĐCTT đã được Nhà nước phong danh hiệu nghệ nhân ưu tú, đó là “vốn liếng” quý báu cần được nâng niu bằng những chính sách, chế độ đãi ngộ đặc biệt! Ngoài họ, vẫn còn những nghệ nhân âm thầm yêu và giữ lửa cho ĐCTT mãi trường tồn.
Ở Bạc Liêu còn có nghệ sĩ Trần Khánh, một người thầy tận tụy với nghiệp truyền dạy ĐCTT. Hồi còn đương nhiệm chức Phó Hiệu trưởng Trường trung cấp VH-NT Bạc Liêu, ông đã tính đến việc mở những tiết dạy ĐCTT tại trường, trước khi tỉnh có kế hoạch đưa ĐCTT vào trường học như hiện nay! Ông còn soạn giáo trình dạy ĐCTT được giới chuyên môn đánh giá cao… Những liên hoan ĐCTT các cấp được tổ chức định kỳ, các CLB ĐCTT được cung cấp trang thiết bị xem như sự hỗ trợ, khích lệ để người dân giữ lửa cho phong trào từ cơ sở; những năm gần đây nhiều cuộc thi sáng tác lời mới cho ĐCTT cũng được phát động… Như vậy, ngay từ trước khi có đề án, Bạc Liêu đã âm thầm gìn giữ và phát triển ĐCTT bằng lòng đam mê. Đó coi như là nền tảng quan trọng, xuất phát điểm thuận lợi để đề án thành công.

Liên hoan ĐCTT mở rộng 3 tỉnh Bạc Liêu - Sóc Trăng - Cà Mau 2016 tại Bạc Liêu. Ảnh: H.T

VẪN BĂN KHOĂN TRONG HƯỚNG ĐI DÀI
Bên cạnh việc nêu những kết quả cụ thể đạt được, đề án năm 2016 cũng thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, và đó cũng là những băn khoăn trong hướng đi dài của trọng trách bảo tồn và phát huy giá trị một di sản văn hóa  phi vật thể đại diện của nhân loại!
Hầu hết các phong trào ĐCTT của địa phương đều phát triển tự phát, phần lớn các nghệ nhân đã lớn tuổi mà lớp kế thừa thì chưa nhiều. Giới trẻ ngày nay ít quan tâm và tiếp cận đến các loại hình nghệ thuật truyền thống, do đó các địa phương gặp khó trong đào tạo đội ngũ kế thừa. Nhiều địa phương lại chưa có sự quan tâm đúng mức xây dựng kế hoạch hoặc chương trình thực hiện phát huy, phát triển loại hình ĐCTT tại địa phương, số lượng các cuộc thi, liên hoan về ĐCTT còn hạn chế, chưa có sự đổi mới. Điều kiện về thiết bị để hỗ trợ cho các CLB ĐCTT còn rất hạn chế, chưa đáp ứng với tiềm năng phát triển của phong trào…
Một trọng trách lớn nào cũng đòi hỏi phải có tư duy rộng để thực hiện! Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật một loại hình di sản văn hóa không chỉ dừng ở việc mở lớp dạy, cung cấp trang thiết bị hoạt động, tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, tổ chức liên hoan, giao lưu, đưa di sản vào phục vụ du lịch… Phải tư duy rộng hơn, trách nhiệm nặng nề hơn là tính đến chuyện dạy như thế nào mới đạt hiệu quả; cấp trang thiết bị phải tính đến chuyện sử dụng, bảo quản đúng cách để phát huy tác dụng và làm đúng ý nghĩa; tuyên truyền phải “thấm” vào người dân chứ không phải tuyên truyền cho xong nhiệm vụ (đòi hỏi hình thức tuyên truyền phải phù hợp và có sức hút); liên hoan tổ chức như thế nào để sau mỗi liên hoan thêm nhiều người yêu thích ĐCTT; phục vụ du lịch phải bài bản và giá trị của nghệ thuật phải được gìn giữ, lan tỏa…
Khi đầu tư xây dựng Khu lưu niệm nghệ thuật ĐCTT Nam bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu là một “kho tàng” nghệ thuật ĐCTT quý báu, Bạc Liêu đã thực hiện một trọng trách “đi tắt, đón đầu” trong việc bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật ĐCTT, đến giờ Bạc Liêu vẫn là tỉnh duy nhất của cả nước có khu lưu niệm đặc biệt như thế! Tuy nhiên, việc phát huy hiệu quả vẫn chưa như mong đợi… Ngay cả đề án cũng không thấy đề cập đến vấn đề này?! 
Nhìn từ đề án, kết quả bề nổi đã thấy, nhưng con đường lâu dài và chất lượng phong trào thì còn lắm băn khoăn, trăn trở.

