Văn hóa - Nghệ thuật
“Bàn” hay “ban”?
Trong phụ lục của Từ điển địa chí Bạc Liêu (Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2010), có nêu 2 mục từ gọi là: “Bàn hội tề làng” và “Bàn hội tề phường”. Có bạn đọc cho rằng, cả 2 cụm từ này đều in sai (hoặc viết sai) từ “ban” ra “bàn”, viết cho đúng phải là “Ban hội tề làng”, “Ban hội tề phường”, nói rõ hơn phải là “ban hội tề” chớ không phải “bàn hội tề”.
Về mặt ý nghĩa, cả 2 cụm từ (“ban hội tề” và “bàn hội tề”) đều như nhau. Nhưng để viết cho đúng với hoàn cảnh lịch sử thì phải viết là “bàn hội tề”.
Trước khi đi sâu về nguồn gốc “bàn hội tề”, xin trích ra đây vài nội dung trong 2 mục từ trong sách địa chí nêu trên.
Về “Bàn hội tề làng”, đó là:
“Tổ chức điều hành tại cấp làng trước kia trên địa bàn các tỉnh Nam kỳ, do Nghị định ngày 27/8/1904 của Toàn quyền Đông Dương quy định. “Bàn hội tề” dịch từ cụm từ “Conseil des Grands notables” của Pháp, gồm tối thiểu các thứ bậc:
Hương cả làm Chủ tịch; Hương chủ làm Phó Chủ tịch, các hội viên làm hương sư, hương trưởng, hương chánh, hương giáo, hương quản, thủ bộ, hương thân, lý trưởng, hương hào.
Nghị định ngày 30/10/1927, thêm chức Chánh lục bộ làm hội viên thứ 12. Tiêu chuẩn tuyển chọn chú trọng giới điền chủ hoặc khá giả. Muốn được cử vào chức vụ nào, đương sự phải kinh qua chức vụ thấp hơn…
Bàn hội tề tồn tại đến năm 1949, được thay thế bằng Hội đồng hương chính”.
Về “Bàn hội tề phường”, đó là:
“Tổ chức quản trị hành chính cấp phường thuộc thị xã Bạc Liêu, quy định bởi Nghị định số 4262-IB/I ngày 29/7/1942 của Thống đốc Nam kỳ. Gồm 3 người….
Riêng phường 1 có thêm chức Chánh lục bộ phụ trách và giữ sổ nhân thế bộ số dân người Việt toàn thị xã. Nhưng chỉ có hương chủ, hương trưởng, hương quản là bàn hội tề chính thức của phường….
Bàn hội tề phường tồn tại đến năm 1949, được thay thế bằng Hội đồng hương chính”.
Như vậy, thấy rõ Ban biên tập đã chủ ý nêu là “bàn hội tề” chớ không phải do nhà in đánh máy sai từ “ban” ra “bàn”.
Thật ra, từ thuật ngữ bằng tiếng Pháp: “Conseil des Grands notables” thì “Conseil” dịch ra tiếng Việt là “ủy ban” hoặc “hội đồng” (conseil des ministres; Hội đồng bộ trưởng; conseil municipal: Hội đồng thành phố…). Từ “ủy ban” chuyển sang thành “ban” thì gần gũi và dễ hiểu hơn. Những từ còn lại: notable - người có địa vị; grands notables - những người có địa vị lớn; Grands notables - thân hào - những người có địa vị ở địa phương - trở thành danh từ riêng đi với từ “conseil” thành “bàn hội tề” (hoặc Hội đồng hương chính sau này).
Vào thời vua Minh Mạng, bàn hội tề được gọi là Hội đồng Kỳ mục xã thôn và được chấn chỉnh nhiều lần. Theo Minh Điều Hương ước (tập hương ước ban hành năm Tự Đức thứ V - 1952), các làng tùy theo lớn, nhỏ được tùy nghi công cử các chức vụ như sau:
- Trưởng mục (có nơi gọi là Cả trưởng, Hương trưởng, Hương chủ... và phổ biến là Hương cả) là Hương chức đứng đầu Hội đồng Kỳ mục, được quyền đề cử nhân sự vào hội đồng.
- Hương chủ: Phó Trưởng mục, là Hương chức chịu trách nhiệm luật lệ, được quyền phân xử các vụ việc khiếu kiện.
- Hương sư: Hương chức làm nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra. Tiêu chí phải là người mẫu mực, mô phạm.
- Hương chánh: làm nhiệm vụ thu thuế, chi xuất, phân công sai phái. Tiêu chí phải là người công bình ngay thẳng.
- Hương quản: chức vụ chuyên trách giữ gìn an ninh trật tự, kiểm tra nhân khẩu.
- Hương thân: làm nhiệm vụ giáo hóa thuần phong mỹ tục (phải là trí thức, nhân sĩ hoặc quan lại về hưu).
- Hương hào: làm nhiệm vụ tuần phòng, kiểm tra an ninh trật tự (phải là người hào hiệp, hay giúp đỡ người hoạn nạn).
- Thôn trưởng: là Hương chức trung gian giữa địa phương và chính quyền cấp trên; thu các loại thuế, chi xuất nhu phí, giữ mộc triện.
- Phó thôn: phụ tá Thôn trưởng, giữ gìn sổ bộ của xóm ấp.
- Lý trưởng: trưởng một lý (một xóm) theo Thôn trưởng sai phái, chỉ huy đội dân canh, thúc giục dân đóng thuế.
- Cai lân, Trưởng ấp: thừa sai của Lý trưởng, phân xử các việc trong lân.
- Cai tuần: đội trưởng dân tuần phòng.
