Tiêu điểm

Hưởng ứng Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học năm 2025: Sống hài hòa với thiên nhiên và phát triển bền vững

Thứ Năm, 22/05/2025 | 10:52

Ngày 22/5 hàng năm được chọn làm Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học và chủ đề năm 2025 là “Sống hài hòa với thiên nhiên và phát triển bền vững”. Thông điệp này nhằm nhấn mạnh sự cần thiết thực hiện song song các mục tiêu của Khung đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh - Montreal (KMGBF) của Công ước Đa dạng sinh học (CBD) và các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) do mối quan hệ hữu cơ giữa việc "Sống hài hòa với thiên nhiên" với mục tiêu phát triển toàn diện và bền vững cho tất cả các quốc gia và cộng đồng trên thế giới. 

Bảo vệ cò trắng tại vườn chim tư nhân huyện Phước Long.

ĐA DẠNG SINH HỌC LÀ “TRỤ CỘT”

Lâu nay, đa dạng sinh học (ĐDSH) thường được hiểu theo nghĩa là sự đa dạng của thực vật, động vật và vi sinh vật, nhưng nó cũng bao gồm sự khác biệt về mặt di truyền trong mỗi loài, như giữa các giống cây trồng và vật nuôi và sự đa dạng của các hệ sinh thái (hồ, rừng, sa mạc, cảnh quan nông nghiệp…) chứa nhiều loại tương tác giữa các thành viên của chúng (con người, thực vật, động vật). Đặc biệt, tài nguyên ĐDSH là “trụ cột” mà chúng ta xây dựng nền văn minh và góp phần quan trọng vào đảm bảo an ninh lương thực. Cụ thể, cá cung cấp 20% protein động vật cho khoảng 3 tỷ người và hơn 80% chế độ ăn của con người được cung cấp bởi thực vật. Cũng như, có đến 80% người dân sinh sống ở vùng nông thôn tại các nước đang phát triển dựa vào các loại thuốc truyền thống có nguồn gốc từ thực vật để chăm sóc sức khỏe cơ bản.

Với tầm quan trọng ấy, nếu mất ĐDSH sẽ tác động trực tiếp đến phát triển bền vững và an ninh lương thực, sức khỏe của cộng đồng. Các nhà khoa học đã chứng minh, nếu mất ĐDSH có thể làm gia tăng bệnh truyền nhiễm từ động vật sang người. Mặt khác, nếu chúng ta giữ nguyên vẹn ĐDSH thì nó sẽ cung cấp những công cụ tuyệt vời để chống lại các đại dịch. Trong khi ngày càng có sự công nhận rằng ĐDSH là tài sản toàn cầu có giá trị to lớn đối với các thế hệ tương lai, số lượng các loài đang bị suy giảm đáng kể do một số hoạt động của con người. Do tầm quan trọng của giáo dục công chúng và nhận thức về vấn đề này, Liên Hợp Quốc đã quyết định tổ chức kỷ niệm Ngày Quốc tế ĐDSH hàng năm với mục tiêu nâng cao ý thức, trách nhiệm của cả cộng đồng về tầm quan trọng của ĐDSH và đây chính là giải pháp cơ bản nhất cho phát triển bền vững trong điều kiện tăng trưởng nóng, ô nhiễm môi trường và tác động trực tiếp ngày càng sâu sắc từ biến đổi khí hậu gây ra. 

Trồng cây gây rừng góp phần đảm bảo đa dạng sinh học ở Vườn chim Bạc Liêu. Ảnh: Kim Trung

TĂNG CƯỜNG TRUYỀN THÔNG

Thực hiện Công văn 1863 của Bộ Nông nghiệp và Môi trường (NN-MT) về việc hướng dẫn tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Quốc tế ĐDSH năm 2025, Sở NN-MT Bạc Liêu đã ban hành văn bản chỉ đạo các địa phương và phối kết hợp với các sở, ngành, các tổ chức đoàn thể cấp tỉnh tổ chức tuyên truyền về tầm quan trọng của ĐDSH, cùng nhau kêu gọi cộng đồng cam kết bảo tồn, phục hồi, sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước; sử dụng bền vững ĐDSH, di sản thiên nhiên. Đồng thời, lồng ghép các hoạt động truyền thông của cơ quan, đơn vị nhằm sử dụng hợp lý và tiết kiệm các nguồn tài nguyên thiên nhiên, hạn chế sử dụng túi nylon khó phân hủy và các sản phẩm từ nhựa dùng một lần; khuyến khích sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường và không buôn bán, sử dụng sản phẩm của các loài động vật hoang dã, các loài động - thực vật nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; tăng cường các hoạt động để bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư tại Việt Nam theo tinh thần Chỉ thị 04 của Thủ tướng Chính phủ. Đặc biệt, các cơ quan truyền thông trong tỉnh chủ động đưa các bản tin hoặc phóng sự với nội dung tuyên truyền vai trò, tầm quan trọng của bảo tồn ĐDSH trên kênh truyền thông, cổng thông tin điện tử của đơn vị, nhằm kêu gọi sự nỗ lực, tăng cường đầu tư vào công tác bảo tồn, quản lý và phục hồi các vùng đất ngập nước, đây là giải pháp hiệu quả để giải quyết các vấn đề biến đổi khí hậu, sức khỏe, an ninh lương thực, hướng tới mục tiêu toàn cầu đến năm 2050 là xây dựng một tương lai “Sống hài hòa với thiên nhiên”.