Bài 2: PHÁT TRIỂN DU LỊCH CHUYÊN BIỆT VỚI ĐCTT

Là vùng đất nổi tiếng về “đặc sản” đờn ca tài tử (ĐCTT), song Bạc Liêu lại chưa khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh này phục vụ phát triển du lịch. Xây dựng sản phẩm du lịch chuyên biệt với ĐCTT sẽ là giải pháp hiệu quả để chung tay bảo tồn và phát huy giá trị âm nhạc tài tử Nam bộ, góp phần đưa xứ Dạ cổ hoài lang tiếp tục bứt phá trên “bản đồ” du lịch đất Chín Rồng. 
Đất tài tử vắng tiếng đờn, lời ca
“Về Bạc Liêu, du khách đến đâu giao lưu ĐCTT?”, “Thuyết minh viên chỉ hát được “Dạ cổ hoài lang” thôi sao? ”, “Đất tài tử dường như vắng tiếng đờn, lời ca!”… là những câu hỏi, nhận xét được nhiều du khách chia sẻ khi về thăm nơi này. Là người Bạc Liêu, chúng tôi cảm thấy băn khoăn: nghệ thuật ĐCTT đang được bảo tồn, quảng bá theo đúng cách và đúng hướng chưa?
Mặc dù tỉnh đã thành lập 10 câu lạc bộ (CLB) ĐCTT phục vụ tại các điểm du lịch, nhưng chất lượng hoạt động lại chưa xứng tầm với thương hiệu “ĐCTT Bạc Liêu”. Hầu hết các CLB đều hoạt động theo hình thức hợp - tan, phong cách biểu diễn thiếu chuyên nghiệp, nhiều nghệ nhân tham gia 2 - 3 CLB. Nếu muốn thưởng thức ĐCTT, du khách phải liên hệ trước với điểm du lịch thì các nghệ nhân mới có dịp tụ họp, trổ tài. Còn khi có nhu cầu đột xuất thì đành “bó tay”, hoặc du khách phải “dài cổ” chờ nghệ nhân tập trung đông đủ. 
Không dễ gì Bạc Liêu được tặng danh xưng “điểm hẹn văn hóa” của phương Nam. Đúng với câu nói “Địa linh sinh nhân kiệt”, vùng đất hiền hòa, giàu bản sắc văn hóa này đã sản sinh ra những người con kiệt xuất, góp phần khơi dòng cho ĐCTT “cuộn chảy” hơn 100 năm. Đặc biệt, danh tiếng Bạc Liêu ngày càng vang xa từ sau Festival ĐCTT quốc gia lần thứ I - Bạc Liêu 2014 và trở thành địa chỉ du lịch thú vị, hấp dẫn trên bản đồ chữ S. Tất nhiên, du khách tìm đến đây không chỉ để hành hương, tham quan thắng cảnh, tìm hiểu văn hóa - lịch sử… mà còn để đắm mình theo những giai điệu, lời ca ngọt lịm, xao xuyến lòng người.
Thế nhưng, “đất tài tử” chưa làm cho ĐCTT trở thành “món ăn” độc đáo và thường xuyên, phụ lòng mong đợi của du khách phương xa lặn lội về Bạc Liêu. Bà Trần Tú Anh, du khách đến từ tỉnh Quảng Nam, chia sẻ: “Phải công nhận Bạc Liêu có nhiều sản phẩm du lịch phong phú, hấp dẫn hơn một số tỉnh ĐBSCL, thậm chí khu vực Đông Nam bộ, Tây nguyên. Tuy nhiên, các bạn chưa tranh thủ khai thác, quảng bá tốt tiềm năng “đặc sản” ĐCTT vào phát triển du lịch. Minh chứng là những lần về Bạc Liêu, chúng tôi muốn thưởng thức ĐCTT, học ca bản Dạ cổ hoài lang nhưng không biết đến đâu, chưa có một sự chỉ dẫn cụ thể nào để du khách phương xa tỏ tường”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, những lần gần đây nhất các CLB ĐCTT tổ chức phục vụ du khách là vào tháng 1/2017 tại Khu lưu niệm nghệ thuật ĐCTT Nam bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu; tại Khu du lịch sinh thái Hồ Nam vào tháng 12/2016; Khu du lịch Giồng Nhãn vào tháng 9/2016; Di tích lịch sử Đồng Nọc Nạng vào tháng 3/2016... Rõ ràng, một Bạc Liêu nổi tiếng có phong trào ĐCTT phát triển rầm rộ, với lực lượng nghệ nhân hùng hậu mà lại rơi vào cảnh vắng tiếng đờn, lời ca trong nhiệm vụ “làm du lịch”. Phải chăng, Bạc Liêu đang lãng phí “nguồn tài nguyên” quý giá cho du lịch? Và câu nói “về Bạc Liêu không nghe được ĐCTT thì xem như chưa về Bạc Liêu”, cần phải suy ngẫm!

