Phát triển kinh tế nông nghiệp để có người nông dân chuyên nghiệp

Thứ Sáu, 26/05/2023 | 09:09

Bài 2: TRI THỨC HÓA NÔNG DÂN

>>Bài 1: TƯ DUY CŨ TRONG XU THẾ PHÁT TRIỂN MỚI

Cởi ra "chiếc áo cũ" lấm màu cực khổ, nền nông nghiệp Việt Nam đang hướng đến "chuyên nghiệp hóa". Muốn có nền nông nghiệp chuyên nghiệp thì phải có nông dân chuyên nghiệp, muốn có nông dân chuyên nghiệp thì phải tri thức hóa nông dân. Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT - Lê Minh Hoan, tri thức hoá nông dân là điều các quốc gia phát triển đã làm để biến người nông dân thành những doanh nhân, nhà khoa học, được trang bị kiến thức kinh tế thị trường, làm chủ được máy móc, công nghệ. Có tri thức, người nông dân trong quá trình sản xuất sẽ tự phát hiện vấn đề, phân tích và giải quyết vấn đề, biết và tự cân nhắc về rủi ro từ quyết định của mình. Có tri thức, người nông dân sẽ chủ động thích ứng với sự thay đổi, vượt qua những cú sốc do biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, biến động thị trường và biến chuyển xu thế tiêu dùng.

Trung tâm khuyến nông tỉnh hướng dẫn nông dân xã Vĩnh Bình sử dụng máy bay phun thuốc.

NÔNG DÂN MỚI TRONG THỜI ĐẠI MỚI

Nghe theo tiếng gọi của đồng đất quê hương và mang trong mình hoài bão thực hiện ước vọng làm giàu từ nông nghiệp của biết bao thế hệ cha ông, ngày càng có nhiều bạn trẻ sau khi ra trường thay vì bám trụ lại các tỉnh, thành phố lớn để làm việc lại tự nguyện vác ba lô về quê, ra đồng cày ruộng. Với kinh nghiệm học được từ giảng đường cộng với sự hỗ trợ, giúp sức từ gia đình, cộng đồng, những “nông dân mới” này đã từng bước đưa nông nghiệp Bạc Liêu tiếp cận và ứng dụng tốt các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào thực tiễn, góp phần mang lại những vụ mùa bội thu có lợi nhuận cao, đồng thời đóng góp cho phát triển kinh tế tập thể. Huỳnh Dương Ngọc Yến Nhi ở phường Nhà Mát (TP. Bạc Liêu) được mọi người biết đến từ thành công của mô hình trồng dưa lưới và làm ra các sản phẩm từ quả dưa; Nông Văn Thạch - Giám đốc HTX Nông nghiệp Ba Đình, một trong những HTX mà khoảng 2 năm trở lại đây được xem như hình mẫu trong việc hỗ trợ xã viên trong phát triển kinh tế trong vùng chuyển đổi của tỉnh... chính là những bạn trẻ như thế!

Anh Trương Thanh Tuyền - Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Quyết Tiến (huyện Phước Long) cũng là một nông dân kiểu mới! Không chỉ thành công trong lĩnh vực làm kinh tế, anh Tuyền còn là đại diện cho những con người giàu tư duy đổi mới, với lòng khát khao góp sức xây dựng quê hương từ những kế hoạch được ấp ủ. Mong muốn của anh Tuyền là định hướng, tạo điều kiện thuận lợi để bà con xã viên thay đổi tư duy làm nông nghiệp theo hướng cải tiến, hiện đại, phù hợp với nền sản xuất nông nghiệp trong thời đại 4.0. Sau khi thành lập, HTX Quyết Tiến đã cơ giới hóa toàn bộ các khâu sản xuất, ký kết với các công ty bao tiêu đầu ra sản phẩm. Thay đổi một nền sản xuất nông nghiệp thủ công truyền thống lâu đời sang một nền nông nghiệp cơ giới hóa, mục tiêu xa hơn nữa của anh Tuyền cùng bà con xã viên là hướng đến nền nông nghiệp hữu cơ, nông sản sạch và sản phẩm có thể xuất khẩu ra nước ngoài…

Mô hình trồng dưa lưới theo quy chuẩn an toàn sinh học của nông dân trẻ Yến Nhi. Ảnh: K.N - P.A

NÔNG NGHIỆP CÓ TRÁCH NHIỆM

Thời gian gần đây, trong sản xuất nông nghiệp thường nói đến cụm từ “sản xuất có trách nhiệm”, nghĩa là các thành viên tham gia trong chuỗi sản xuất làm việc có trách nhiệm với sản phẩm của mình, người tiêu dùng và môi trường. Sở dĩ cần phải sản xuất có trách nhiệm vì một sản phẩm nông nghiệp phải thông qua nhiều khâu, công đoạn từ giống đến môi trường sản xuất, chăm sóc, thu hoạch, sơ chế, chế biến, bảo quản, vận chuyển, tiêu thụ. Đây là một quy trình dài, liên đới đến nhiều ngành nghề, thành phần lao động khác nhau mà chỉ cần một mắt xích nhỏ trong chuỗi không làm tròn trách nhiệm của mình thì chất lượng sản phẩm cuối cùng sẽ bị ảnh hưởng, đặc biệt là vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm (ATTP).

