Nâng tầm “lúa thơm, tôm sạch” vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Thứ Tư, 24/05/2023 | 15:11

>>> Bài 1: “Lúa, tôm” - mô hình hội tụ nhiều lợi thế

Bài 2: Vì sao giá trị chưa được phát huy?

Thực tiễn đã chứng minh, mô hình sản xuất lúa - tôm không chỉ khẳng định được vai trò, tầm quan trọng trong ứng phó với biến đổi khí hậu, mà còn tạo ra sản phẩm sạch được nuôi trồng theo quy trình nông nghiệp sinh thái, phù hợp với xu thế hội nhập và phát triển bền vững. Thế nhưng, điều đáng tiếc là đến nay,  mô hình này vẫn chưa  phát huy được các giá trị vốn có, giàu sức cạnh tranh và trở thành sản phẩm đặc thù rất độc đáo của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và của Việt Nam.

Vận chuyển tôm nguyên liệu bằng đường thủy ở huyện Thới Bình (tỉnh Cà Mau).

GIÁ TRỊ BỊ ĐÁNH CẮP

So với mô hình nuôi tôm công nghiệp hay nuôi theo quy trình siêu thâm canh, mô hình sản xuất lúa - tôm được đánh giá là mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ và tạo ra sản phẩm sạch từ việc tận dụng nguồn thức ăn có sẵn từ tự nhiên. Bởi sau khi thu hoạch lúa, các phần dư thừa còn lại trong đồng ruộng trở thành nguồn thức ăn tự nhiên mà không cần phải sử dụng thức ăn công nghiệp để nuôi lớn con tôm.

TS. Nguyễn Công Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp hữu cơ, cho rằng: “Ưu điểm hữu cơ trong hệ sinh thái của mô hình lúa - tôm chính là tận dụng chất hữu cơ còn sót lại sau khi nuôi tôm để bổ sung dinh dưỡng cho cây lúa. Con tôm sẽ tận dụng được nguồn thức ăn tự nhiên từ việc phân hủy của rễ lúa và sinh vật phù du ở môi trường đất ngập nước giúp con tôm phát triển tốt. Đặc biệt, mô hình này tạo ra môi trường sinh thái cân bằng và điều kiện môi trường an toàn cho cây trồng, vật nuôi, nhất là hạn chế sâu bệnh cho cả cây lúa và con tôm, nhờ sự luân phiên (cây, con) để cắt nguồn dịch hại. Đồng thời, tăng độ phân giải và rửa trôi các yếu tố độc hại nhờ chế độ luân phiên của hệ sinh thái (nước mặn trao đổi với nước ngọt và sự hoạt động của rễ lúa cùng sự di chuyển của vật nuôi trong đồng ruộng). Ưu điểm hơn cả là mô hình này giúp giảm chi phí sản xuất bằng cách hạn chế sử dụng phân bón, do có chất hữu cơ phân hủy còn tồn lưu trong đất và hạn chế hoặc không sử dụng thuốc trừ sâu bằng cách cắt đứt nguồn sâu bệnh do luân canh. Cũng như, không cần làm cỏ hoặc làm rất ít nên không cần phun thuốc diệt cỏ (vì không có cỏ dại do sử dụng nước ngập nhiều tháng trong thời kỳ nuôi tôm trước khi trồng lúa, góp phần giảm ô nhiễm môi trường). Đây là điều kiện cơ bản để tạo ra thực phẩm ngon, bổ dưỡng và hữu cơ phục vụ đời sống, sức khỏe con người và tạo ra hàng hóa chất lượng cho xuất khẩu”.

