Nâng tầm “lúa thơm, tôm sạch” vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Thứ Sáu, 26/05/2023 | 16:19

>>> Bài 2: Vì sao giá trị chưa được phát huy?

Bài 3:  Tái cơ cấu mô hình tăng trưởng

Để xây dựng, phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) hiện đại, sinh thái, văn minh, phát triển nhanh và bền vững, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 13 về phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng - an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, đề ra quan điểm chỉ đạo là đẩy mạnh cơ cấu kinh tế vùng theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và chọn phát triển nông nghiệp sinh thái là trọng tâm.

Nông dân cần giữ cây lúa trên đất tôm cho phát triển bền vững.

ƯU TIÊN “3 ĐỘT PHÁ”

Theo quan điểm chỉ đạo chiến lược và quan trọng này, mô hình sản xuất lúa - tôm gần như hội đủ cả 3 yếu tố là kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và nông nghiệp sinh thái.

Tuy nhiên, để mô hình sản xuất lúa - tôm giữ được 3 yếu tố cơ bản trên, gắn với mục tiêu của Nghị quyết 13 đề ra là “sản xuất hàng hóa lớn, chất lượng và mang lại giá trị gia tăng cao”, thì cần phải tái cơ cấu lại mô hình tăng trưởng và tập trung vào “3 đột phá”. Đó là tái cơ cấu sản xuất, tái cơ cấu ngành hàng và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Mô hình sản xuất lúa - tôm tuy được đánh giá là bền vững, chi phí đầu tư thấp, ít rủi ro, nhưng nếu không giải quyết được “3 đột phá” thì chắc chắn mô hình này sẽ tự đánh mất đi tất cả những giá trị vốn có.

Thứ nhất, phải tập trung tái cơ cấu sản xuất, vì hiện nay mô hình sản xuất lúa - tôm đã bộc lộ hàng loạt các yếu kém mang tính nội tại và kìm hãm sự phát triển của mô hình. Như đối với con tôm, đến nay phần lớn người nông dân không quan tâm đến chất lượng con giống mà chủ yếu mua con giống trôi nổi, kém chất lượng thả nuôi. Trong đó, chiếm phần lớn là con giống được bán tháo, bán chạy từ các trại tôm giống sau khi đã xét nghiệm và phát hiện bị nhiễm bệnh không thể bán cho các hộ nuôi tôm theo mô hình công nghiệp. Việc nông dân mua con giống trôi nổi kém chất lượng, không chỉ gây lãng phí tiền đầu tư, không kiểm soát được đầu con giống để đánh giá vụ nuôi đó trúng hay thất, mà còn làm mất thời gian nếu vụ nuôi ấy thất bại do tôm giống không chất lượng, có tỷ lệ hao hụt cao.

Thực tế cho thấy, một số nông dân đã nhận ra khiếm khuyết này và mạnh dạn chuyển hình thức canh tác truyền thống từ thả tôm giống trực tiếp xuống ruộng nuôi sang ương tôm giống lại và “vỗ lớn” trong hệ thống ao vèo trước khi thả nuôi. Ông Nguyễn Văn Dũng (xã Lộc Ninh, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu) có 4ha áp dụng mô hình lúa - tôm. Ông đã đào ao để vèo tôm giống từ 2 - 2,5 tháng trước khi đưa vào ruộng lúa. Nhờ vậy, ông kiểm soát được đầu con thả nuôi, do tôm giống nuôi trong ao vèo lớn tạo ra khả năng kháng bệnh, sinh trưởng cao và gần như tính toán được năng suất khi thu hoạch. Cùng với đó là đầu tư nâng cấp hệ thống mương bao, đắp cao hơn mặt ruộng trên 1m, nhằm mục đích giữ được nhiều nước và ứng phó với tình trạng khô hạn do thiếu nước hay độ mặn quá cao cần nguồn nước dự trữ để dung hòa làm giảm mặn. Với cách làm sáng tạo này, gia đình ông thu lãi trên 400 triệu đồng/năm và năm nào tôm nuôi cũng trúng mùa.

Mô hình sản xuất lúa - tôm còn một “nút thắt” nữa - chính là vấn đề nâng cao chất lượng cho cây lúa. Sản xuất lúa trên đất tôm tuy được canh tác theo hướng sạch, cho lúa thơm, gạo ngon, nhưng cũng cần một quy trình bài bản và căn cơ, do các phụ phẩm còn sót lại của cây lúa chính là nguồn thức ăn tự nhiên của con tôm. Điều đó đồng nghĩa với việc, nếu cây lúa sản xuất theo quy trình sạch, hữu cơ thì mới tạo ra nguồn thức ăn hữu cơ cung cấp cho con tôm và ngược lại.