- Biện đình: ngang hàng với Lý trưởng, là thư ký giúp việc khi làng tổ chức lễ hội Kỳ yên, nhưng có thể giúp Thư lại khi tu chỉnh sổ bộ.
- Thư lại.
Bên cạnh bàn hội tề còn có các dịch mục chuyên trách khác như: kế hiền, hương quan, chánh bái, tham trưởng, hương lễ, hương văn, trí văn, cai đình, tri đình, hương ẩm, hương sư, tri khách, hương giáo, cai binh, hương điền, thủ khoán, thủ bổn.
Thuật ngữ “bàn hội tề” dễ gây lầm lẫn đây là một cụm từ với nghĩa là “cái bàn (làm việc) của hội tề”. Trong “tạp bút năm Quý Dậu 1993 - Di cảo”, Vương Hồng Sển, tác giả đã sử dụng “bàn hội tề” là một cụm từ trong một đoạn văn như sau: “... trên một bìa Nam Phong để trên một bàn hội tề làng nọ ở Sóc Trăng, tôi đã thấy nhan báo hai chữ Nam Phong, đã có người đặt tay bỏ dấu, đọc “Nằm Phòng” và hỏi kỹ lại, đó là chữ của vị đại hương cả trong làng…” (ý nói vị đại hương cả còn không biết cả tên một tờ báo lớn lúc bấy giờ, đến nổi ông ta phải bỏ thêm dấu để đọc cho có nghĩa tên tờ báo đã được người phục vụ để trên bàn làm việc).
Nhà Nguyễn chọn quan lại theo tiêu chuẩn học vị khoa bảng, nhưng chọn hương chức Hội tề thì căn cứ vào 3 nhóm tiêu chuẩn:
- Nhóm hương chức phải dựa vào lý lịch, đạo đức để làm nhiệm vụ giữ gìn truyền thống văn hóa.
- Nhóm hương chức phải dựa vào học lực, đạo đức để làm nhiệm vụ thu xuất, sổ sách, công văn hành chính.
- Nhóm hương chức phải dựa vào sự siêng năng để sai phái phục dịch.
Theo Minh Điều Hương ước ban hành năm 1852, một hương chức phải đảm bảo ít nhất 2 trong 3 tiêu chuẩn.
Cũng cần nói rõ thêm về khái niệm “hương chức”. “Hương” là “làng”. “Hương chức” là những người có chức việc trong làng. Trong thời thuộc Pháp, hầu hết các hương chức hội tề ở những làng do thực dân Pháp quản lý đều chỉ là bù nhìn, mọi việc đều do quan Tây quyết định. Do vậy, những cuộc họp của hội tề thật ra chỉ là hình thức, từ đó trong dân gian xuất hiện thành ngữ “ấm ớ hội tề” (ý nói hội tề chẳng giải quyết xong vụ việc gì bởi chẳng có thực quyền gì). Vì khi họp phải ngồi lại với nhau thành một bàn nên dân gian gọi nôm na là bàn hội tề (để chỉ hết tất cả các vị trong hội tề).
Lại có một biến thể khác về “hương chức hội tề”. Do mất “thẩm quyền” thật sự để giải quyết các việc làng nên công việc của hội tề trở về quanh đình làng.
Với nhiều tên gọi khác nhau như Ban quý tế, Ban phụng tự, Ban tế tự…, một số hương chức (theo nhà nghiên cứu Trương Ngọc Tường) có 3 loại:
Hương chức loại 1, còn gọi là hương chức Hội chánh, gồm có: Kế hiền (Hội trưởng); Chánh bái (hay Chánh niệm hương), Phó bái, Bồi bái, Tiên bái (cùng lo việc ngoại vụ); Chánh tế, Phó tế, Bồi tế (cùng lo việc nội vụ).
Hương chức loại 2, còn gọi là hương chức Hội tề, gồm có: Giáo sư (cố vấn mọi mặt), Hương quan (cố vấn nghi lễ, tục lệ), Hương lễ (chỉ huy ban lễ sinh), Hương nhạc (chỉ huy ban nhạc lễ), Hương văn (soạn thảo văn tế), Hương ẩm (tổ chức tiệc tùng), Thủ bổn (lo việc sổ sách và kiểm tra lễ vật), Thủ từ (giữ đình, lo việc đèn nhang mỗi ngày).
Hương chức loại 3, tức hương chức Hội hương hay Ngoại hội tề, gồm những người phụ giúp việc đình miếu.
Ở Nam bộ, ban này được coi là một tổ chức bảo vệ văn hóa truyền thống ở nông thôn, thậm chí có phần bảo thủ. Hầu hết đều là những người đáng kính, có uy tín và làm việc tự nguyện, tự giác; bổn phận nhiều hơn quyền lợi. Dĩ nhiên, “con sâu làm rầu nồi canh”, có người cũng lợi dụng công việc chung để lo việc riêng.
Tại Bạc Liêu, một số hoạt động ở đình làng được khôi phục, cũng thành lập ban bệ, phân công nhiệm vụ hẳn hoi. Vấn đề là tránh phục cổ quá mức, trong đó có những tập tục lỗi thời hoặc quá nhiêu khê…
T.C
- Phiên họp thứ 4 Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát
- Gần 200 võ sinh thi thăng đẳng môn Vovinam
- Quay hình chương trình đờn ca tài tử năm 2025
- Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh: Thăm, chúc mừng Đại lễ Phật đản Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh và các cơ sở Phật giáo
- Hơn 300 đoàn viên, công nhân viên chức, lao động tham gia Hội thao chào mừng Tháng Công nhân