Nông Nghiệp - Nông Dân - Nông Thôn
Đa dạng hóa mô hình kinh tế nông nghiệp
Để đáp ứng kịp thời nhu cầu của thị trường và thị hiếu người tiêu dùng, nhiều nông dân trong tỉnh đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng - vật nuôi, đồng thời ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ vào sản xuất. Từ đó, đã xuất hiện nhiều mô hình đạt hiệu quả kinh tế cao, góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững, xây dựng cuộc sống ấm no cho nông dân.
Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Văn Thiều (bìa trái) tham quan khu tập kết rau màu của Hợp tác xã 8/3.
Không ngừng đổi mới
Nếu như trước đây, ngành Nông nghiệp tỉnh chỉ xoay quanh con tôm, cây lúa, chăn nuôi nhỏ lẻ thì hiện nay, với sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành, địa phương, lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh không ngừng nỗ lực, bứt phá vượt qua nhiều trở lực, thách thức để trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Theo đó, đã xuất hiện nhiều mô hình mới phù hợp với điều kiện của địa phương, đáp ứng nhu cầu thị trường, góp phần giúp nông dân nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.
Điển hình như Hợp tác xã (HTX) rau sạch Đoàn Kết (xã Hiệp Thành, TP. Bạc Liêu). Từ một HTX bước đầu chỉ với vài hộ dân trồng rẫy liên kết với nhau để tiết kiệm chi phí phân, thuốc, nước tưới, chia sẻ kỹ thuật, đến nay, HTX không chỉ mở rộng diện tích canh tác, bao tiêu rau màu cho nông dân mà còn liên kết, đưa sản phẩm vào bày bán ở các siêu thị. Không dừng lại ở đó, để từng bước nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu và đổi mới trong khâu xử lý đầu vào, đầu ra, HTX cũng đã đầu tư hệ thống máy rửa rau màu bán tự động và có cả máy đóng gói theo từng trọng lượng đã được lập trình. “Nhờ được giúp sức từ các cấp chính quyền địa phương mà giờ đây HTX đã có thể đầu tư thêm máy móc, thiết bị, xây dựng được vùng trồng rau sạch với chứng nhận đầy đủ. Đây là “giấy thông hành” để các sản phẩm rau màu của HTX có thể liên kết với các đối tác lớn để cung ứng sản phẩm, qua đó giúp nâng cao thu nhập cho nông dân trồng rẫy cũng như các thành viên HTX”, ông Nguyễn Minh Đạo - Giám đốc HTX Đoàn Kết, cho biết.
Song song đó, còn có các mô hình trồng rau màu an toàn ứng dụng công nghệ cao trong nhà lưới, nhà màng với chất lượng tốt và được bao tiêu đầu ra thông qua hợp đồng với các công ty, doanh nghiệp, chợ, siêu thị trong tỉnh ở các địa phương như HTX trồng rau 8/3 ở xã Vĩnh Thanh; HTX Quyết Tiến với mô hình trồng bắp, dưa hấu của huyện Phước Long; HTX nuôi tôm công nghệ cao của huyện Đông Hải; HTX nuôi nghêu trên bãi bồi của HTX Đồng Tiến (huyện Hòa Bình)…
Bên cạnh đó, mô hình chuyển đổi có ứng dụng khoa học - kỹ thuật, quy trình canh tác tuân thủ quy chuẩn VietGAP, GlobalGAP, bảo đảm gắn kết với doanh nghiệp để đáp ứng nhu cầu thị trường cũng xuất hiện ngày càng nhiều. Đơn cử như nông dân Nguyễn Dự Em (ấp Mỹ I, xã Vĩnh Phú Đông, huyện Phước Long) với mô hình trồng xoài chất lượng cao cho thu nhập từ 70 - 80 triệu đồng/năm. Hay mô hình sản xuất nông nghiệp, kết hợp giữa chăn nuôi bò, chồn hương kết hợp với trồng cây ăn trái và rau màu của nhiều nông dân TX. Giá Rai cho thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm. Ngoài ra, nhiều nông dân đã đầu tư, mở rộng quy mô chăn nuôi theo hướng bán công nghiệp, tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn, bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái, liên kết sản xuất chăn nuôi gắn với phát triển thị trường tiêu thụ.
Mô hình lúa - tôm kết hợp ở huyện Phước Long. Ảnh: C.L
Hướng đến kinh tế nông nghiệp
Với việc đẩy mạnh sản xuất và phát triển những mô hình nông nghiệp hiệu quả đang trở thành động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển nông nghiệp nói riêng, kinh tế - xã hội nói chung. Từ đó, không chỉ tạo sự chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu sản xuất, đa dạng hóa chủng loại cây trồng - vật nuôi, đáp ứng nhu cầu thị trường mà còn khuyến khích nông dân đổi mới tư duy sản xuất, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ cao trong sản xuất, góp phần khai thác tốt nguồn lực đất đai, lao động, nguồn vốn, bảo vệ môi trường sinh thái, thực hành sản xuất an toàn, sản xuất sạch, sản xuất xanh và thúc đẩy phát triển nền nông nghiệp bền vững. Đặc biệt, để không ngừng đổi mới, thích ứng với tình hình biến đổi khí hậu và nhu cầu của thị trường, tỉnh đang dần định hướng chuyển đổi sản xuất nông nghiệp đơn thuần sang kinh tế nông nghiệp. Trong đó, không chỉ chú trọng nâng cao ngoài việc các mặt hàng nông sản, tỉnh còn đẩy mạnh liên kết, sản xuất theo đơn đặt hàng, theo quy trình, tiêu chuẩn bắt buộc, sản xuất xanh, gắn với bảo vệ môi trường.
Để thực hiện mục tiêu này, Bạc Liêu đã và đang triển khai nhiều giải pháp cụ thể như: thu hút doanh nghiệp vào đầu tư chuỗi chế biến, xây dựng vùng nguyên liệu, tập huấn, hướng dẫn nông dân biết, hiểu và vận dụng tốt các tiến bộ kỹ thuật cũng như sản xuất theo yêu cầu... Theo Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Văn Thiều: “Phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới là một trong những mục tiêu quan trọng của tỉnh. Trong đó, phát triển kinh tế nông nghiệp đang là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà tỉnh hướng tới để không chỉ tạo ra sản phẩm chất lượng mà còn phải đẹp về hình thức, mẫu mã để từ đó có thể mở ra cơ hội mở rộng thị trường không chỉ trong nước mà còn xuất khẩu ra quốc tế. Để làm được điều này, tỉnh đã tạo mọi điều kiện thuận lợi để thu hút, kêu gọi doanh nghiệp về đầu tư, sản xuất, chế biến chuyên sâu các mặt hàng nông sản. Từ đó, giúp nâng cao thu nhập, đời sống người dân cũng nhờ vậy khá giả, ổn định hơn”.
Chí Linh