Kỹ sư Lê Hữu Ân - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bạc Liêu, cho biết: “Muốn tạo ra sản phẩm lúa thơm, tôm sạch thì sản xuất lúa trên đất tôm phải xây dựng một quy trình sản xuất mới. Bởi hiện nay, cây lúa trồng trên đất tôm vẫn bị nhiễm bệnh và nông dân phải phun xịt thuốc bảo vệ thực vật nhiều lần để phòng trừ dịch hại. Như năm 2022, vùng sản xuất lúa - tôm của các huyện Hồng Dân và huyện Phước Long chiếm trên 90% diện tích bị bệnh đạo ôn, nông dân phun xịt nhiều loại thuốc, nhưng có nơi vẫn rơi vào cảnh thất mùa. Do vậy, việc nghiên cứu một quy trình, sản phẩm và bộ giống ít bị nhiễm bệnh cho sản xuất lúa sạch, hữu cơ là vấn đề cần được các nhà khoa học quan tâm nhiều hơn nữa”.

Một nhiệm vụ có tính chiến lược và góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu mang lại giá trị gia tăng cao cho sản phẩm hàng hóa chính là cần tập trung tái cơ cấu lại ngành hàng. Qua khảo sát, phần lớn các doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu hiện nay đều tập trung cho mặt hàng tôm sú đông block. Nghĩa là con tôm sú chỉ được sơ chế và cấp đông rồi xuất đi nước ngoài, thay vì được chế biến thành các mặt hàng giá trị gia tăng cao như: tôm hấp, tôm tẩm tỏi, tôm lăn bột, tôm sushi…

Xét ở góc độ nào đó, việc doanh nghiệp xuất khẩu không đầu tư chế biến, phát triển các mặt hàng giá trị gia tăng cao chính là nạn “bán rẻ tài nguyên”, mà bằng chứng cụ thể là nhiều nước nhập khẩu đã mua con tôm đông block của Việt Nam về chế biến thành các mặt hàng giá trị gia tăng cao, thức ăn nhanh và mang lại lợi nhuận tăng thêm từ 5 - 10 lần so với xuất con tôm nguyên liệu thô. Việc “chảy máu” tài nguyên này, thật sự rất lãng phí cho một nguồn nguyên liệu sinh thái rất chất lượng và phải mất nhiều thời gian nuôi so với nuôi con tôm sú theo hình thức công nghiệp.

Qua điều tra thực tế, nguyên nhân của bất cập này, ngoài doanh nghiệp xuất khẩu không có vốn đầu tư cho dây chuyền, công nghệ sản xuất mặt hàng giá trị gia tăng, thì “điểm nghẽn” chính là tác phong công nghiệp, trình độ tay nghề của đội ngũ công nhân.

Ông Lê Văn Mưa - Giám đốc HTX sản xuất lúa - tôm Trí Lực với sản phẩm gạo nổi tiếng Hoàng Yến. Ảnh: L.D

Ông Trần Tuấn Khanh - Giám đốc Công ty TNHH chế biến và xuất nhập khẩu Trang Khanh (TP. Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu), cho biết: “Chế biến mặt hàng giá trị gia tăng sẽ mang lại nhiều lợi nhuận và doanh nghiệp nào cũng muốn làm. Khổ nỗi, làm mặt hàng này sẽ đẩy doanh nghiệp vào cảnh rủi ro, thậm chí nợ nần, phá sản. Vì muốn sản xuất mặt hàng giá trị gia tăng cao thì công nhân phải có tay nghề và được đào tạo lại, do lâu nay họ chỉ làm sơ chế. Điều đáng nói là phần lớn lao động hiện nay đều không muốn tham gia học nghề và chỉ thích làm thời vụ hay công nhật. Nghĩa là vào mùa vụ, chỉ cần doanh nghiệp xuất khẩu nào cho giá lột tôm cao hơn vài chục ngàn đồng/ngày là họ bỏ công ty của mình ngay. Việc người lao động không gắn bó và chưa có tâm huyết, tác phong lao động nên các doanh nghiệp xuất khẩu muốn chế biến hàng giá trị gia tăng cao rất sợ, vì nếu ký hợp đồng với các đối tác nước ngoài mà đến thời hạn thanh toán đơn hàng không có lao động làm, không có hàng để giao thì doanh nghiệp chỉ có… chết”.

