Nâng tầm “lúa thơm, tôm sạch” vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Thứ Hai, 22/05/2023 | 15:42

LTS: Trong 10 năm trở lại đây, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) - vùng châu thổ vốn được thiên nhiên ưu đãi - đã không còn giàu có, hào phóng như thời khai hoang, mở cõi. Tài nguyên nước và lượng phù sa dồi dào từ thượng nguồn Mê-Kông đổ về bồi đắp và tắm mát cho đồng bằng bao đời, nay trở nên cạn kiệt. Nguồn nước ngọt ví như “sữa mẹ” tạo sinh kế và nuôi sống hàng triệu nông dân của đồng bằng ngày một ít đi, trong khi đó nắng nóng, khô hạn, xâm nhập mặn ngày càng nhiều và gay gắt hơn. Có nhiều tiểu vùng sản xuất bị đẩy vào cảnh “chết khát”, mùa màng thất trắng, nông dân tha hương cầu thực. Biến đổi khí hậu (BĐKH) và thay đổi của dòng chảy đã làm đảo lộn sinh kế của người dân đồng bằng, đẩy hàng triệu lao động nông thôn vào cảnh khốn khó.

ĐBSCL có còn tiếp tục giữ được vai trò “nồi cơm” của cả nước và thế giới khi xuất khẩu gạo chiếm đến 95% và thủy sản chiếm 65% sản lượng toàn quốc? Song, cái đáng trăn trở và cảnh báo hơn cả là “sức khỏe” của nền nông nghiệp đồng bằng đã vượt quá khả năng chống chịu trước sự gia tăng nhanh của BĐKH trong điều kiện lượng phù sa, nước ngọt từ thượng nguồn đổ về ngày một giảm sâu. Do vậy, cần lắm một mô hình sản xuất để hóa giải nguy cơ này và góp phần tái cơ cấu lại mô hình tăng trưởng theo hướng chủ động thích ứng, “sống chung” với BĐKH. Đồng thời, biến các thách thức, khó khăn trở thành cơ hội, tiềm năng cho phát triển bền vững.

Bài 1: “Lúa, tôm” - mô hình hội tụ nhiều lợi thế

Cách đây hơn 20 năm, chuyện người nông dân vùng ĐBSCL kéo nhau “dẫn mặn nhập điền” trở thành vấn đề thời sự nóng hổi làm đau đầu nhà quản lý từ Trung ương đến địa phương. Bởi việc làm ấy là trái với quy luật của tự nhiên, vì bao đời nay chỉ có chuyện làm thủy lợi cấp ngọt, hay đắp đập ngăn mặn chớ làm gì có chuyện dẫn mặn vào đồng làm cho những vùng chuyên lúa chỉ sau một đêm trở nên mặn chát, phải nhường chỗ cho con tôm. Vậy mà sau vài năm chuyển đổi sản xuất, bắt con tôm “kết duyên” cùng cây lúa, thu nhập của người nông dân tăng hơn cả chục lần so với độc canh cây lúa.

Mô hình sản xuất lúa - tôm kết hợp nuôi cá đồng và trồng bông súng cho thu nhập 150 triệu đồng/ha/năm ở huyện Hồng Dân (tỉnh Bạc Liêu).

TỪ MÔ HÌNH SẢN XUẤT “THUẬN THIÊN”…

Có thể nói, một trong những thành tựu quan trọng và mở ra cơ hội cho ĐBSCL là người nông dân đã khai sáng ra mô hình “lúa - tôm” mà các nhà khoa học sau gần 10 năm nghiên cứu, đúc kết mới khẳng định: Đây chính là mô hình sản xuất “thuận thiên”, góp phần hóa giải các thách thức do BĐKH gây ra, nhất là tăng khả năng chống chịu, ứng phó và thích nghi với hạn hán, xâm nhập mặn trong điều kiện lượng nguồn nước ngọt không còn dồi dào như xưa.

