Nâng tầm “lúa thơm, tôm sạch” vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Thứ Hai, 29/05/2023 | 15:26

>>> Bài 3:  Tái cơ cấu mô hình tăng trưởng

Bài cuối: Đẩy mạnh liên kết vùng

Mô hình sản xuất lúa - tôm tuy hội tụ nhiều yếu tố “thiên thời”, nhưng muốn khai thác, phát huy hiệu quả và nâng chất mô hình trở thành “hình mẫu” thì vẫn còn nhiều chuyện phải bàn, nhất là bài toán hạ tầng thủy lợi phải được đặt trong Quy hoạch tổng thể của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã được phê duyệt từ Quyết định 287.

Hệ thống thủy lợi cống Cái Lớn - Cái Bé góp phần giải quyết bài toán nguồn nước phục vụ cho sản xuất lúa - tôm của các tỉnh khu vực ĐBSCL.

KHAI THÔNG “MẠCH MÁU”

Với quan điểm xây dựng vùng ĐBSCL theo hướng phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, Quy hoạch tổng thể vùng ĐBSCL được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với mục tiêu phát triển vùng ĐBSCL đến năm 2030 “trở thành trung tâm nông nghiệp bền vững, năng động và hiệu quả cao của quốc gia, khu vực và trên thế giới trên cơ sở phát triển hệ thống trung tâm đầu mối về nông nghiệp” và đến năm 2050 “trở thành vùng có trình độ phát triển khá so với cả nước”.

Có thể nói, đây thật sự là những mục tiêu, tầm nhìn chiến lược và thể hiện khát vọng cháy bỏng của người dân đồng bằng. Song, để hiện thực hóa các mục tiêu này, cần một cuộc cách mạng về hạ tầng, nhất là hạ tầng thủy lợi phục vụ cho phát triển con tôm, cây lúa nói riêng và sản xuất nông nghiệp nói chung.

Phải khẳng định rằng, ĐBSCL tuy được ví như “vựa lúa”, “mỏ tôm” mang lại nhiều kim ngạch xuất khẩu cho quốc gia, nhưng hạ tầng thủy lợi của vùng lâu nay vẫn chưa được đầu tư, đáp ứng kịp nhu cầu phát triển sản xuất và không tạo ra khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH). Bởi hạ tầng thủy lợi luôn đi sau quá trình chuyển đổi cơ cấu sản xuất, thay vì phải tiên phong.

Chẳng hạn như tỉnh Bạc Liêu, hệ thống thủy lợi được quy hoạch trước năm 1997 chủ yếu phục vụ cho sản xuất lúa, nhưng từ khi chuyển dịch cơ cấu sản xuất sang làm 1 vụ lúa, 2 vụ tôm, hệ thống thủy lợi đã bộc lộ hàng loạt các khuyết điểm, yếu kém, do “cõng” trên lưng nhiều nhiệm vụ và gần như quá sức chịu đựng.

Từ hệ thống thủy lợi chỉ đảm nhiệm chức năng ngăn mặn, giữ ngọt và chống ngập úng, nay phải gánh thêm trách nhiệm cấp nước mặn, xả thải phục vụ cho nuôi tôm trên đất lúa trên cùng một công trình. Trong khi đó, nhu cầu cần cho mô hình sản xuất lúa - tôm là được đầu tư xây dựng một hệ thống cấp mặn riêng cho con tôm và một hệ thống điều tiết nước ngọt cho cây lúa.

Xuất phát từ yếu kém về hạ tầng thủy lợi đã dẫn đến chuyện tranh chấp mặn - ngọt giữa các tỉnh của khu vực ĐBSCL. Ông Ngô Nguyên Phong - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Bạc Liêu, cho biết: “Do gặp khó về hạ tầng thủy lợi nên việc điều tiết nước phục vụ cho sản xuất lúa - tôm gặp nhiều khó khăn. Như việc dẫn mặn cấp nước phục vụ cho hơn 7.000ha vùng chuyên sản xuất lúa - tôm của huyện Hồng Dân và huyện Phước Long lâu nay luôn gặp khó. Nếu dẫn mặn vào quá sâu sẽ làm ảnh hưởng đến vùng chuyên trồng lúa của tỉnh Hậu Giang, tỉnh Kiên Giang và làm cho 2 khu vực này bị nhiễm mặn gây chết lúa, hoặc khi điều tiết nước chống ngăn mặn ở các khu vực khác của vùng sản xuất phía Bắc Quốc lộ 1A cũng làm ảnh hưởng đến tỉnh Sóc Trăng và tỉnh Cà Mau”.

