Phát triển kinh tế nông nghiệp để có người nông dân chuyên nghiệp

Thứ Năm, 25/05/2023 | 11:05

Đồng bằng sông Cửu Long - vùng đất trù phú với những đồng lúa vàng trĩu hạt, những vườn cây trái xum xuê ghi dấu lịch sử hàng trăm năm đi khẩn hoang, mở đất của cha ông. Dẫu vậy, trải suốt mấy thế kỷ, nông dân trên vùng đất màu mỡ được bồi đắp bởi dòng Mê-kông này, vẫn loay hoay chinh phục khát vọng làm giàu trên chính mảnh vườn, thửa ruộng của mình. 

Chuyện từ bỏ phương thức cũ theo phương thức canh tác mới, bỏ kỹ thuật cũ để áp dụng kỹ thuật mới với nông dân vốn không dễ thay đổi trong sớm chiều. Thế nhưng, đó là điều bắt buộc phải làm! Bởi chỉ khi chuyển tư duy làm nông nghiệp thuần túy sang kinh tế nông nghiệp mới thật sự tạo ra cuộc cách mạng về nhân lực, hướng đến xây dựng người nông dân chuyên nghiệp, thông minh thay vì chỉ dựa vào kinh nghiệm.

Bài 1: TƯ DUY CŨ TRONG XU THẾ PHÁT TRIỂN MỚI

Tăng vụ, lạm dụng phân bón dường như đã trở thành “công thức” sản xuất mỗi khi nông dân bắt đầu mùa vụ. Dẫu có mang lại những vụ mùa vui nhưng tư duy này đang làm cho đất bạc màu, nguồn nước dần cạn kiệt vì bị khai thác quá sức. Điều xót xa hơn là nhiều nông dân bất chấp sử dụng thuốc tăng trọng, mặc kệ nông sản do chính tay mình làm ra trở thành thứ độc hại trôi nổi trên thị trường!

Thói quen "bội thu" trong tư duy của nông dân đã tạo “điểm nghẽn” cho ngành nông nghiệp trong xu thế phát triển mới - xu thế mà nhu cầu thị trường trọng chất hơn trọng lượng, sự phát triển bền vững của một nền nông nghiệp "xanh" được đặt lên hàng đầu.

Lạm dụng thuốc trong canh tác lúa còn diễn ra phổ biến trong sản xuất nông nghiệp hiện nay.

ĐẤT CŨNG CẦN NGHỈ NGƠI

Nhiều chuyên gia cho rằng, làm lúa 3 vụ/năm cần được khuyến khích loại bỏ dần trong xu thế ngành nông nghiệp cả nước đang mạnh mẽ tái cơ cấu theo hướng tăng chất lượng sản phẩm, giảm giá thành sản xuất. Cùng với đó, quá trình biến đổi khí hậu ngày càng khó lường, thị trường luôn luôn biến động buộc sản xuất nông nghiệp phải thuận thiên, canh tác gắn liền với bảo vệ tài nguyên.

Nhưng không phải ở bất kỳ nơi nào, nông dân cũng theo kịp lối tư duy mới này. Trong vụ thu đông năm 2022, ngành nông nghiệp các địa phương khuyến cáo người dân “phơi đồng” do có quá nhiều rủi ro tiềm ẩn như: ảnh hưởng của mưa bão, giá lúa đuối sức trước cuộc chạy đua với giá vật tư nông nghiệp, sâu bệnh sinh trưởng mạnh. Thế nhưng, tại một số xã vùng trũng trong tỉnh vẫn có hộ liều lĩnh xuống giống chứ không chấp nhận cho đồng đất nghỉ ngơi. Cuối vụ, năng suất lúa không thắng lớn nhưng nông dân phải “ôm” một loạt chi phí đầu vào, chi phí phát sinh khiến vụ thu đông năm 2022 tái diễn điệp khúc buồn.

Giữa cái nắng như đổ lửa của những ngày tháng Tư năm nay, người nuôi tôm vùng Nam Quốc lộ 1A của Bạc Liêu như ngồi trên đống lửa vì nước thừa độ mặn. Để ứng phó với sự khắc nghiệt này, nhiều hộ cố gắng khoan giếng, bơm nước ngầm để pha với nước biển nhằm làm loãng độ mặn và tiến hành thả giống. Những tưởng trong cái khó ló cái khôn nhưng thực chất đó lại là hành vi hủy hoại tài nguyên, bởi việc khai thác nước ngầm đang thật sự báo động trong sản xuất thủy sản vì gây cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước ngầm và làm sụp lún đất, các tuyến đê ven biển.

Hiểu được những nguy hại khi "vắt cạn sức" hay đầu độc đất đai, nhưng vì thu nhập, vì cuộc sống, người nông dân đã chọn những giải pháp cực đoan. Thậm chí, xu hướng sản xuất “rau 2 luống, lợn 2 chuồng” (nghĩa là trên cùng một mảnh vườn, luống rau sạch để nhà ăn còn luống rau bẩn thì để bán) lại đang hiện hữu trên ruộng vườn tại những xã nông thôn mới trong tỉnh.