Đờn ca tài tử phục vụ tại khu du lịch Vườn nhãn (phường Nhà Mát, TP. Bạc Liêu). Ảnh: P.T.C

Khai thác để bảo tồn - bảo tồn phải khai thác
Bảo tồn và phát huy giá trị ĐCTT bằng cách “giữ lửa” phong trào địa phương là việc làm rất cần thiết, song như thế vẫn chưa đủ. Điều quan trọng hơn là phải quảng bá ĐCTT rộng rãi đến mọi tầng lớp nhân dân, đem âm nhạc tài tử “gieo” vào lòng du khách. Muốn du khách thấy được sự độc đáo, thích học và giao lưu ĐCTT thì chỉ còn cách phát triển nó thành sản phẩm du lịch. Lợi nhuận thu được từ biểu diễn ĐCTT và các dịch vụ “ăn theo”... vừa nuôi dưỡng phong trào, tạo sân chơi tinh thần hứng khởi cho du khách - nghệ nhân, chưa kể thúc đẩy du lịch phát triển.
Ông Trần Minh Huấn, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL, cho biết: “Phát triển du lịch gắn với ĐCTT là bước đi cần thiết để du lịch Bạc Liêu bắt kịp tốc độ phát triển, tạo sự khác biệt với các tỉnh, thành phố trong nước. Do đó, tỉnh sẽ kỳ quyết hơn trong việc đầu tư nhân lực và vật lực, xây dựng nhiều mô hình ĐCTT phù hợp với đặc trưng du lịch Bạc Liêu. Chẳng hạn, biểu diễn ĐCTT gắn với tham quan di tích lịch sử, thưởng thức ẩm thực, khám phá sinh thái, trải nghiệm sông nước... Đồng thời, tăng cường liên kết với các công ty du lịch lữ hành lớn đưa ĐCTT Bạc Liêu vào chương trình khám phá miền Tây. Nếu giải quyết được những vấn đề “gốc rễ” tồn tại, ĐCTT sẽ góp phần nâng tầm nội hàm, ngoại diên du lịch Bạc Liêu”.
Nếu du lịch Thừa Thiên Huế nổi tiếng với nhã nhạc cung đình, Ninh Bình hấp dẫn hơn nhờ hát chèo, Bắc Ninh làm say đắm lòng người vì dân ca quan họ..., thì Bạc Liêu cũng chẳng thua kém bởi ĐCTT. Bài học từ việc khai thác thành công các loại hình nghệ thuật trong phát triển du lịch của các địa phương đáng để Bạc Liêu học tập.
Phát triển du lịch bằng ĐCTT không phải mới, song Bạc Liêu nếu cụ thể hóa quyết tâm thành hành động sẽ là tỉnh đầu tiên có sản phẩm du lịch bài bản, chuyên nghiệp nhất ở Nam bộ. Cách tốt nhất để bảo tồn ĐCTT chính là khai thác phát triển du lịch. Không chỉ vậy, đó còn là hành động thực hiện cam kết với UNESCO tiếp tục làm cho nghệ thuật ĐCTT xứng đáng là di sản quý báu của dân tộc Việt và cả nhân loại.

