Nâng tầm tư duy “thuận thiên” để nông nghiệp phát triển bền vững

Thứ Sáu, 13/05/2022 | 16:02

Suốt hàng thế kỷ, trong hành trình xuôi về phương Nam, sông Mê-kông - một trong những con sông hùng vĩ - luôn cần mẫn chuyên chở phù sa về bồi lắng, định hình và tạo nên một Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) rộng lớn, trù phú. Từ vùng đất hoang hóa, sình lầy nhưng bằng ý chí và nghị lực, bản lĩnh của những người “mang gươm đi mở cõi” đã biến nơi đây trở thành vựa lúa, vựa trái cây, vựa tôm, cá lớn nhất nước. Tuy vậy, những năm gần đây, tình trạng cực đoan của biến đổi khí hậu (BĐKH) đã tác động không nhỏ đến sinh kế của hàng triệu người dân, buộc đồng bằng châu thổ Cửu Long phải chủ động “thuận thiên” để vững vàng trên đường phát triển.

Bài 2: Giải bài toán mặn - ngọt

>> Bài 1: Bài học từ những mùa hạn, mặn

Sau những đợt hạn, mặn kỷ lục, nhiều dự án thủy lợi lần lượt được thi công, đưa vào vận hành đã làm nức lòng nông dân vùng ĐBSCL. Sự có mặt của những công trình trị thủy đã giúp những đồng lúa, vuông tôm ở Bạc Liêu no nê con nước, sản xuất nông nghiệp dần chung sống hài hòa với biến đổi khí hậu và niềm vui cũng đã nối tiếp niềm vui với những vụ mùa bội thu.

Công trình cống Cái Lớn - Cái Bé giúp điều tiết nước cho gần 400.000ha đất sản xuất nông nghiệp vùng Bán đảo Cà Mau, trong đó có Bạc Liêu. Ảnh: H.T - C.L

NƯỚC VỀ, ĐỒNG RUỘNG REO VUI

Mùa khô năm 2022 đã đến, đỉnh điểm là vào tháng 3 và tháng 4, cái nắng như thiêu đốt lập tức bủa vây hàng chục ngàn héc-ta lúa đông xuân đang vào giai đoạn đẻ nhánh. Nông dân vùng Bắc Quốc lộ 1A bắt đầu lo sợ về cảnh thiếu nước ngọt, xâm nhập mặn như những mùa khô trước. Nhưng không, nước ngọt vẫn ào ạt đổ về các con kênh của vùng ngọt ổn định thuộc địa bàn các huyện Hồng Dân, Phước Long và TX. Giá Rai… để nuôi nấng cây lúa, hoa màu thêm tốt tươi. Còn từ biển Đông và biển Tây, con nước mặn xuôi theo dòng chảy rủ nhau về với các vùng chuyển đổi để bà con bắt đầu vụ tôm trên đất lúa.

Có được niềm vui này, phần nhiều là nhờ cống Âu thuyền Ninh Quới đã kịp thời điều tiết nước ngọt cho vùng trồng lúa, tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương nằm trong vùng chuyển đổi dẫn nước mặn vào vùng sản xuất lúa - tôm. Ông Nguyễn Kỳ Phong - cán bộ Trung tâm Quản lý khai thác công trình thủy lợi tỉnh Bạc Liêu, cho hay: “Kể từ khi đưa vào vận hành cuối tháng 1/2020, Âu thuyền Ninh Qưới đã phục vụ rất hiệu quả cho vùng chuyên sản xuất lúa, tạo ra “lá chắn” trước sự xâm nhập mặn vào nội đồng các tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng và Hậu Giang”.

Niềm vui nối tiếp niềm vui, đầu tháng 3/2022, cống Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn 1 chính thức vận hành. Công trình có tổng vốn đầu tư hơn 3.300 tỷ đồng - là dự án thủy lợi quy mô lớn nhất từ trước đến nay ở nước ta. Công trình tác động trực tiếp đến gần 400.000ha đất sản xuất nông nghiệp vùng Bán đảo Cà Mau, trong đó có Bạc Liêu. Ngoài ra, công trình này kết hợp với tuyến đê biển Tây tạo thành cụm công trình chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, phòng chống thiên tai, giảm ngập úng khi mặt đất hạ thấp (do lún sụt đất), giảm thiệt hại do thiên tai (hạn, mặn) vào mùa khô cho các mô hình sản xuất trong vùng.

Nông dân Trần Văn Ghi (xã Ninh Quới, huyện Hồng Dân) hồ hởi: “Sau Âu thuyền Ninh Quới thì cống Cái Lớn - Cái Bé đưa vào vận hành tiếp tục làm thỏa lòng mong ước của người dân. Giờ đây, người trồng lúa không còn canh cánh nỗi lo thiếu nước cho sản xuất hay sự đe dọa luôn rình rập của nước mặn trong mùa khô hạn. Nhờ có những dự án thủy lợi, vụ lúa năm nay ở vùng tam giác Tha-na-rộn (thuộc các xã Ninh Quới, Ninh Quới A, Ninh Hòa) trúng mùa, lại được giá”.