Tại một xã được mệnh danh là “thủ phủ” của cây rau cần nước với hơn 50 ngàn ha, chúng tôi giật mình khi nghe câu chuyện trồng rau 2 luống của những nông dân vốn có bản chất thật thà, chân chất. Trong mảnh vườn khoảng 1 công đất, chúng tôi dễ dàng nhận ra sự khác thường giữa những luống rau xanh tốt và luống có phần cằn cỗi hơn. Hỏi thăm thì chủ vườn ngập ngừng cho hay do thời gian xuống giống trước, sau nên rau phát triển không đều. Tuy nhiên, điều đáng nói là những bó rau bán cho thương lái lại dài thượt, lá xanh mướt một cách lạ thường kia, trong khi phần rau có phần "xấu xí" được dành riêng cho gia đình! Điều này không khó hiểu, bởi tâm lý của nhiều nhà vườn đều muốn tăng trọng nông sản để thu về nhiều lợi nhuận còn việc rau sạch hay bẩn, ảnh hưởng thế nào tới nông nghiệp địa phương và sức khỏe người dân thì đã vượt qua sự quan tâm của họ!

Lúa của nông dân xã Vĩnh Bình (huyện Hòa Bình) nằm ghe nhưng thương lái thì lặn mất tâm hơi. Ảnh: C.L

MẤT CHỮ TÍN TRONG LIÊN KẾT

Trong dây chuyền sản xuất, nếu nông dân mong chi phí đầu tư thấp, giá thành và đầu ra ổn định thì doanh nghiệp lại cần nguồn nguyên liệu dồi dào, nông sản đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng. Xuất phát từ nhu cầu cộng lực, họ đã tìm đến nhau để hình thành mắc xích sản xuất - tiêu thụ trên cơ sở đảm bảo hài hòa lợi ích các bên.

Thế nhưng mắc xích đó dễ dàng bị đứt gãy do sự thiếu trách nhiệm mà lỗi không chỉ thuộc về một phía. Đã qua, không ít nông dân trong tỉnh “lật kèo” không bán nông sản cho doanh nghiệp vì giá thị trường cao hơn giá cam kết ban đầu hay việc không tuân thủ quy trình sản xuất sạch. Ngược lại, một số doanh nghiệp đã bội tín không thu mua nông sản, chèn ép giá nông dân khi thiếu vốn hay thị trường tiêu thụ gặp khó.

Cho đến giờ, khi nhắc đến chuyện các thương lái TP. Cần Thơ chạy mất dạng trong vụ lúa Đông xuân năm 2022, cánh “cò lúa” và nông dân xã Vĩnh Bình (huyện Hòa Bình) vẫn chưa hết bức xúc. Thời điểm đó, xã có hơn 200 tấn lúa được hợp đồng bao tiêu nhưng phải nằm chờ nhiều ngày khiến lúa ẩm mốc, nảy mầm. Nếu không có Hợp tác xã Vĩnh Cường đứng ra thu mua lúa thì bà con coi như mất trắng vụ mùa được đánh đổi bằng biết bao mồ hôi, nước mắt trên đồng. Sự việc ở Vĩnh Bình chỉ là một trong số nhiều vụ đổ bể hợp đồng, đánh mất chữ tín trong liên kết sản xuất giữa nhà nông và doanh nghiệp.

Nông nghiệp Bạc Liêu đang bước vào xu thế phát triển mới với nhiều cơ hội nhưng cũng đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Thay đổi một lối tư duy cũ, những cách làm cảm tính để phù hợp với thời đại 4.0 có lẽ cần thêm nhiều thời gian nữa!

.................................................................................................................................................................................................................................

Ông Trần Văn Na - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh: Khoảng 20 - 30% nông dân làm dụng thuốc bảo vệ thực vật

Hiện nay, tỉnh có khoảng 77.000ha sản xuất lúa 3 vụ, chủ yếu tập trung ở Hòa Bình, TX. Giá Rai và 1 phần của huyện Phước Long, huyện Vĩnh Lợi. Trên thực tế, nông dân những vùng làm 3 vụ lãi không cao bằng nơi sản xuất 2 vụ.

Đáng lo ngại hơn, mỗi năm có gần 1.000 tấn thuốc bảo vệ thực vật được các cửa hàng vật tư nông nghiệp nhập về Bạc Liêu. Dù chưa có thống kê chính xác lượng thuốc được nông dân sử dụng hàng năm, song có khoảng 20 - 30% nông dân lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật trong canh tác làm phát sinh dịch bệnh, cây lúa dễ đổ ngã, dinh dưỡng đất bị cạn kiệt dẫn đến giảm năng suất, gia tăng các chi phí đầu vào.

KHÔI NGUYÊN - PHƯƠNG ANH

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.