Mới đây, tại hội thảo phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường cho khu vực ĐBSCL do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại Cần Thơ tổ chức ở tỉnh Trà Vinh, TS. Đặng Hồng Hạnh qua công trình nghiên cứu thực trạng BĐKH ở khu vực ĐBSCL đã đưa ra những kịch bản cảnh báo và đề xuất các địa phương phải có ngay các giải pháp ứng phó với tình trạng thiếu nước ngọt, xâm nhập mặn và sinh kế của hàng triệu nông dân. Theo đó, nếu nước biển dâng thêm 20cm thì diện tích sản xuất nông nghiệp sẽ mất đi trên 30%, nếu tăng thêm 50cm thì diện tích mất đi trên 40% và nếu tăng thêm 80cm thì diện tích sẽ mất đi trên 50% (do ảnh hưởng trực tiếp từ xâm nhập mặn). Và nhiều công trình nghiên cứu khác, các nhà khoa học cũng đã khẳng định khu vực ĐBSCL phải đối đầu với hạn hán, xâm nhập mặn và nước biển dâng là tất yếu.

Xuất phát từ thực tiễn không thể né tránh này, việc phải “sống chung” với hạn mặn và xem nước mặn là “tài nguyên” chính là giải pháp chiến lược trong việc hoạch định chính sách vì một ĐBSCL phát triển thịnh vượng, bền vững. Đây cũng là lý do mà từ năm 2020 đến nay, mô hình sản xuất lúa - tôm không ngừng được đầu tư, mở rộng ở các tỉnh khu vực ĐBSCL. Sau Nghị quyết 09 của Chính phủ cho phép chuyển đổi sản xuất từ trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản (NTTS), diện tích NTTS ngay trong 5 năm đầu đã tăng hơn 310.800ha, chiếm trên 82% diện tích chuyển đổi sản xuất của cả nước. Trong đó, diện tích sản xuất lúa chuyển sang NTTS (tôm, cá) chiếm gần 300.000ha. Đặc biệt, diện tích sản xuất lúa - tôm tăng nhanh và chủ yếu tập trung ở các tỉnh ven biển. Như Bạc Liêu, diện tích sản xuất lúa - tôm khoảng 1.200ha năm 2020, đến nay đã vượt trên con số trên 41.000ha. Hay ở Cà Mau đến nay có 40.000ha, Sóc Trăng hơn 7.910ha, Bến Tre 5.260ha, Trà Vinh hơn 3.160ha, Kiên Giang hơn 110.000ha. Và diện tích này đang được các tỉnh ĐBSCL phát triển thêm, với dự kiến đến năm 2030 sẽ tăng hơn 250.000ha.

Sở dĩ mô hình lúa - tôm không ngừng được quan tâm mở rộng, vì con tôm đã giúp nhiều nông dân đổi đời, làm thay đổi diện mạo cả vùng nông thôn, biến những nơi quanh năm phải đối mặt với nghèo khó, nhọc nhằn trở thành những vùng quê đáng sống với những xóm, ấp tỷ phú ngày một nhiều thêm.

Nông dân Trần Văn Huấn (xã Vĩnh Lộc A, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu) nhớ lại: “Trước chuyển đổi sản xuất, nhiều nơi của huyện Hồng Dân được gọi là “đồng chó ngáp”, vì đất bị nhiễm phèn mặn, cỏ năn um tùm và đời sống của người nông dân rất cực khổ. Mỗi năm, người dân chỉ trồng được một vụ lúa mùa với năng suất thấp và chủ yếu dựa vào nguồn nước mưa. Thế nhưng, từ khi áp dụng mô hình sản xuất lúa - tôm đã giúp nông dân đổi đời, từ thu nhập chỉ khoảng 20 triệu đồng/ha/năm cho chuyên lúa, nay đã vượt trên con số hơn 120 triệu đồng/ha/năm. Phải khẳng định rằng, con tôm đã giúp nông dân thoát nghèo, xây nhà tường và tạo điều kiện cho con cháu được ăn học đàng hoàng”.