Để bảo vệ sản xuất của địa phương mình, nhiều tỉnh đã đầu tư xây dựng các hệ thống ngăn mặn, trữ ngọt, nhưng điều đó chỉ mang tính cục bộ. Nghĩa là công trình ấy chỉ bảo vệ được lợi ích của một tiểu vùng sản xuất của địa phương mình và làm ảnh hưởng đến lợi ích của các tỉnh khác. Theo phản ánh của nhiều hộ dân ở ấp Hoàng Quân 1, Hoàng Quân 2 (xã Hưng Thành, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu), từ khi khu vực giáp ranh tỉnh Sóc Trăng xây dựng cống Mỹ Thanh ngăn mặn thì việc lấy nước nuôi tôm của người dân gặp nhiều khó khăn. Nếu như trước đây vào tháng 2 đã có đủ nước mặn để nuôi tôm, thì bây giờ đến tháng 5 nước mặn mới về và vẫn thiếu.

Từ thực trạng tranh chấp mặn - ngọt trong điều kiện con tôm, cây lúa phải “sống chung” không thể tách rời, cần lắm sự liên kết của các tỉnh khu vực ĐBSCL trong việc điều tiết, chia sẻ và giải quyết hài hòa bài toán mặn - ngọt khi tài nguyên nước được xác định là “cốt lõi”.

Giải quyết tốt việc tranh chấp mặn - ngọt cũng là giải quyết vấn đề mang tính căn cơ khi nguồn nước được ví như “mạch máu” của sản xuất nông nghiệp và cần được “khai thông” cho cả đồng bằng một cách hợp lý, thay vì mạnh tỉnh nào nấy ngăn, mạnh tỉnh nào nấy chặn!?

Mặt khác, xét về tầm nhìn, việc “bắt tay” trong hoạch định chiến lược cho hệ thống thủy lợi còn góp phần giải quyết vấn đề mang tính trọng yếu của đồng bằng, chính là khai thác hạ tầng thủy lợi gắn với phát huy giá trị giao thông đường thủy trong điều kiện sông nước vốn là đặc thù của vùng ĐBSCL. Đồng thời, tạo nên sức mạnh tổng hợp trong ứng phó với BĐKH, cần sự chung tay, góp sức của cả đồng bằng.

Thực tiễn cho thấy, việc đầu tư cho những công trình mang cấp đồng bằng sẽ có tác động lan tỏa và giải quyết tốt các vấn đề mang tính cấp vùng. Điển hình việc đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi cống Cái Lớn - Cái Bé (tỉnh Kiên Giang - giai đoạn I), đã giải quyết được các vấn đề chung mang tính liên vùng của 6 tỉnh, thành phố khu vực Bán đảo Cà Mau. Riêng tỉnh Bạc Liêu, có hơn 63.290ha đất tự nhiên ở phía Bắc trục kênh Quản Lộ - Phụng Hiệp được hưởng lợi trực tiếp từ công trình. Công trình này đã giúp Bạc Liêu kiểm soát được sự xâm nhập mặn từ biển Tây (từ đầu tháng 3 âm lịch hằng năm) và tạo điều kiện cho Bạc Liêu chủ động điều tiết được nguồn nước mặn - ngọt phục vụ sản xuất (nhất là vụ lúa - tôm ở khu vực Bắc Hồng Dân). Đồng thời, tăng cường thêm nguồn nước ngọt sông Hậu về khu vực phía Bắc trục kênh Quản Lộ - Phụng Hiệp, Sóc Trăng và Hậu Giang (tạo thêm nguồn nước ngọt dồi dào để chuyển nước ngọt về vùng Nam Quốc lộ 1A của tỉnh Bạc Liêu phục vụ cho nuôi trồng thủy sản). Cũng như góp phần giải quyết tình trạng ngập úng, khô hạn do tác động của BĐKH ở vùng Bắc Quốc lộ 1A của tỉnh Bạc Liêu và mở rộng thêm khả năng tiêu úng vào mùa mưa về hướng biển Tây của tỉnh Kiên Giang…

Cần giữ diện tích sản xuất lúa - tôm cho phát triển bền vững. Ảnh: Nguyễn Trung Trịnh

TẠO ĐỘT PHÁ TỪ LIÊN KẾT

Thực tiễn cho thấy, mô hình sản xuất lúa - tôm gần như đã hội đủ 3 yếu tố: kinh tế, xã hội và môi trường - vốn được xác định là 3 “trụ cột” quan trọng cho phát triển bền vững và đã được cụ thể hóa trong Quyết định 287.