Bài cuối: BĂN KHOĂN CHUYỆN DẠY VÀ HỌC

Trong chương trình hành động quốc gia bảo vệ nghệ thuật Đờn ca tài tử (ĐCTT) Nam bộ giai đoạn 2014 - 2020, việc truyền dạy ĐCTT cho thế hệ kế thừa đã được nhấn mạnh là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Một di sản văn hóa tồn tại hơn trăm năm được khẳng định giá trị, tất yếu phải được lưu truyền cho thế hệ tương lai. Thế nhưng, dạy và học như thế nào để đạt hiệu quả đối với một bộ môn nghệ thuật truyền thống, không phải chuyện dễ dàng!
Thầy đờn ngày xưa…
“Hậu tổ” Nhạc Khị - ông Lê Tài Khí có công lớn trong việc xây dựng phong trào ca nhạc tài tử ở Bạc Liêu trong những thập niên đầu thế kỷ XX, ông cũng là thầy đờn đã đào tạo một thế hệ hậu bối toàn là những bậc anh tài!
Thầy Nhạc Khị ngày xưa dạy đờn không ở trường lớp mà chọn sân chùa (chùa Vĩnh Phước An, phường 2, TP. Bạc Liêu hiện nay). Theo lời kể của ông Trần Phước Thuận (một tác giả chuyên nghiên cứu và viết nhiều sách về cổ nhạc và ĐCTT ở Bạc Liêu) thì thầy Nhạc Khị được chùa Vĩnh Phước An tạo nhiều điều kiện thuận lợi để thầy trò truyền dạy cho nhau tiếng đờn lời ca. Bằng niềm đam mê từ trong tiềm thức, niềm tâm huyết với một dòng nhạc cổ truyền, người thầy tật nguyền như Nhạc Khị và những lớp học không bục giảng của ông đã trở thành những “lò luyện” cả một thế hệ kỳ tài cho dòng nhạc ĐCTT ở Bạc Liêu, họ là một lực lượng lớn nhạc sĩ, soạn giả nổi tiếng như: Sáu Lầu (Cao Văn Lầu), Mười Khói, Ba Chột, Tư Bình, Hai Tài, Trịnh Thiên Tư, Mộng Vân, Trần Tấn Hưng, Lý Khi…
Kế tục sự nghiệp của thầy Nhạc Khị, nhiều học trò của ông lại tiếp tục con đường truyền dạy ĐCTT! Đó là ông Lý Khi, người biên soạn bản vọng cổ nhịp 64, từ những năm 1960 cho đến khi mất (1988), ông đã trở thành một thầy đờn, đào tạo ra một lực lượng lớn những nghệ nhân ĐCTT không chỉ ở Bạc Liêu mà còn ở nhiều tỉnh, thành phố khác. Một thầy đờn khác là nhạc sĩ Trần Tấn Hưng, trong 10 năm cuối đời mình, đã mở lớp truyền nghề tại gia, đào tạo một lực lượng lớn nghệ sĩ ĐCTT ở Bạc Liêu và nhiều nhạc sĩ, diễn viên cho sân khấu cải lương Nam bộ…
Những thầy đờn ngày xưa mở lớp ở sân chùa để truyền nghề, truyền ngón đờn tại tư gia bằng chính niềm đam mê, kinh nghiệm của mình, vậy mà đã đào tạo nên những nhân tài cho dòng nhạc ĐCTT. Những trò ở lớp học ấy yếu tố xuất phát để “tầm sư” phải là những người yêu nhạc, chịu tìm tòi, học hỏi để tiếp thu, rồi họ đem tình yêu, sự thông thái của bản thân để làm dòng nhạc dày thêm giá trị và lưu truyền như một dòng chảy xuyên suốt đến bây giờ…

Nên thường xuyên tổ chức cho các bạn trẻ tham quan, dạy ca tài tử tại Khu lưu niệm nghệ thuật ĐCTT Nam bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu để góp phần bảo tồn âm nhạc dân tộc. Ảnh: H.T

