Những ý kiến tâm huyết của các cá nhân trong hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh

Thứ Tư, 21/05/2025 | 16:26

Mới đây, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam tỉnh đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo Nghị quyết sửa đổi bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. Hội nghị đã ghi nhận nhiều ý kiến đầy tâm huyết và có giá trị.

Các đại biểu tham gia hội nghị đóng góp ý kiến sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp. Ảnh: K.K

Ông Nguyễn Hiền Lương - nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh: Đảm bảo việc thực thi pháp luật tốt hơn, hiệu quả hơn

Nhằm xóa bỏ bộ máy cồng kềnh, cán bộ thiếu trách nhiệm, để bước vào thời kỳ vươn mình với tầm cao mới, ông Nguyễn Hiền Lương cho rằng Hiến pháp phải sửa đổi theo chủ trương này để đảm bảo cho việc thực thi pháp luật tốt hơn, hiệu quả hơn.

Liên quan đến các điều luật sửa đổi cụ thể, ông Lương không đồng ý với quy định sửa đổi mới trong dự thảo tại khoản 2, Điều 9 với quy định “Công đoàn Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội LHPN Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam là các tổ chức chính trị - xã hội trực thuộc MTTQ Việt Nam… cùng với các tổ chức thành viên khác của Mặt trận hiệp thương dân chủ, phối hợp và thống nhất hành động dưới sự chủ trì của MTTQ Việt Nam”. Ông cho rằng, MTTQ Việt Nam là liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của các tổ chức, tầng lớp xã hội, các cá nhân tiêu biểu. Trong khi đó, 5 tổ chức chính trị - xã hội thành viên là “liên hiệp tự nguyện”, nên nếu quy định “trực thuộc” thì không còn “liên hiệp tự nguyện” mà có liên quan đến vấn đề “cấp trên, cấp dưới”.

Ông Trang Thanh Sơn - nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh: Cần chú ý đến yếu tố tự nguyện của các tổ chức chính trị - xã hội thuộc MTTQ Việt Nam

Đồng quan điểm giống ông Nguyễn Hiền Lương, đại biểu Trang Thanh Sơn đề nghị, bỏ cụm từ “trực thuộc” thay thành “cốt cán”; đổi cụm từ “dưới sự chủ trì của MTTQ Việt Nam” thành “do MTTQ Việt Nam chủ trì” tại khoản 2 Điều 9 dự thảo Nghị quyết. Quy định như vậy theo các đại biểu là vừa đảm bảo thực hiện tốt nguyên tắc hiệp thương dân chủ, phối hợp và thống nhất hành động của MTTQ Việt Nam, vừa đảm bảo tính độc lập tương đối của 5 tổ chức chính trị - xã hội nói trên.

Ngoài ra, khoản 3 Điều 9, dự thảo Nghị quyết có đoạn “… Nhà nước tạo điều kiện để MTTQ Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận và các tổ chức xã hội khác hoạt động…”, ông Sơn đề nghị thay đổi thành “… Nhà nước bảo đảm điều kiện cần thiết…”. Lý do là vì lần sửa đổi này, những nội dung mở rộng rất lớn, vị trí, vai trò, nhiệm vụ của MTTQ Việt Nam về liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện về hiệp thương dân chủ, phối hợp và thống nhất hành động. Do đó, sửa đổi, bổ sung Hiến pháp lần này cần khẳng định cụ thể hơn sự đầu tư đảm bảo của Nhà nước ở mức độ cao hơn.

Ông Đinh Hoàng Thơm - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh: Thống nhất cao với dự thảo Nghị quyết

Trái ngược với các ý kiến trên, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh lại thống nhất với dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013, liên quan đến khoản 2 Điều 9, ông cho rằng cụm từ “trực thuộc Mặt trận” là phù hợp với tình hình mới. Vì một nhiệm vụ có thể nhiều người làm, nhiều tổ chức thực hiện nhưng vẫn cần có một tổ chức nắm giữ vai trò trung tâm. Nên quy định Ủy ban MTTQ Việt Nam giữ vai trò thống nhất là phù hợp.

Ông Nguyễn Bá Ân - Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh: Cần cân nhắc khi bỏ vai trò chất vấn của HĐND đối với Tòa án, Viện kiểm sát

Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh thống nhất cao với phạm vi cũng như bố cục trình bày trong Nghị quyết sửa đổi lần này. Riêng đối với khoản 8 sửa đổi bổ sung khoản 2 Điều 115 Hiến pháp, liên quan đến quyền chất vấn của đại biểu HĐND: “Đại biểu HĐND có quyền chất vấn Chủ tịch UBND, các thành viên khác của UBND và người đứng đầu cơ quan thuộc UBND…”, như vậy, dự thảo sửa đổi đã bỏ quyền chất vấn của HĐND dành cho Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân. Theo ông Ân, nội dung này nên thận trọng, bởi nhiều năm qua, việc chất vấn đã phát huy tác dụng rất tích cực, nâng cao hoạt động thực thi pháp luật của các cơ quan này. Trách nhiệm giải trình của các vị này tại các kỳ họp luôn là chủ đề mà cử tri đặc biệt quan tâm. Ngoài ra, Hiến pháp cũng quy định rất rõ, đối với các cơ quan quyền lực của Nhà nước đều phải chịu sự giám sát của Nhân dân thông qua quyền chất vấn, các cơ quan như tòa án, viện kiểm sát không thể là ngoại lệ.

Kim Kim (lược ghi)

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.