HOẠT ĐỘNG LÃNH ĐẠO

Quốc hội thảo luận tại tổ ngày 21/5: Đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu đóng góp các dự thảo Luật

Thứ Tư, 21/05/2025 | 18:07

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khóa XV, chiều ngày 21/5, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại tổ 3 nội dung về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam, Luật Công đoàn, Luật Thanh niên và Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội; và Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thay thế Nghị quyết số 35/2021/QH15 ngày 13/11/2021 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng. Sau đó Quốc hội chuyển sang thảo luận về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng; Chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Quy Nhơn – Pleiku; Điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án đường bộ cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu giai đoạn 1 và Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc thí điểm Viện kiểm sát nhân dân khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền dân sự của các chủ thể là nhóm dễ bị tổn thương hoặc bảo vệ lợi ích công.

Đồng chí Lữ Văn Hùng - Ủy viên BCH TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu chủ trì buổi thảo luận chiều 21/5.

Tổ số 6 gồm đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) các tỉnh Sóc Trăng, Bình Định, Hà Giang và Bạc Liêu do đồng chí Lữ Văn Hùng – Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu làm tổ trưởng. Đại biểu Trần Thị Hoa Ry – Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu cho ý kiến đối với Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật MTTQ Việt Nam, Luật Công đoàn, Luật Thanh niên và Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Theo đó, đại biểu kiến nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, xem xét sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Luật lần này (hoặc trong văn bản dưới Luật) về việc giảm mức đóng góp công đoàn phí của đoàn viên công đoàn, nhằm góp phần thể chế hóa kịp thời chủ trương của Đảng, cụ thể là Nghị quyết 60 ngày 12/4/2025 Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII có nêu chủ trương “Giảm mức đóng góp công đoàn phí của đoàn viên công đoàn”.

Đại biểu nhất trí với dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung một số quy định của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở về tổ chức công đoàn trong cơ quan, đơn vị… theo hướng bỏ quyền, trách nhiệm của Công đoàn, Ban Chấp hành Công đoàn tại các cơ quan, đơn vị ở một số điều khoản để phù hợp với nội dung sửa đổi, bổ sung của Luật Công đoàn về việc không tổ chức Công đoàn cơ sở trong các cơ quan, đơn vị.

Tuy nhiên, đại biểu tiếp tục đặt vấn đề liên quan đến các nội dung hoạt động vốn do Ban Chấp hành công đoàn cơ quan, đơn vị thực hiện theo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở hiện hành (Điều 63) như: giới thiệu nhân sự và công nhận kết quả bầu làm thành viên Ban Thanh tra nhân dân (TTND); đề nghị cho thôi làm thành viên Ban TTND; hướng dẫn Ban TTND xây dựng chương trình, kế hoạch, nội dung công tác; xem xét báo cáo hoạt động của Ban TTND và hướng dẫn, chỉ đạo hoạt động của Ban TTND; theo dõi, đôn đốc việc giải quyết kiến nghị của Ban TTND gửi đến người đứng đầu cơ quan, đơn vị hoặc cấp có thẩm quyền... sẽ do tổ chức nào thực hiện khi không tổ chức Công đoàn cơ sở ở cơ quan, đơn vị?

Đại biểu Quốc hội Trần Thị Hoa Ry - Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu phát biểu thảo luận tổ chiều ngày 21/5.

* Trước đó, vào sáng 21/5, Quốc hội đã nghe Tờ trình và Báo cáo Thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Luật Công đoàn, Luật Thanh niên và Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Cũng trong sáng nay, Quốc hội đã biểu quyết tán thành thông qua Nghị quyết của Quốc hội về việc rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khoá XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 và Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026 – 2031 vào Chủ nhật ngày 15/3/2026.

Cuối buổi sáng, Quốc hội thảo luận tại tổ 3 nội dung về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Luật Công đoàn, Luật Thanh niên và Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội; và Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thay thế Nghị quyết số 35/2021/QH15 ngày 13/11/2021 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hải Phòng.

Đại biểu Quốc hội Trần Thị Thu Đông, đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu thảo luận tại tổ sáng ngày 21/5.

Tại tổ 6, Đại biểu Quốc hội Trần Thị Thu Đông - Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam, đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu góp ý dự thảo Nghị quyết thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội (NƠXH). Tán thành việc thành lập Quỹ Nhà ở quốc gia, đại biểu cũng kiến nghị cần làm rõ chức năng "đầu tư xây dựng" của Quỹ. Cần xây dựng một cơ chế quản lý, giám sát Quỹ chặt chẽ, minh bạch, có sự tham gia của các cơ quan nhà nước có liên quan, các tổ chức xã hội và đại diện của người dân cũng như các quy định cụ thể về kiểm tra, thanh tra, kiểm toán Quỹ, các biện pháp xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, tham nhũng, lãng phí. Cần có cơ chế để huy động thêm các nguồn lực khác cho Quỹ, đặc biệt là từ khu vực tư nhân; có chính sách ưu đãi hợp lý cho các tổ chức, cá nhân đóng góp cho Quỹ, như miễn giảm thuế, phí.

Đại biểu đề nghị Quốc hội xem xét bổ sung trực tiếp vào dự thảo Nghị quyết quy định: “Giao Chính phủ chịu trách nhiệm ban hành và tổ chức thực hiện các cơ chế cụ thể nhằm phòng ngừa, phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, tham nhũng, trục lợi chính sách trong quá trình triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù về NƠXH được quy định tại Nghị quyết này”.

Tin, ảnh: KP - T.Thúy

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.