Từ đó cho thấy, việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng, có tay nghề cao gắn với xây dựng tác phong công nghiệp cho lao động trong ngành Chế biến thủy sản xuất khẩu phải được xem là giải pháp mang tính đột phá để nâng cao giá trị con tôm và khai thác, phát huy hiệu quả nguồn tài nguyên từ con tôm sinh thái.

YÊU TÔM NHƯNG ĐỪNG BỎ LÚA!

Có một vấn đề đáng cảnh báo trong phát triển mô hình lúa - tôm hiện nay chính là một số nông dân vì chạy theo lợi nhuận đơn thuần đã bất chấp sự phát triển bền vững trong tương lai. Đó là vào những năm giá tôm giữ ở mức cao hoặc giá lúa bị thấp, thì nông chỉ tập trung sản xuất 3 vụ tôm/năm, thay vì sản xuất 2 vụ tôm và 1 vụ lúa/năm. Do áp dụng mô hình 3 vụ tôm/năm nên đồng ruộng đã không tạo ra được lượng thức ăn tự nhiên từ cây lúa, nông dân phải mua rơm rạ từ các vùng chuyên lúa về làm thức ăn cho con tôm, hoặc bổ sung thức ăn công nghiệp. Trong khi đó, rơm rạ từ các vùng chuyên lúa có tỷ lệ nhiễm thuốc bảo vệ thực vật rất cao và cả việc sử dụng các loại thuốc kích thích tăng trưởng. Việc làm này của nông dân chẳng khác nào tự “đầu độc” cho cánh đồng sinh thái của mình chỉ vì chạy theo lợi nhuận trước mắt. Đó là chưa nói đến việc làm mang tính tự phát này còn gây ảnh hưởng đến lợi ích chung và đảo lộn lịch thời vụ khi các hộ khác trữ ngọt để trồng lúa, còn mình thì dẫn và trữ mặn để nuôi tôm?!

Để nâng cao chất lượng và phát huy giá trị của hạt lúa được sản xuất trên đất tôm thì một giải pháp mang tính căn cơ hiện nay chính là vận động các hộ sản xuất lúa - tôm tham gia hợp tác xã (HTX) và hướng đến thành lập Liên hiệp các HTX sản xuất lúa - tôm mang cấp đồng bằng.

Sở dĩ phải tập trung làm tốt giải pháp này vì HTX sẽ giải quyết được “3 cái khó” được ví như các “nút thắt” vốn kìm hãm tiềm năng, giá trị của mô hình sản xuất lúa - tôm, gồm: sản lượng, giá bán và thị trường.

Tôm sú đông block nguyên con xuất sang thị trường Trung Quốc được sơ chế tại tỉnh Bạc Liêu.

Do sản xuất lúa - tôm cho năng suất không cao nên sản xuất cần phải tập trung để tạo ra sản lượng lớn. Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản đã hợp đồng liên kết bao tiêu sản phẩm cho nông dân, nhưng các liên kết này nhanh chóng bị “bẻ gãy” và “chết non”. Bà Âu Ngọc Vững - Tổng Giám đốc Công ty Âu Vững (TX. Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu), phản ánh: “Doanh nghiệp không thể tốn nhiều chi phí để điều xe tải hàng chục tấn chỉ vì đợi thu mua vài trăm ký tôm của nông dân rồi về, mà doanh nghiệp cần là sản lượng lớn mới có thể đưa vào nhà máy chế biến”. Cũng xuất phát từ việc không tạo ra được sản lượng lớn này nên giá bán của tôm nguyên liệu bị lệ thuộc vào thương lái và bị chi phối cả thị trường tiêu thụ.

Vì lẽ đó, các hộ nông dân phải tích cực tham gia HTX theo hình thức tập trung ruộng đất để sản xuất ra hàng hóa lớn. Đây cũng chính là nền tảng mang tính bắt buộc trong xây dựng và hình thành nên “chuỗi giá trị” và “sản xuất khép kín” thông qua liên kết với các doanh nghiệp từ việc doanh nghiệp tham gia đầu tư vật tư đầu vào gắn với hợp đồng bao tiêu sản phẩm đầu ra cao hơn giá thị trường.

Song, muốn xây dựng và phát triển mạnh các HTX sản xuất lúa - tôm như thế, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và địa phương phải có chính sách đặc thù cho các HTX. Trong đó, cần đề cao tính cộng đồng, an sinh và bảo vệ môi trường cho phát triển bền vững, thay vì chỉ xem HTX như một doanh nghiệp.