Không chỉ giúp xóa nghèo, mà nhiều nông dân ở khu vực ĐBSCL đã làm giàu nhờ vào con tôm. Tiêu biểu là hộ ông Nguyễn Hoàng Phi (thị trấn Thứ Mười Một, huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang), với mỗi năm thu nhập gần 400 triệu đồng nhờ vào sản xuất kết hợp đa con trên mô hình lúa - tôm. Đó là ngoài nuôi con tôm sú chủ lực, ông còn nuôi xen canh và luân canh con tôm càng xanh, cua biển, cá đồng…

Với quy trình sản xuất bắt đầu cải tạo, thả giống từ tháng 2 đến tháng 3 và kết thúc mùa vụ vào tháng 7, trung bình nuôi 2 vụ tôm/năm, năng suất đạt từ 250 - 350kg/năm và cho lợi nhuận bình quân của mô hình đạt trên 50 triệu đồng/ha/năm. Cùng với thu lợi trực tiếp từ cây lúa và con tôm, mô hình còn được gắn với nhiều loại thủy sản khác thông qua sản xuất kết hợp như: tôm càng canh, cua, cá đồng, trồng bông súng, rau sạch làm tăng thêm thu nhập cho mô hình từ 30 - 35 triệu đồng/ha/năm.

Nông dân huyện An Minh (tỉnh Kiên Giang) trúng mùa tôm càng xanh trên đất lúa. Ảnh: Thanh Cường - Quốc Trinh

… ĐẾN MANG TẦM QUỐC TẾ

Đối với người nông dân vùng ĐBSCL, lúa - tôm không đơn giản là mô hình “thuận thiên”, mà còn là mô hình sản xuất “thông minh” khi góp phần giải quyết hàng loạt các vấn đề xã hội, môi trường liên quan trực tiếp đến phát triển bền vững. Một trong những vấn đề mang tính toàn cầu ấy là làm giảm sự tác động xấu đến môi trường do chính quá trình sản xuất tạo ra.

Khu vực ĐBSCL được xác định là vựa lúa của cả nước và đưa Việt Nam đứng vào tốp đầu về xuất khẩu gạo trên thế giới, nhưng sản xuất nông nghiệp - thế mạnh của vùng cũng là lĩnh vực có lượng phát thải khí nhà kính lớn. Theo nghiên cứu của Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT): Sản xuất nông nghiệp mỗi năm phát thải trên 88 triệu tấn CO2e, trong đó 75% tổng khí thải là CH4 được thải ra từ sản xuất lúa. Đó là chưa nói đến việc, sau mỗi vụ mùa nông dân nhiều nơi có tập quán đốt đồng tạo ra lượng phát thải CO2, N20 rất lớn và tác động tiêu cực đến môi trường. Đây là một trong những nguyên nhân gây ra hiệu ứng nhà kính và làm cho Trái đất nóng lên. Vì vậy, việc chuyển đổi sản xuất từ chuyên canh cây lúa 3 vụ/năm sang làm 2 vụ tôm và 1 vụ lúa sẽ góp phần cắt giảm lượng phát thải.

Qua công bố công trình nghiên cứu phát thải khí nhà kính trong sản xuất lúa - tôm khu vực ĐBSCL tại tỉnh Bạc Liêu, PGS-TS Mai Văn Trịnh - Viện trưởng Viện Môi trường nông nghiệp Việt Nam, cho biết: “Qua so sánh sản xuất chuyên canh cây lúa với mô hình lúa - tôm, phát thải CO2 từ ao tôm chỉ chiếm khoảng 4.585kg, nhưng đối với sản xuất 2 vụ lúa phát thải CO2 từ ruộng trên 12.160kg”.