Thế nhưng, muốn phát huy được 3 yếu tố mang tính nền tảng này và tạo nên những đột phá mới cho con tôm, cây lúa cùng các mặt hàng nông - thủy sản khác của khu vực ĐBSCL, thì các địa phương phải thật sự thể hiện được vai trò, trách nhiệm và nghĩa vụ của mình trong liên kết vùng.

Vì trên thực tế, câu chuyện liên kết vùng gần 20 năm qua nặng về tính xả giao, hình thức và rất lỏng lẻo. Báo cáo tổng kết Nghị quyết 21 và Kết luận 28 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL vào năm 2022, Ban Kinh tế Trung ương đã chỉ ra rằng: “Tư duy nhiệm kỳ và lợi ích cục bộ của địa phương còn tồn tại. Năng lực của bộ máy một số nơi còn hạn chế, chưa quan tâm đến lợi ích vùng khi khai thác một số tiềm năng chung”.

Từ đánh giá thẳng thắn này cho thấy, các địa phương cần đẩy mạnh liên kết vùng một cách mạnh mẽ hơn nữa, nhất là 2 mặt hàng có “tiềm năng chung” là cây lúa và con tôm. Cũng như thông qua liên kết này, hoạch định các chính sách cho phát triển gắn với quy hoạch vùng sản xuất trọng điểm, thu hút đầu tư, nhằm khai thác, phát huy có hiệu quả thế mạnh của từng địa phương gắn với trung tâm đầu mối tổng hợp TP. Cần Thơ. Đồng thời, mở rộng phạm vi của vùng ĐBSCL với TP. Hồ Chí Minh, vùng Đông Nam Bộ, hướng đến mở rộng giao thương với các nước trong khu vực ASEAN, đặc biệt là các nước thuộc tiểu vùng Mê-kông.

Nông dân TX. Giá Rai (tỉnh Bạc Liêu) đắp đập ngăn mặn bảo vệ lúa trên đất tôm.

Sở dĩ quan tâm đến vấn đề quy hoạch, vì các địa phương của khu vực ĐBSCL hiện nay đang tập trung làm quy hoạch tổng thể và trong đó có liên quan đến việc giữ hoặc cắt giảm diện tích đất sản xuất nông nghiệp dành cho các dự án thu hút đầu tư. Do vậy, các địa phương cần quan tâm đến việc giữ gìn diện tích sản xuất này và xem đây như là một phần dành cho phát triển bền vững khi mô hình tôm - lúa đã hội đủ các yếu tố của tăng trưởng xanh và tạo ra khả năng ứng phó, thích nghi với BĐKH. Chưa dừng ở đó, việc làm này không chỉ góp phần duy trì an ninh lương thực, gìn giữ và phát huy 2 sản phẩm nông nghiệp chủ lực của đồng bằng, mà còn là mặt hàng đầu tiên của khu vực ĐBSCL trong việc bán tín chỉ thải khí CO2 vốn được xem là nhu cầu tất yếu trong hội nhập, cạnh tranh hàng hóa trên toàn cầu. Đặc biệt là góp phần cùng Chính phủ để Việt Nam hoàn thành cam kết với thế giới giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

LƯ DŨNG - KIÊN NHẪN

* TS. Trần Hữu Hiệp - chuyên gia kinh tế vùng ĐBSCL: Các tỉnh phải thật sự “bắt tay” với nhau một cách có trách nhiệm

Với thế mạnh kinh tế chủ lực là cây lúa và con tôm, ĐBSCL đã và đang đứng trước những khó khăn về phát triển bền vững và cần một mô hình sản xuất “thuận thiên” để thích nghi và hóa giải nguy cơ này. Trong đó, có mô hình sản xuất lúa - tôm vốn được coi là tiêu biểu.

Đáng phấn khởi là Quy hoạch tích hợp vùng ĐBSCL được xem là sản phẩm của việc “chuyển hướng chiến lược” trong tư duy phát triển vùng, từ “khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh” sang “thích ứng thuận thiên”, phục hồi và tăng cường “sức khỏe” cho đồng bằng, biến thách thức thành cơ hội.