Ông Lê Văn Mưa - Giám đốc HTX sản xuất lúa - tôm Trí Lực (huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau) đề xuất: “HTX tuy hoạt động như doanh nghiệp nhưng lại là một tổ chức đặc thù và mang tính xã hội rất cao. Phần lớn thành viên tham gia HTX đều là hộ nghèo, hoặc hộ khó khăn thì làm sao tạo được nguồn lực tài chính như các doanh nghiệp. Đến mùa vụ, bản thân tôi phải cầm “sổ đỏ” của gia đình để lo tiền sản xuất cho HTX, thậm chí sản phẩm gạo Hoàng Yến của HTX làm ra rất nổi tiếng và đạt sản phẩm OCOP 3 sao, nhưng muốn nâng lên 4 sao và tăng thêm sản lượng cũng không được do chưa được hỗ trợ mặt bằng để xây dựng kho đạt chuẩn theo quy định (HTX Trí Lực là HTX đầu tiên của tỉnh Cà Mau đạt chứng nhận quốc tế ASC và đây được xem là “giấy thông hành của con tôm, hạt gạo xuất khẩu sang các thị trường khó tính). Do vậy, đề xuất các bộ, ngành Trung ương và địa phương cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ mang tính đặc thù cho các HTX, nhất là ưu đãi về vốn, lãi suất cho vay, thuế và mặt bằng xây dựng kho bãi phục vụ cho chế biến, dự trữ và tập kết hàng hóa”.

LƯ DŨNG - KIÊN NHẪN

Dồn lực cho cây lúa, con tôm

Kiên Giang, Cà Mau và Bạc Liêu là 3 địa phương có diện tích sản xuất lúa - tôm cao nhất vùng ĐBSCL và các địa phương này đang dồn lực để nâng chất, phát huy giá trị cho mô hình sản xuất được đánh giá là độc đáo.

* Ông Trần Công Danh - Phó Giám đốc Sở NN&PTN Kiên Giang: Xây dựng Đề án hạ tầng logistic cho vùng sản xuất tôm - lúa

Với diện tích sản xuất lúa - tôm đứng đầu khu vực ĐBSCL, đến nay Kiên Giang đã xây dựng mô hình đạt các tiêu chuẩn như: Vietgap, GlobalGAP, hữu cơ, chứng nhận ASC và BAP.

Để phát huy thế mạnh từ mô hình này, Kiên Giang đã xây dựng Đề án hạ tầng logistic cho vùng sản xuất tôm - lúa và hứa hẹn tạo nên những đột phá mới. Đặc biệt, tỉnh đang tập trung tổ chức lại sản xuất gắn với phát triển ổn định mô hình tôm - lúa ở vùng U Minh Thượng và mở rộng phát triển ở khu vực phía Nam Quốc lộ 80. Phấn đấu xây dựng thành công “chuỗi giá trị tôm - lúa” Kiên Giang nói riêng và cho cả vùng ĐBSCL nói chung.

* Ông Phan Hoàng Vũ - Giám đốc Sở NN&PTNT Cà Mau: Tổ chức lại sản xuất theo hướng tập thể

Để nâng chất và phát huy giá trị của mô hình sản xuất lúa - tôm, Cà Mau sẽ tổ chức lại sản xuất theo hướng tập thể và thành lập các HTX, tổ hợp tác, câu lạc bộ, hội quán…

Việc nông dân tham gia HTX và liên kết sản xuất sẽ giúp ngành Nông nghiệp thực hiện tốt “3 tập trung” trong chỉ đạo sản xuất lâu nay. Đó là cải tạo tập trung, xuống giống tập trung và thu hoạch tập trung theo đúng lịch thời vụ, nhằm tạo ra sản lượng lớn.

Ngoài ra, việc làm này còn giúp ngành Nông nghiệp làm tốt công tác quản lý dịch bệnh và tạo thuận lợi trong quản lý, điều tiết nguồn nước phục vụ cho phát triển sản xuất.

* Ông Lưu Hoàng Ly - Giám đốc Sở NN&PTNT Bạc Liêu: Cải thiện và nâng cao năng suất cho con tôm

Một trong những hạn chế của mô hình sản xuất lúa - tôm chính là năng suất thấp nên giá trị kinh tế mang lại chưa cao. Vì vậy, Bạc Liêu đã và đang tích cực nghiên cứu ứng dụng khoa học - kỹ thuật mới vào sản xuất với mục tiêu cải thiện và nâng cao năng suất cho con tôm. Theo đó, phấn đấu đến năm 2025, năng suất tôm nuôi đạt 0,48 tấn/ha/năm và đến năm 2030 cho năng suất đạt 0,52 tấn/ha/năm.

 

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.