Nâng tầm tư duy “thuận thiên” để nông nghiệp phát triển bền vững

Thứ Tư, 11/05/2022 | 16:35

Suốt hàng thế kỷ, trong hành trình xuôi về phương Nam, sông Mê-kông - một trong những con sông hùng vĩ - luôn cần mẫn chuyên chở phù sa về bồi lắng, định hình và tạo nên một Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) rộng lớn, trù phú. Từ vùng đất hoang hóa, sình lầy nhưng bằng ý chí và nghị lực, bản lĩnh của những người “mang gươm đi mở cõi” đã biến nơi đây trở thành vựa lúa, vựa trái cây, vựa tôm, cá lớn nhất nước. Tuy vậy, những năm gần đây, tình trạng cực đoan của biến đổi khí hậu (BĐKH) đã tác động không nhỏ đến sinh kế của hàng triệu người dân, buộc đồng bằng châu thổ Cửu Long phải chủ động “thuận thiên” để vững vàng trên đường phát triển.

Bài 1: Bài học từ những mùa hạn, mặn

Nắng. Nắng bỏng rát đến cháy da. Cái nắng khiến cho nước bốc hơi nhanh để lại những dòng kênh trơ đáy, những cánh đồng nứt nẻ, cây lúa và rau màu khô héo vì khát nước… Có những ký ức như thế, về những mùa hạn, mặn khốc liệt, ám ảnh người nông dân mỗi khi nhớ lại.

Ruộng lúa khô hạn vì không có nước ở TX. Giá Rai trong mùa khô 2015 - 2016.

NỖI ÁM ẢNH MANG TÊN “HẠN, MẶN”

Trung tuần tháng 4/2022, con nước ngọt từ thượng nguồn vẫn êm ả đổ về các tuyến kênh nội đồng của tỉnh Bạc Liêu để tắm tưới cho hàng ngàn héc-ta lúa đông xuân đang bước vào giai đoạn làm đòng. Ngồi trong căn chòi cất tạm bên dòng kênh Vĩnh Phong để canh máy bơm nước, đưa mắt nhìn lơ đãng về những đám lục bình trôi vô định theo dòng nước, anh Trần Minh Trí (phường Láng Tròn, TX. Giá Rai) hồi tưởng: “Nhớ lại đợt hạn, mặn năm 2015 - 2016 mà tôi và biết bao người nông dân còn khiếp sợ. Ngày thì nắng như đổ lửa, đêm xuống nằm ngủ trong nhà mà còn cảm nhận được hơi nóng. Lúc đó, kênh Vĩnh Phong có nhiều bữa cạn trơ đáy, cá bơi qua mấy chỗ cạn có khi đưa tay ra là bắt được. Lúa trên ruộng thì khỏi phải nói, lá vàng hoe, thân khô đét, nhắm chừng có mồi lửa chắc cháy rụi từ đồng này sang đồng khác”.

Nói rồi, anh Trí với lấy cái nón tai bèo đang treo trên vách bước vội ra phía kênh để khởi động máy bơm cấp nước cho gần 1,5ha lúa của gia đình. Tiếng máy D6 nổ cành cạch như xé toạc không gian yên ắng của buổi trưa hè. Cách nay 6 năm về trước, cũng ngay trên khúc kênh Vĩnh Phong này, tiếng máy nổ cũng vang cả một góc trời, tất cả như đang cố gắng chắt mót từng giọt nước cuối cùng trên dòng kênh để cứu lấy những đồng lúa khô héo. Bí nước, nhiều hộ nằm xa trục kênh chính còn rủ nhau đắp các con đập tạm để bơm chuyền, dẫn nước nhập đồng… nhưng mọi nỗ lực đều vô vọng trước sự thiêu đốt của “lửa trời”. Vậy là người dân đành bất lực nhìn lúa, rau màu chết khô!

Không chỉ riêng con kênh Vĩnh Phong “thất thủ” mà nhiều trục kênh chính trong vùng ngọt ổn định ở các huyện: Phước Long, Vĩnh Lợi, Hòa Bình, Hồng Dân… khi ấy cũng phơi đáy. Nhìn những đồng lúa đang ngoắc ngoải, một số nông dân vì tiếc của nên cố vét sâu đáy kênh để mong mót chút nước “trụ sinh” cho đồng lúa. Nhưng rồi, bà con không còn cách nào khác, đành buông xuôi khi bản thân con kênh cũng không thể cứu nổi mình. Gần 14.000ha lúa bị mất trắng. Trong đó, lúa - tôm bị thiệt hại nhiều nhất với hơn 10.000ha, lúa đông xuân hơn 1.000ha, còn lại là lúa thu đông. Ước tính thiệt hại mà người nông dân gánh chịu của đợt hạn, mặn này là hơn 150 tỷ đồng.