Thực tế cho thấy, tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), phân bón cũng như hóa chất bảo quản trong sản xuất, chế biến thực phẩm có nguồn gốc nông nghiệp rất phổ biến khiến nhiều nông sản gặp khó về xuất khẩu do tình trạng tồn dư các hoạt chất thuốc BVTV. Trong khi đó, người tiêu dùng trong và ngoài nước ngày càng quan tâm đến chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm. Không chỉ vậy, các hóa chất từ phân bón, thuốc BVTV còn tồn tại trong đất, nước, không khí, môi trường sống của con người, tác động xấu đến sự phát triển bền vững.

Do đó, để phát triển nông nghiệp bền vững, tìm được đầu ra thì người sản xuất, kinh doanh phải có trách nhiệm với sản phẩm mình làm ra. Bởi, không thể đòi hỏi người tiêu dùng phải thông minh mà trước hết, người sản xuất, đại lý phân phối phải có lương tâm, trách nhiệm để góp phần tạo ra nông sản thực sự an toàn, vì lợi ích của mình, sức khỏe cộng đồng và môi trường sống bền vững. Với kinh nghiệm nhiều năm sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, ông Trịnh Văn Cường - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX Vĩnh Cường, cho biết: “Sản xuất nông nghiệp tập trung và ứng dụng công nghệ tiên tiến đem lại hiệu quả cao gấp nhiều lần so với canh tác truyền thống. Bởi nhu cầu sử dụng các sản phẩm sạch, sản phẩm hữu cơ ngày càng tăng cao, trong khi nguồn cung ứng chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Do vậy, việc liên kết, mở rộng diện tích sản xuất theo hướng hữu cơ là xu hướng tất yếu trong thời gian tới của HTX”.

Song, sản xuất có trách nhiệm không chỉ dừng lại ở việc làm ra sản phẩm nông sản sạch mà còn đòi hỏi người nông dân phải thay đổi tư duy sản xuất, nắm bắt đúng “gu” của thị trường để làm ra sản phẩm thị trường cần, thúc đẩy chuỗi tiêu thụ được thông suốt. Bởi, thực tế sản xuất nông nghiệp của người nông dân lâu nay là sản xuất cái mình muốn, chạy theo số đông mà không quan tâm nhiều đến cái thị trường cần. Do đó, mới nổi lên nhiều phong trào “trồng chặt” rồi lại “chặt trồng” để rồi mãi cứ loanh quanh trong vòng tròn không lối thoát - “được mùa, rớt giá”. Chưa kể chi phí “đầu vào” tăng cao, do vậy, xây dựng một nền nông nghiệp sinh thái - nông nghiệp trách nhiệm đã, đang được đặt ra như một đòi hỏi tất yếu, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái toàn cầu.

.................................................................................................................................................................................................................................

Bàn về sự cần thiết của việc tri thức hóa nông dân, xây dựng người nông dân chuyên nghiệp, ông Lê Đức Thịnh - Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) cho rằng: Phải đặt vấn đề tri thức hóa nông dân trong lúc này là bởi hiện chất lượng lao động nông nghiệp của chúng ta đang suy giảm.

Hiện nay lao động nông nghiệp còn 17,7 triệu người (chiếm khoảng 32,8% tổng lao động cả nước). Tỷ lệ này tiếp tục giảm trong giai đoạn tới, nhưng quan trọng là cùng với sự “khan hiếm” lao động thì chất lượng lao động cũng suy giảm do hiện tượng già hóa dân số và tình trạng đô thị hóa đã “hút” nguồn nhân lực trẻ, khỏe từ nông thôn ra thành thị, dẫn đến tình trạng lao động ở lại nông thôn chủ yếu là những người trên hoặc dưới độ tuổi lao động. Điều này làm sâu thêm những lỗ hổng về đội ngũ nhân lực ngành nông nghiệp ở khu vực nông thôn vốn hạn chế hơn.

KHÔI NGUYÊN - PHƯƠNG ANH

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.