Tin tức

Hội nghị trực tuyến Thanh tra Chính phủ triển khai nhiệm vụ năm 2021

Thứ Ba, 12/01/2021 | 17:46

(BL-TĐ) Chiều 12/1, Thanh tra Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác thanh tra năm 2020, đánh giá khái quát giai đoạn 2016 - 2020 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2021 của ngành.

Thủ tướng Chính phủ - Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị tại đầu cầu Hà Nội. Cùng chủ trì có ông Lê Minh Khái, Tổng Thanh tra Chính phủ và các Phó tổng Thanh tra. Dự hội nghị còn có ông Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương.

Tại điểm cầu Bạc Liêu, dự hội nghị có bà Cao Xuân Thu Vân - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo Thanh tra tỉnh, thanh tra sở, ngành và các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Bạc Liêu. Ảnh: T.Đ

Năm 2020, toàn ngành Thanh tra đã triển khai gần 6.200 cuộc thanh tra hành chính và hơn 181.000 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành; phát hiện vi phạm về kinh tế hơn 86.300 tỷ đồng, hơn 6.300 ha đất; kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước 23.843 tỷ đồng và 830 ha đất (đã thu hồi 9.388 tỷ đồng, 118 ha đất). Thanh tra đã xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán do chưa thực hiện đúng quy định và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý hơn 62.500 tỷ đồng, hơn 5.500ha đất. Qua đó, ngành Thanh tra đã kiến nghị xử lý hành chính 2.123 tập thể và 485 cá nhân; ban hành hơn 90.000 quyết định xử phạt vi phạm hành chính tổ chức, cá nhân với số tiền hơn 7.000 tỷ đồng; chuyển cơ quan điều tra tiếp tục xử lý 97 vụ, 99 đối tượng. Ngoài ra, ngành Thanh tra cả  nước đã chấn chỉnh quản lý, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực.

Giai đoạn 2016 - 2020, hoạt động thanh tra được tiến hành có trọng tâm, trọng điểm, vừa đảm bảo yêu cầu quản lý nhà nước, vừa đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, giảm chồng chéo, hạn chế phát sinh phiền hà, sách nhiễu đối với người dân, doanh nghiệp. Công tác Thanh tra chú trọng vào trách nhiệm thực hiện công tác quản lý nhà nước của các cấp, các ngành, những lĩnh vực “nóng”, dễ phát sinh nhiều tiêu cực, tham nhũng, có nhiều đơn thư, khiếu nại, tố cáo, trên tinh thần quyết liệt, sai đến đâu kiến nghị xử lý tới đó. Các đoàn thanh tra đã áp dụng kịp thời các biện pháp theo thẩm quyền nhằm ngăn chặn vi phạm, thu hồi thiệt hại gây ra cho xã hội, nhà nước, cá nhân, cơ quan, tổ chức. Thông qua hoạt động thanh tra, ngành Thanh tra đã góp phần quan trọng cả trong phòng ngừa tham nhũng và trong phát hiện, xử lý tham nhũng. Một mặt đã phát hiện, kiến nghị hoàn thiện những cơ chế, chính sách, pháp luật còn sơ hở, bất cập, chưa phù hợp với thực tiễn, là cơ hội để phát sinh tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; mặt khác, đã kịp thời phát hiện, kiến nghị xử lý nhiều vi phạm.

So với nhiệm kỳ trước, số tiền phát hiện vi phạm tăng 134%, số tiền kiến nghị thu hồi tăng trên 83%, tỷ lệ thu hồi về tiền tăng trên 5,7 lần. Số vụ việc và số đối tượng chuyển cơ quan điều tra tiếp tục xử lý tăng lần lượt trên 56% và trên 92%. Trong số đó, Thanh tra Chính phủ đã tiến hành thanh tra, phát hiện sai phạm, kiến nghị xử lý quyết liệt, đúng pháp luật nhiều vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật, có vụ rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, mang tính đột phá trong đấu tranh xử lý tham nhũng.

Năm 2021, công tác thanh tra bám sát định hướng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để xây dựng và triển khai kế hoạch thanh tra phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội ở các cấp, các ngành. Tập trung thanh tra vào các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, thanh tra đột xuất khi phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật. Đẩy mạnh công tác giám sát, thẩm định và xử lý sau thanh tra, trọng tâm là tổ chức thực hiện có hiệu quả các quy định của pháp luật về thực hiện kết luận thanh tra, nhất là tăng tỷ lệ thu hồi tiền và tài sản do vi phạm, tiêu cực, tham nhũng và đẩy nhanh việc hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật. Phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và các cơ quan nội chính nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả thanh tra.

Về công tác phòng, chống tham nhũng, ngành Thanh tra đang khẩn trương triển khai thi hành những quy định mới về kiểm soát tài sản, thu nhập, kiểm soát xung đột lợi ích, phòng, chống tham nhũng khu vực ngoài nhà nước, thanh tra phát hiện, xử lý tham nhũng... Tập trung xử lý nghiêm, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ - Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận và biểu dương những nỗ lực và kết quả của toàn ngành Thanh tra. Thủ tướng đề nghị trong năm 2021, ngành Thanh tra các cấp tiếp tục làm tốt nhiệm vụ, trọng trách của ngành đáp lại sự tin tưởng của Chính phủ, nhân dân. Trong đó tập trung củng cố tổ chức bộ máy Thanh tra các cấp, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức toàn ngành đáp ứng nhiệm vụ thanh tra trong tình hình mới. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động, công tác của ngành. Tăng cường công tác thanh tra theo kế hoạch, thanh tra đột xuất, thanh tra chuyên ngành. Trong đó tập trung vào các ngành, lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, vi phạm. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, cảnh báo để ngăn ngừa sai phạm, vi phạm, đồng thời kiến nghị, tham mưu kịp thời cấp trên đối với công tác đấu tranh, xử lý vi phạm.

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.