Đứng nhìn những ruộng lúa chết dần chết mòn, nhiều lão nông không kìm nén được cảm xúc. Đi liền với bao giọt mồ hôi, những giọt nước mắt cũng đã rơi trên những cánh đồng khô hạn. Lão nông Trần Minh Ân (xã Ninh Quới A, huyện Hồng Dân) tâm sự: “Mấy tháng trời chăm sóc đồng lúa, cực đến mấy cũng không sợ, chỉ mong đến ngày thu hoạch, vậy mà nhìn lúa kiệt sức thì còn gì đau lòng hơn. Lúc ấy, ai cũng mong trời cho một trận mưa để lúa được cứu sống”.

Nạo vét tuyến kênh nội đồng để dẫn nước cứu lúa trong mùa khô 2019 - 2020 ở huyện Phước Long. Ảnh: C.L - H.T

“KHÁT” CÔNG TRÌNH THỦY LỢI

Nếu như đợt hạn, mặn năm 2015 - 2016 được xem là kỷ lục, 100 năm mới lặp lại thì trận hạn, mặn năm 2019 - 2020 đã phá vỡ mọi kỷ lục. Mùa khô năm 2019 - 2020, hạn hán và xâm nhập mặn bắt đầu xuất hiện từ giữa tháng 12/2019, sớm hơn gần 1 tháng so với mùa khô của năm 2015 - 2016 và sớm hơn 3 tháng so với trung bình các năm.

Theo các chuyên gia Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, so với đợt hạn hán và xâm nhập mặn năm 2015 - 2016 thì hạn, mặn năm 2019 - 2020 nghiêm trọng và gay gắt hơn nhiều. Nếu năm 2016, vào lúc đỉnh điểm nhất, vùng cách biển 25km vẫn có thể lấy được nước ngọt thì hạn, mặn năm 2019 - 2020, vùng lấy nước ngọt phải từ 40km trở vào. Phạm vi xâm nhập mặn trên các sông đã vào sâu hơn cùng kỳ năm 2016 từ 3 - 11km. Hạn, mặn đã gây thiệt hại tổng diện tích hơn 41.000ha lúa vùng ĐBSCL. Trong đó, rau màu và lúa - tôm vụ thu đông là 16.959ha, lúa vụ đông xuân 39.066 ha, riêng diện tích bị thiệt hại ngoài kế hoạch khuyến cáo xuống giống của Cục Trồng trọt và các tỉnh là 11.850ha.

Tại Bạc Liêu, từ tháng 12/2019 - 3/2020, trên địa bàn tỉnh hầu như không có cơn mưa trái mùa nào. Độ mặn càng tăng cao khi phải điều tiết nước mặn từ biển Đông vào tiểu vùng chuyển đổi sản xuất phía Bắc Quốc lộ 1A để phục vụ nuôi trồng thủy sản từ giữa tháng 1/2020. Ngoài ra, khu vực phía Bắc Quốc lộ 1A trong những tháng mùa khô còn chịu ảnh hưởng rất mạnh của các đợt triều cường do biển Tây đưa vào qua sông Cái Lớn (tỉnh Kiên Giang). Nước của trời ngày càng hiếm khi hai mùa mưa - nắng không còn diễn ra theo quy luật tự nhiên. Nước của biển vì thế tiến sâu vào nội đồng những khi mùa hạn đến.

Năm nào cũng vậy, hễ mùa mưa vừa kết thúc cũng là lúc cảnh báo xâm nhập mặn được phát đi liên tục. Thiếu ngọt, thừa mặn đã làm cho tình trạng xâm nhập mặn càng diễn ra gay gắt hơn, nhất là vào cuối tháng 2/2020, ranh mặn 4‰ từ phía sông Cái Lớn đã đi vào khu vực phía Bắc huyện Hồng Dân sớm hơn 1 tháng so với các năm trước. Vì vậy, độ mặn ở nhiều nơi đạt đến 20‰, vượt khả năng sinh tồn của con tôm và cây lúa. Thậm chí, tình trạng mặn vượt ngưỡng này còn kéo dài đến tháng 5/2020 làm cho nông dân nhiều nơi điêu đứng.

Cái nắng tháng 5/2020 dường như có thể thiêu đốt cả bầu trời, càng làm cho nỗi nhớ con nước ngọt của dòng Mê-kông thêm da diết, mãnh liệt. Hơn bao giờ hết, người dân vùng châu thổ Cửu Long nói chung và Bạc Liêu nói riêng rất khát - khát  đến vô cùng những công trình thủy lợi để giúp họ chống đỡ với hạn, mặn.

CHÍ LINH - HỮU THỌ

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.