Tòa Soạn - Bạn đọc
Tòa án lương tâm
Đó là những vụ án, mà việc xét xử hay tuyên án dường như không còn quan trọng với bị cáo nữa. Bởi có một phiên tòa khác, nó giày vò, ân hận và đau đớn hơn nhiều. Ở đó, không có bản án, không có nhà tù. Chỉ có lương tâm và những hối hận…
Người mẹ trẻ suýt chút nữa là bị khởi tố về hành vi giết người, mà đứa trẻ lại chính là con ruột của mình. May mắn là đứa trẻ không sao. Và hành vi đó cũng xuất phát từ suy nghĩ quá nông cạn. Nhờ sự khoan hồng của pháp luật, của cả gia đình bên chồng, người mẹ ấy vẫn được ở nhà chăm sóc con. Nhưng dù pháp luật hay xã hội có khoan dung cho chị, thì lương tâm của một người làm mẹ vẫn không thể nào buông tha. Và ánh nhìn của nhiều người đời vẫn không nhẹ nhàng cho một người mẹ nỡ lòng vứt bỏ con mình, khiến đứa trẻ chỉ chút nữa là mất mạng.
Chuyện hai mẹ con buộc chung một sợi dây, trầm mình xuống dòng sông tìm đến cái chết ở huyện Phước Long đã từng gây xôn xao trong dư luận hàng tháng trời. Người mẹ và đứa trẻ ra đi mãi mãi, nhưng nỗi đau mà chị để lại cho người chồng, người cha là quá lớn. Đủ thứ nguồn tin (đều là tin xấu) trút lên hết cho người đàn ông, bởi người ta thường nghĩ, nếu không có chuyện gì thì làm sao người phụ nữ lại cùng con tìm đến cái chết? Nhưng giả sử, chỉ giả sử thôi, nếu việc tự tử của chị được phát hiện và cứu kịp thời, nhưng đứa trẻ lại chết, thì có phải người mẹ lại đứng trước nguy cơ ra tòa vì tội giết con hay không? (Điều này hiện nay đang ngày càng nhiều, những phiên tòa xử tội mẹ giết con thấm đẫm nước mắt hối hận của bị cáo). Quyền được sống là quyền thiêng liêng và bất khả xâm phạm, cho dù là cha mẹ cũng không có quyền buộc con phải chết. Đứa trẻ vô tội, chỉ muốn mẹ chở đi mua 1 que kem, sao có thể ngờ đó là lần được ăn kem cuối cùng của mình. Sao người mẹ lại có thể tàn nhẫn với mình, với con như thế? Tự tước đoạt mạng sống của mình (hành vi tự tử) đã là có tội với công sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ, với những người thân yêu của mình. Còn tước đoạt mạng sống của người khác, cho dù đó là con do mình sinh ra, dù với bất cứ lý do gì, đó cũng là tội ác. Vậy mà hiện nay, nhiều bà mẹ trẻ, chỉ một chút bất bình, một chút giận hờn là ngay lập tức, muốn tìm đến cái chết, muốn con chết chung với mình (theo suy nghĩ của họ) để cho nó không phải khổ, mà còn có ý để những người sống phải đau đớn suốt đời. Chính những suy nghĩ như thế đã khiến tội ác được sinh ra, khiến những sinh linh trẻ thơ bé bỏng bị tước đoạt, và khiến những kẻ là cha, là mẹ trở thành kẻ giết người.
Nhiều người cho rằng, tự tử chính là biện pháp sau cùng để giải thoát mọi bế tắc trong cuộc sống. Chính quan niệm sai lầm này đã kéo theo nhiều hệ lụy hết sức đau lòng, trong đó có hành vi cùng nhau tự tử, giúp người khác tự tử. Một khi chỉ có một người chết, người còn sống sẽ đứng trước nhiều nguy cơ, trong đó có nguy cơ phải nhận lãnh hình phạt về tội giết người. Nhưng dù bản án như thế nào cũng không ám ảnh bằng những cắn rứt lương tâm khi chính mình trở thành kẻ sát nhân. Những người làm cha, làm mẹ giết con để tự tử ngay cả khi thoát khỏi án tù thì bản án lương tâm cũng đè nặng suốt đời.
KIM PHƯỢNG
- Hưởng ứng Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học năm 2025: Sống hài hòa với thiên nhiên và phát triển bền vững
- Trên 7.000 thí sinh tham gia kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT, năm học 2025 - 2026
- Quốc hội thảo luận tại tổ ngày 21/5: Đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu đóng góp các dự thảo Luật
- Tọa đàm Báo chí Cách mạng Bạc Liêu - Những chặng đường lịch sử vẻ vang
- Họp báo, bốc thăm thi đấu Giải bóng chuyền hơi nữ mở rộng năm 2025