Mô hình đã tạo ra sản phẩm sạch như thế, nhưng giá bán tôm nguyên liệu lại bị “cào bằng” so với con tôm sú nuôi theo quy trình công nghiệp. Trong khi đó, các nhà máy chế biến tôm xuất khẩu luôn xem con tôm sinh thái nuôi trên đất lúa là nguồn nguyên liệu có chất lượng tốt, giúp doanh nghiệp cắt giảm được chi phí đầu vào, nhất là chi phí xét nghiệm nhằm kiểm tra dư lượng kháng sinh trước khi đưa con tôm vào chế biến xuất khẩu. “Giá trị con tôm sú trên đất lúa lâu nay đã bị “đánh cắp” khi nhiều doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thu mua giá tôm sú nuôi trên đất lúa và nuôi công nghiệp là ngang bằng nhau. Trên thực tế, chất lượng con tôm sú trên đất lúa là hàng đầu và có thể chế biến thành nhiều mặt hàng giá trị gia tăng mang lại lợi nhuận kinh tế rất cao”, ông Nguyễn Mạnh Triều - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần công nghệ và đầu tư Cửu Long (tỉnh Bạc Liêu), khẳng định.

Sở dĩ giá trị con tôm sú dễ dàng bị “đánh cắp”, ngoài việc các doanh nghiệp xuất khẩu cố tình kìm giá, còn có việc các địa phương và nông dân chưa “có đất” để dụng võ! Đó là các địa phương và khu vực ĐBSCL chưa xây dựng được một sàn giao dịch “đúng nghĩa” dành riêng cho con tôm để giúp nông dân. Nếu có, chỉ là các trang điện tử của các doanh nghiệp xuất khẩu hay các hiệp hội nuôi tôm nhằm phục vụ cho lợi ích của họ, còn bản thân nông dân thì không thể đem sản phẩm ra đấu giá.

Thời gian qua, con tôm được xác định là mặt hàng chủ lực và mang lại nhiều kim ngạch xuất khẩu, nhưng cả ĐBSCL vẫn chưa xây dựng được một chợ trung tâm hay chợ đầu mối dành riêng cho con tôm và giúp nông dân tạo ra cái quyền tự định giá và đấu giá cho sản phẩm của mình. Đặc biệt, điều kiện tự nhiên của vùng ĐBSCL là sông ngòi chằng chịt nên ở những vùng chuyên canh tôm - lúa các phương tiện vận tải không vào được, phải vận chuyển bằng đường thủy thì việc định giá cho con tôm hoàn toàn phụ thuộc vào các lái tôm và chỉ cần lái tôm “bắt tay” với nhau thì nông dân chỉ biết… kêu trời!?

Nông dân Nguyễn Hoàng Đặng (xã Vĩnh Lộc, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu) nói: “Lâu nay, việc thu mua tôm của nông dân phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái và gần như nông dân chỉ có quyền tham khảo giá, còn quyết định giá lại là thương lái, do giao thông khó khăn quá, nếu không bán cho thương lái thì cũng không biết bán cho ai, ngay cả các hợp đồng bao tiêu thu mua tôm giữa hợp tác xã và doanh nghiệp cũng phải thông qua thương lái thu mua”!?

Tôm sú nuôi trên đất lúa cho chất lượng cao và được coi là sản phẩm đặc thù của vùng ĐBSCL và Việt Nam. Ảnh: L.D - Trọng Nguyễn

TÔM SẠCH BỊ LÀM BẨN!?

Có một vấn nạn rất bức xúc và kìm hãm giá trị của con tôm sạch được nuôi trên đất lúa chính là “tôm sạch” bị biến thành “tôm bẩn”, do gian lận thương mại của các cơ sở, doanh nghiệp sơ chế tôm nguyên liệu. Đó là nạn bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu để làm tăng trọng lượng của con tôm, nhằm mưu lợi bất chính, làm mất đi chất lượng vốn có của con tôm sinh thái được kết tinh từ mô hình sản xuất lúa - tôm.

Riêng trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu, từ năm 2020 đến nay, Thanh tra Sở NN&PTNT, Công an tỉnh, Đoàn kiểm tra liên ngành 389 tỉnh và các đoàn liên ngành của các huyện, thị xã, thành phố đã tiến hành kiểm tra và phát hiện 84 trường hợp vi phạm, với tổng số tiền phạt thu nộp ngân sách trên 3,9 tỷ đồng và tịch thu hơn 24.960kg tôm có chứa tạp chất. Song, số vụ bị phát hiện xử lý chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”, do thủ đoạn bơm chích tạp chất ngày càng tinh vi và người vi phạm sẵn sàng phi tang hàng hóa khi bị phát hiện, nhất là vận chuyển bằng đường thủy.