Dạy - học ĐCTT thời hiện tại    
Dạy và học ĐCTT ngày nay là một mối băn khoăn đối với những người thật tâm muốn lưu truyền dòng nhạc dân tộc đã được tôn vinh là di sản văn hóa của nhân loại! Dạy và học ĐCTT như thế nào để đạt được hiệu quả như mong muốn, vấn đề này đã được các chuyên gia mổ xẻ nhiều trong các hội thảo luận bàn về bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật ĐCTT. Nhưng, dường như vẫn chưa có một hướng đi chung!
Ở Bạc Liêu, những năm gần đây cũng có những lớp được dạy theo kiểu truyền khẩu, truyền ngón tại nhà nhưng không còn nhiều. Những lớp học theo kiểu “cài” vào chương trình học ở trường cũng đã được tổ chức. Thực hiện đề án Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật ĐCTT giai đoạn 2014 - 2020 của tỉnh thì năm 2016 đã tổ chức dạy tại 6 trường tiểu học trên địa bàn TP. Bạc Liêu, thu hút 237 học sinh tham gia. Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi, những lớp học này chỉ đạt mục đích trang bị kiến thức cho các em về một loại hình âm nhạc, bước đầu giúp các em hiểu biết, yêu mến và trân trọng di sản văn hóa mà ông cha để lại. Nghĩa là chúng ta chỉ mới thực hiện việc giáo dục, chưa phải là đào tạo. Trong khi, để có một lực lượng kế thừa thì phải đào tạo!  
Việc dạy và học ĐCTT hiện tại còn khá nhiều bất cập. Một giáo trình giảng dạy chưa được thống nhất sẽ dẫn đến việc truyền dạy lệch lạc. Dạy và học ĐCTT được tổ chức ở nhiều trung tâm văn hóa, trường học, vậy thì trò ở những lớp này có được học những kiến thức, bài bản giống nhau hay cứ mạnh lớp nào học theo “gu” của thầy đó, tùy vào thời gian học mà tiếp thu đến đâu hay đến đó, rõ ràng chưa có một sự thống nhất nào trong việc truyền dạy! Đưa ĐCTT vào giảng dạy trong các trường tiểu học, “chồng chất” thêm vào lịch học kiến thức vốn đã dày đặc của học sinh, liệu có đạt kết quả như mong muốn?
Theo chúng tôi, việc dạy và học ĐCTT cần được nhìn thấu đáo ở 2 khía cạnh: giáo dục và đào tạo! Giáo dục để các em hiểu biết và đào tạo để có lực lượng kế thừa. Điều kiện cần thiết phải có là nguồn nhân lực, đó là những nhà sư phạm âm nhạc, nhà nghiên cứu, các nghệ nhân, tài tử có tay nghề. Đây là một đội ngũ vừa có trình độ sư phạm vừa có chuyên môn và tâm huyết với sự nghiệp đào tạo, và ngược lại, họ cần có những chính sách đãi ngộ hợp lý. Việc đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị giảng dạy, và sau cùng là điều kiện về kinh phí đào tạo, đều phải được tính toán chi tiết, phù hợp…
Những nghệ nhân yêu nghề, có công trong việc gìn giữ nghệ thuật sân khấu cải lương nói chung, nghệ thuật ĐCTT nói riêng như các soạn giả Trọng Nguyễn, Hữu Nghĩa, Thanh Quang…, những nghệ nhân đã được phong danh hiệu nghệ nhân ưu tú ở Bạc Liêu như chú Năm Đầy, chú Năm Triều…, chính là những “bảo bối” cần được trân trọng, nâng niu. Chính bằng tâm huyết, thời gian trải nghiệm và kinh nghiệm trường đời, họ sẽ là những người truyền lửa cho thế hệ kế thừa ở những lớp học về ĐCTT, nhưng sẽ không còn kịp nữa nếu chúng ta không tranh thủ ngay bây giờ…
Việc dạy và học ĐCTT nên sớm thống nhất về cách nghĩ, cách làm trước khi quá muộn. Bởi, trong khi chúng ta chưa tìm ra hướng đi thích hợp thì những lớp nhạc sĩ, soạn giả, nghệ nhân tài hoa tuổi đời ngày thêm cao mà chưa có điều kiện để trao truyền lại ngón đờn hay, kỹ thuật ca điêu luyện cho thế hệ kế thừa.
Cẩm Thúy - Hữu thọ

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.