Riêng UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức tuyên truyền, phổ biến nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, viên chức, người thân trong gia đình và toàn thể cộng đồng dân cư trên địa bàn hiểu về giá trị, vai trò của ĐDSH đối với việc đảm bảo lương thực - thực phẩm, cung cấp dinh dưỡng và đảm bảo sức khỏe con người. Tăng cường kiểm soát các hoạt động buôn bán động vật hoang dã tại các khu bảo tồn, các vườn chim tư nhân, các chợ điểm… Chú trọng công tác quản lý và sử dụng tài nguyên thiên nhiên, triển khai thực hiện Kế hoạch 94 của UBND tỉnh thực hiện Chiến lược quốc gia về ĐDSH đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 hướng đến mục tiêu "Phục hồi và bảo đảm tính toàn vẹn, kết nối; ĐDSH được bảo tồn, sử dụng bền vững nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng nền kinh tế xanh, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu". Kiểm soát các tác động đến ĐDSH như: hoạt động chuyển đổi mục đích sử dụng đất, nước mặt; phương thức canh tác, khai thác kém bền vững; sinh vật ngoại lai xâm hại và các hoạt động gây ô nhiễm môi trường; tăng cường công tác điều tra, kiểm kê, quan trắc ĐDSH; kiểm soát chặt chẽ tác động của các dự án phát triển đối với các khu vực tự nhiên và ĐDSH …

THANH THANH (bài viết có sử dụng tài liệu của ngành NN-MT)

-----------------------------------

Thực hiện đa dạng sinh học, thời gian qua Bạc Liêu đã tích cực triển khai thực hiện Dự án điều tra, đánh giá và đề xuất mô hình bảo tồn các loài động vật, thực vật quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 - 2030. Đồng thời, hoàn thành Quy hoạch hệ sinh thái tự nhiên ven sông (các sông chính trên địa bàn tỉnh); Bảo vệ và phát triển các hệ sinh thái tự nhiên, quản lý và kiểm soát các loài sinh vật ngoại lai xâm hại. Cũng như, tiếp tục triển khai nâng cấp Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Vườn chim Bạc Liêu (phường Nhà Mát, TP. Bạc Liêu) và Khu bảo tồn loài và sinh cảnh ấp Canh Điền (xã Long Điền Tây, huyện Đông Hải) thành Khu bảo tồn cấp quốc gia. Bên cạnh đó, tỉnh thành lập mới 1 khu bảo tồn loài và sinh cảnh cấp tỉnh: Vườn chim ấp Lập Điền và 1 khu dự trữ thiên nhiên cấp tỉnh: Rừng ngập mặn ven biển.

Cùng với đó là áp dụng các mô hình tốt trong quản lý khu bảo tồn thiên nhiên có sự tham gia của cộng đồng và thực hiện cơ chế chia sẻ hài hòa lợi ích giữa các bên có liên quan đối với Khu bảo tồn loài - sinh cảnh Vườn chim Bạc Liêu, Khu bảo tồn loài - sinh cảnh ấp Canh Điền. Hiện tỉnh đang tiến hành điều tra, đánh giá tiềm năng và quy hoạch mạng lưới du lịch sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh, nhằm xây dựng mô hình du lịch sinh thái tại các Khu bảo tồn loài - sinh cảnh Vườn chim Bạc Liêu, Khu bảo tồn loài - sinh cảnh ấp Canh Điền và các vườn chim tư nhân tại ấp Lập Điền (xã Long Điền Tây, huyện Đông Hải); ấp 4 (xã Phong Thạnh Tây, TX. Giá Rai); ấp Long Hòa (thị trấn Phước Long) và ấp Bình Hổ (xã Vĩnh Phú Tây, huyện Phước Long). Thực hiện tốt công tác bảo tồn đa dạng sinh học các hệ sinh thái rừng, bảo vệ động vật, thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm đối với rừng đặc dụng Vườn chim Bạc Liêu và Khu bảo tồn loài và sinh cảnh ấp Canh Điền (huyện Đông Hải), các vườn chim tư nhân trên địa bàn tỉnh và rừng phòng hộ ven biển…

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.