Xuất phát từ nguyên nhân cơ bản này nên “giá trị sạch” của con tôm sú nuôi trên đất lúa không được đề cao và tạo ra một hệ lụy mới - chính là nhiều nông dân ở vùng chuyên sản xuất lúa - tôm bắt đầu quay lưng lại với con tôm sú bằng việc nuôi con tôm thẻ chân trắng trên đất lúa. Những năm giá tôm nguyên liệu tăng cao, thì diện tích thả nuôi tôm thẻ cũng tăng theo. Cụ thể, vùng sản xuất lúa - tôm phía Bắc Quốc lộ 1A của tỉnh Bạc Liêu, việc thả nuôi tôm thẻ trên đất lúa - tôm từ con số khoảng 12.690ha, đến nay đã vượt lên hơn 26.300ha. Trong khi đây là vùng quy hoạch cấm nuôi con tôm thẻ chân trắng, vì yếu tố môi trường và dịch bệnh.

Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Bạc Liêu phát hiện và bắt giữ các đối tượng bơm chính tạp chất vào tôm nguyên liệu tại TX. Giá Rai.

Việc làm mang tính tự phát này, nếu không được ngành Nông nghiệp có ngay các giải pháp can thiệp hay khuyến cáo thì hệ sinh thái của mô hình lúa - tôm sẽ bị đánh mất và tạo ra hàng loạt các nguy cơ về ô nhiễm môi trường sản xuất. Bởi đặc điểm của nuôi tôm thẻ là phải nuôi với mật độ cao, phải bổ sung thức ăn công nghiệp và cả việc sử dụng các loại hóa chất, thuốc kháng sinh để phòng bệnh cho con tôm.

Thực tế, nông dân ĐBSCL đang bước vào một cuộc chơi quá phiêu lưu khi sản xuất theo kiểu “ăn xổi ở thì” cho một mô hình đã dày công xây dựng hơn 20 năm. So với các mô hình nuôi tôm công nghiệp khác, thì nuôi tôm sú trên đất lúa là mô hình đặc thù gần như chỉ có ở khu vực ĐBSCL và Việt Nam. Vì vậy, phải xem đây là lợi thế cạnh tranh và cần đầu tư khai thác, nâng chất theo chiều sâu.

LƯ DŨNG - KIÊN NHẪN

* TS. Lê Thanh Lựu - Giám đốc Trung tâm Hợp tác quốc tế nuôi trồng và khai thác thủy sản bền vững (ICAFIS): Để Việt Nam không tự đánh mất ngôi vị

Phải khẳng định rằng, con tôm sú là đối tượng bản địa ở Việt Nam, đặc biệt là sản phẩm đặc thù rất chất lượng được nuôi trên đất lúa.

Xuất phát từ chất lượng vượt trội của con tôm sú so với con tôm thẻ nên nhiều quốc gia trên thế giới đã bắt đầu quan tâm đến phát triển con tôm sú. Qua đó làm cho sản lượng tôm sú gia tăng đột biến, từ 382.000 tấn năm 2019, đến nay trên 546.000 tấn. Việc tăng đột biến này là nhờ các nước như: Trung Quốc, Thái Lan, Việt Nam, Ấn Độ, Bangladesh và Madagascar đã có đàn tôm bố mẹ được gia hóa có chất lượng tốt. Trong đó, Trung Quốc là nước có sản lượng tôm sú tăng nhanh và đạt 220.000 tấn năm 2022.

Nói thế để thấy rằng, phát triển con tôm sú chất lượng được sản xuất theo quy trình sạch phải được coi là mục tiêu mang tính chiến lược và lâu dài của Việt Nam. Bởi việc nuôi con tôm thẻ chân trắng càng ngày càng khó khăn, với các bệnh như: EMS, SHIV, EHP… đã rất phổ biến. Trong khi đó, tôm sú giống được gia hóa không bị các bệnh trên.

