Triển khai Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp: Những thuận lợi và khó khăn

Thứ Tư, 14/03/2012 | 19:48

Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp có hiệu lực từ ngày 1/1/2012 và thay thế Pháp lệnh Thuế nhà đất. Đây là luật có ý nghĩa hết sức quan trọng, có tác động trực tiếp đến tất cả các tổ chức, cá nhân và hộ gia đình có sử dụng đất ở, đất sản xuất - kinh doanh phi nông nghiệp. Căn cứ để xác định số thuế sử dụng đất phi nông nghiệp là giá đất trên 1m2 theo từng vị trí và thuế đất.

Để thực hiện Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp một cách có hiệu quả, tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo triển khai Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, giao Cục Thuế làm cơ quan tham mưu, giúp việc cho UBND tỉnh. Trước mắt, Cục Thuế tỉnh, Chi cục Thuế các huyện, thành phố tổ chức nhiều đợt tập huấn liên quan đến Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành. Đến nay, đã có 23 cuộc triển khai, tập huấn đến cán bộ, công chức trong ngành Thuế; các ban ngành cấp huyện, xã và cán bộ ủy nhiệm thu; nhân dân và doanh nghiệp với trên 2.300 lượt người tham dự.

Công tác in ấn mẫu biểu, tờ khai và kinh phí hoạt động cũng được xúc tiến. Cục Thuế tỉnh đã đặt in 147 ngàn tờ khai các loại, lập kế hoạch phân bổ, cấp phát đầy đủ đến các Chi cục Thuế trong tỉnh. Đồng thời ban hành công văn hướng dẫn việc kê khai, nộp thuế sử dụng đất phi nông nghiệp để hướng dẫn về thời hạn kê khai, nơi nộp tờ khai, hồ sơ kê khai, cách tính thuế, giảm, miễn thuế, đối tượng chịu thuế… có đính kèm các mẫu biểu có liên quan, nhằm giúp cho việc triển khai được thuận lợi hơn.

Đại diện Cục Thuế tỉnh báo cáo tình hình triển khai thực hiện Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp. Ảnh: K.P

Luật Thuế này được thông qua từ tháng 6/2010, hơn 1 năm sau mới có hiệu lực thi hành. Đây là một khoảng thời gian khá dài cho công tác chuẩn bị, tuyên truyền, nghiên cứu. Luật ảnh hưởng trực tiếp đến tất cả tầng lớp nhân dân nên có ý nghĩa hết sức quan trọng. Do vậy, UBND tỉnh hết sức quan tâm, chỉ đạo sâu sát và tổ chức nhiều cuộc họp để chỉ đạo, nghe báo cáo, qua đó phối hợp triển khai, thực hiện. Cụ thể, UBND tỉnh sớm ban hành bảng giá đất năm 2012, ban hành Công văn số 2468/UBND-TH phối hợp các sở, ngành như Sở Tài chính, Sở TN-MT, Sở TT-TT; Sở Xây dựng, Cục Thuế, Báo Bạc Liêu, Đài PT-TH tỉnh, UBND các huyện, thành phố… để tổ chức tuyên truyền, tập huấn, triển khai thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ của từng ngành theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương.

Tuy Luật Thuế đã có hiệu lực thi hành, nhưng vẫn còn khá mới mẻ, công tác chuẩn bị phối hợp giữa các ngành vẫn còn ở bước đầu. Luật mới, có phạm vi điều chỉnh rộng, đối tượng nộp thuế nhiều nhưng số thu nhỏ (nguồn thu từ thuế nhà đất chỉ dao động từ 5 - 7 tỷ đồng/năm), chi phí quản lý thu lớn. Bên cạnh đó, ngoài việc phối hợp giữa các ngành còn chậm và chưa nhịp nhàng, khó khăn lớn nhất chính là cơ sở dữ liệu về đất đai, thông tin địa chính về thửa đất, vị trí, hạn mức đất ở ứng theo từng thời kỳ, phù hợp với từng loại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để tính thuế cho từng thửa đất trên phạm vi cả tỉnh. Vì vậy, công tác phối hợp của các ngành chức năng có liên quan đến việc quản lý đất đai cần được đẩy mạnh hơn nữa.

Do đây là Luật Thuế có ý nghĩa hết sức quan trọng nên việc triển khai không thể thực hiện theo cách riêng lẻ, đơn phương, độc lập của một ngành, hay một cấp chính quyền, mà đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành có liên quan, triển khai có chiều sâu về nghiệp vụ, có chiều rộng về đối tượng và địa bàn. Trong đó, vai trò của ngành Thuế, Sở TN-MT, Sở Tài chính và UBND các địa phương là hết sức quan trọng trong việc đưa Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp nhanh chóng đi vào thực tiễn cuộc sống.

Kim Kim

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.