Vận hành cống Âu thuyền Ninh Quới để điều tiết nước trong mùa khô 2022.

ĐẦU TƯ THỦY LỢI - CẦN NHƯNG CHƯA ĐỦ

Nạo vét kênh mương, đầu tư các công trình thủy lợi là giải pháp cần thiết nhưng vẫn chưa đủ để sản xuất nông nghiệp Bạc Liêu có thể thích nghi, tiến tới chung sống với biến đổi khí hậu. Có thủy lợi, nông nghiệp vùng Bắc Quốc lộ 1A giải quyết được bài toán khát nước ngọt, xâm nhập mặn. Thế nhưng, thực trạng thiếu nước mặn cho nuôi tôm ở vùng chuyển đổi hoặc sản xuất lúa kém hiệu quả trong mùa khô vẫn tiếp diễn trong nhiều năm qua.

Giữa tháng 3/2022, sau khi thu hoạch lúa đông xuân cũng là thời điểm bắt đầu nuôi tôm vụ 1 ở vùng chuyển đổi của huyện Hồng Dân. Thế nhưng, một phần các xã: Lộc Ninh, Ninh Hòa, Vĩnh Lộc có độ mặn khá thấp, không đảm bảo việc thả giống. Tại nhiều tuyến kênh, cây lục bình, bông súng và ốc bươu vàng sinh sôi tốt. Thiếu nước mặn, nhiều bà con chỉ đành xả bỏ nước trong ruộng, phơi đáy; nhiều hộ khác thì bơm nước vào đồng để thả nuôi cá nước ngọt, nuôi tép trấu cho qua vụ.

Nông dân Lê Thị Phượng (xã Lộc Ninh) than thở: “Sau vụ lúa, chờ mãi không thấy nước mặn về, chúng tôi quyết định thả liều 50.000 con tôm giống. Khi đó, độ mặn đo được chỉ là 4‰, trong khi độ mặn phù hợp nhất phải là trên 8‰. Đã vậy, gặp thêm mấy trận mưa trái mùa làm cho độ ngọt tăng, độ mặn trong ao sụt giảm, có khi chỉ còn 2 - 3‰. Với độ mặn này, vụ tôm nuôi này xem như bể”.

Chủ tịch UBND huyện Hồng Dân - Nguyễn Văn Thới cho biết: “Ngay từ đầu năm, UBND huyện đã chủ động liên hệ với Ban Chỉ đạo điều tiết nước tỉnh đưa nước mặn về phục vụ vùng nuôi tôm. Tuy nhiên, nước ở đầu nguồn về nhiều, cộng với mưa trái mùa đã khiến một số xã của Hồng Dân thiếu nước mặn để thả tôm. Trong thời gian mưa trái mùa, độ mặn đo được tại các vuông tôm chỉ còn 1 - 2‰”.

Không chỉ thiếu nước mặn nuôi tôm, những cơn mưa trái mùa kèm giông lốc khiến người trồng lúa có một vụ mùa lao đao. Theo thống kê của ngành Nông nghiệp tỉnh, có hơn 1.000ha lúa đông xuân vụ mùa 2021 - 2022 bị đổ ngã, ngập sâu trong nước, thiệt hại từ 20 - 70%, nhiều nhất là ở 2 huyện Phước Long và Hồng Dân.

Qua những mùa hạn, mặn, thực tiễn sản xuất nông nghiệp càng chứng minh việc đầu tư hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng cho thủy lợi chưa giải quyết triệt để sự tác động, khắc nghiệt của quá trình biến đổi khí hậu đang và sẽ diễn biến không tuân theo quy luật tự nhiên. Vậy, đâu là giải pháp căn cơ để sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững trên nguyên tắc “thuận thiên”?!

CHÍ LINH - HỮU THỌ

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, ĐBSCL là vùng đặc thù có nhiều tiềm năng, cơ hội và lợi thế cạnh tranh, đóng góp quan trọng cho cả nước về sản lượng lúa, nuôi trồng thủy sản và các loại trái cây. Tuy nhiên, đây cũng là khu vực chịu tác động lớn nhất của biến đổi khí hậu. Vì vậy, phát triển nông nghiệp ở ĐBSCL phải gắn liền với phát triển thủy lợi, phải xem thủy lợi là trọng tâm để giải quyết các vấn đề còn tồn tại về nguồn nước.

Muốn được như vậy, phải xây dựng chiến lược đầu tư thủy lợi hợp lý với các giải pháp công trình và phi công trình một cách đồng bộ, hiệu quả. Cống Cái Lớn - Cái Bé là một trong những giải pháp như thế, là công trình của ý Đảng - lòng Dân, của trí tuệ và bản lĩnh của người Việt Nam trong điều kiện khó khăn để vươn lên phục vụ mục tiêu phát triển nhanh và bền vững vùng ĐBSCL.

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.