Mặt khác, xét về hệ thống canh tác bền vững để tạo ra sản phẩm tôm hữu cơ, sản phẩm tôm tự nhiên thì ưu thế thuộc về con tôm sú. Do vậy, việc nuôi con tôm thẻ trên hệ thống canh tác tôm - lúa có thể chỉ là giải pháp ngắn hạn với suy nghĩ rằng tôm thẻ chân trắng sẽ cho sản lượng cao hơn, nuôi ngắn ngày hơn. Nếu nhìn dài hạn, đặc biệt các nước Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ thì các quốc gia này đã quay lại với con tôm sú, thậm chí nuôi bán thâm canh và thâm canh.

Chính vì vậy, chúng ta cần có một cách nhìn rộng hơn, thấu đáo hơn đối với con tôm sú và đưa đối tượng này thành đối tượng chính cho các hệ canh tác quảng canh, tôm - lúa và cả tôm - rừng. Đây cũng là chiến lược để Việt Nam không tự đánh mất ngôi vị là nước đã có sản lượng tôm sú chất lượng cao nhất nhì trên thế giới.

* Ông Hà Văn Buôl - Chánh Thanh tra Sở NN&PTNT tỉnh Bạc Liêu: Đề nghị xử lý vi phạm tôm bơm tạp chất vào nhóm tội phạm về an toàn thực phẩm

Chính phủ, Bộ NN&PTNT và các ngành quan tâm chỉ đạo xử lý hành vi bơm chích tạp chất, gây mất vệ sinh an toàn thực phẩm nhưng đến nay vẫn không dập tắt được vấn nạn này. Trong đó, Bạc Liêu bị liệt kê vào danh sách một trong những tỉnh đứng đầu khu vực ĐBSCL về bơm chích tạp chất.

Để giải quyết có hiệu quả vấn nạn này, cùng với tăng cường công tác tuyên truyền, đề xuất và kiến nghị Bộ NN&PTNT sớm phối hợp với Bộ Công an xem xét, đề nghị bổ sung hoặc hướng dẫn áp dụng xử lý hành vi vi phạm về bơm tạp chất vào nhóm tội phạm về an toàn thực phẩm trong Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017, thay vì chỉ xử lý hành chính và tiêu hủy hàng hóa.

Cùng với đó, chỉ đạo Thanh tra Bộ NN&PTNT phối hợp thường xuyên với các địa phương kiểm tra các doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu. Đồng thời, kiên quyết dừng xuất khẩu các lô hàng tôm thành phẩm có chứa tạp chất.

Bên cạnh đó, có ý kiến với UBND các tỉnh vùng Nam sông Hậu và vùng ĐBSCL tăng cường công tác phối hợp cung cấp thông tin, phối hợp xử lý và tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra phòng chống bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu. Cũng như, có ý kiến chỉ đạo với Hiệp hội Chế biến thủy sản Việt Nam (VASEP), cùng với việc xử lý hành chính của cơ quan chức năng, thì Hiệp hội phải có giải pháp xử lý hội viên cố tình thu mua tôm nguyên liệu có chứa tạp chất.

Đối với UBND các tỉnh, cần chỉ đạo Thường trực Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, các sở, ban, ngành có liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố, tăng cường kiểm tra thường xuyên và đột xuất các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh tôm có dấu hiệu chứa tạp chất. Xem xét trách nhiệm của Chủ tịch UBND các cấp khi để xảy ra tình trạng bơm chích tạp chất trên địa bàn phụ trách. Chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức cho các hộ kinh doanh và doanh nghiệp sơ chế tôm ký cam kết không đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và huy động sức mạnh của hệ thống chính trị cùng tham gia đấu tranh, tố giác các hành vi gian lận làm ảnh hưởng đến chất lượng và thương hiệu của con tôm Việt Nam.

L.D  (thực hiện)

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.