Bản Quy hoạch không chỉ nhận diện “nguy cơ” mà còn xác định rõ “thời cơ” để vùng đồng bằng này chuyển đổi sang mô hình phát triển mới theo hướng tăng giá trị, phát huy các nguồn lực tự nhiên, con người, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Đồng thời, Quy hoạch đã thể hiện được 3 “trụ cột” phát triển bền vững của vùng bao gồm: kinh tế, xã hội và môi trường được xây dựng trên nền tảng văn hóa bản địa, lấy con người làm trung tâm, coi tài nguyên nước là cốt lõi, chuyển đổi mô hình sinh kế theo hướng chủ động thích ứng với BĐKH, nước biển dâng, các tác động ngoại cảnh, cũng như quản trị tốt các yếu tố nội vùng. Đồng thời, gắn với “bốn mới” được tích hợp từ “Tư duy mới - Tầm nhìn mới - Cơ hội mới - Giá trị mới”.

Song, để thực hiện tốt Quy hoạch này và khai thác, phát huy tốt các tiềm năng, lợi thế của đồng bằng, nhất là 2 mặt hàng chiến lược là thủy sản và lương thực, các tỉnh ĐBSCL phải thật sự “bắt tay” với nhau một cách có trách nhiệm thông qua đẩy mạnh liên kết vùng, vì mục tiêu phát triển bền vững. Bởi khu vực ĐBSCL không chỉ là vùng trọng điểm về kinh tế nông nghiệp, thủy sản, mà còn là “tâm điểm” thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế và có thể là hình mẫu phát triển trong việc nâng cao sức chống chịu, thích ứng, cũng như vươn lên mạnh mẽ của một đồng bằng trước những thách thức to lớn do BĐKH, nước biển dâng và tác động tiêu cực của vấn đề nước xuyên biên giới.

* Ông Nguyễn Phương Lam - Giám đốc VCCI Cần Thơ: Phát triển theo hướng cân bằng giữa 3 trụ cột: kinh tế - xã hội và môi trường

Để khai thác và phát huy tốt các tiềm năng, lợi thế của mình, các tỉnh ĐBSCL phải tập trung thực hiện tốt Quy hoạch tích hợp đã được ban hành. Bởi Quy hoạch tích hợp khẳng định lại những thay đổi quan trọng về quan điểm và định hướng phát triển của Nghị quyết 120 theo hướng “thuận thiên”. Trong đó, mặc dù coi tăng trưởng kinh tế là mục tiêu hàng đầu, song không chấp nhận tăng trưởng kinh tế bằng mọi giá mà trái lại là ưu tiên bảo vệ môi trường và sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên thông qua giảm số lượng, tăng giá trị trên nền tảng bền vững, trong đó có mô hình sản xuất lúa - tôm. Với thế mạnh kinh tế là sản xuất nông nghiệp, trong đó con tôm và cây lúa mang lại nhiều giá trị, giải quyết nhiều việc làm thì việc quan tâm đầu tư hạ tầng phục vụ cho phát triển sản xuất là rất quan trọng và tạo nên những “đòn bẩy” cho tăng trưởng.

Song, muốn làm tốt được giải pháp này thì các địa phương phải đẩy mạnh liên kết trong việc thực hiện tốt Quy hoạch tích hợp. Quy hoạch tích hợp nếu được các địa phương của ĐBSCL chung tay thực hiện một cách có trách nhiệm, hiệu quả sẽ tác động rất lớn đến sự chuyển đổi cơ cấu kinh tế và xã hội. Những hoạt động sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, manh mún sẽ được giảm thiểu và thay bằng các hoạt động chuyên môn hóa theo định hướng thị trường hóa, công nghiệp hóa và dịch vụ hóa nông nghiệp. Đa phần đất đai và các mô hình sản xuất nông nghiệp sẽ được chuyên nghiệp hóa và một bộ phận lớn nông dân sẽ trở thành công nhân có việc làm ổn định với các lưới an sinh xã hội tốt hơn. Quá trình phát triển sẽ theo hướng cân bằng hơn giữa 3 “trụ cột”: kinh tế - xã hội - môi trường.

Tuy nhiên, một trong những vấn đề đáng quan tâm hiện nay chính là trong thực hiện Quy hoạch gắn với thu hút đầu tư, các địa phương cần ưu tiên cho “tăng trưởng xanh” và phát triển bền vững từ các mô hình, dự án không chỉ mang lại giá trị gia tăng cao, mà còn hướng đến xây dựng “chỉ số hạnh phúc” cho cộng đồng.

L.D (thực hiện)

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.