Không chỉ thế, lúa - tôm là mô hình sản xuất sạch nên hạn chế việc lạm dụng các loại hóa chất cấm, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón được đổ trực tiếp vào đồng ruộng với số lượng hàng trăm ngàn tấn/năm, vốn được xem là nguyên nhân gây ra ô nhiễm môi trường nước, đất và không khí, cùng lượng rác thải khó phân hủy từ các chai, lọ, bao bì nhựa đựng vật tư nông nghiệp được chôn lấp trực tiếp vào môi trường.

Với những lợi ích thiết thực mang lại, trong nhiều năm qua, các tổ chức quốc tế đã chọn mô hình lúa - tôm để đầu tư, khuyến khích nhân rộng trong cộng đồng nhằm hướng đến mục tiêu xanh hóa sản xuất, tiêu dùng và cộng đồng trách nhiệm trong bảo vệ môi trường và cả an sinh. Điển hình như Dự án Đánh giá tính bền vững của các hệ thống canh tác lúa - tôm vùng ĐBSCL của Chính phủ Úc; Dự án Đầu tư sản xuất lúa - tôm có trách nhiệm tại vùng ĐBSCL, nhằm tăng khả tăng thích ứng với BĐKH của Quỹ Khí hậu và phát triển Hà Lan (DFCD); Dự án Mở rộng phát triển các mô hình canh tác lúa - tôm nhằm quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả và bền vững vùng đất phèn mặn ở tỉnh Bạc Liêu do Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF); Dự án Tăng cường bình đẳng giới trong chuỗi giá trị tôm và đầu tư kinh doanh nông nghiệp tại Việt Nam và Đông Nam Á - GRAISEA 2 do Trung tâm Bảo tồn sinh vật biển và phát triển cộng đồng (MCD) thực hiện tại Cà Mau với sự hỗ trợ của OXFAM…

Sở dĩ các tổ chức quốc tế quan tâm đầu tư, khuyến khích nhân rộng mô hình sản xuất lúa - tôm, vì ngoài yếu tố bảo vệ môi trường, giảm lượng khí thải nhà kính, mô hình này còn góp phần tạo ra sinh kế cho hàng ngàn lao động nông thôn, nhất là lao động nữ thông qua các dịch vụ ăn theo mô hình. Bà Trương Thanh Xuân - Chủ tịch Hội LHPN huyện Phước Long (tỉnh Bạc Liêu) cho biết: “Cái hay và độc đáo của mô hình sản xuất lúa - tôm là ngoài tạo ra thu nhập chính từ cây lúa, con tôm, nhiều nơi chị em phụ nữ còn tổ chức trồng rau sạch, bí rợ, bắp trên các bờ liếp vuông tôm. Việc làm này không chỉ phủ xanh đồng tôm, hạn chế sạt lở, chống thoái hóa đất, mà còn tạo thêm việc làm, thu nhập cho chị em, góp phần quan trọng vào công tác giảm nghèo và tận dụng, khai thác tốt tài nguyên đất”.

Hay Dự án GRAISEA 2 khi được triển khai ở Hợp tác xã sản xuất lúa - tôm Trí Lực (huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau) đã góp phần giải quyết việc làm cho gần 100 lao động nữ. Đó là việc phụ nữ tham gia cải tạo, thu hoạch và đóng gói bao bì sản phẩm OCOP từ mô hình lúa - tôm…

Qua đó cho thấy, mô hình sản xuất lúa - tôm không chỉ rất “thông minh” trong ứng phó với BĐKH, mà còn giải quyết các vấn đề xã hội vốn trở thành nỗi nhức nhối của khu vực ĐBSCL. Trong báo cáo kinh tế thường niên được VCCI Cần Thơ công bố hằng năm, điều khiến nhiều nhà quản lý không khỏi xót xa, chạnh lòng là tình trạng ly hương của người dân ĐBSCL lên TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam Bộ xếp vào nhóm cao nhất so với cả nước với khoảng 150.000 người. Trong khi đó, ĐBSCL được xem là vùng đất trời phú giàu tài nguyên, nhưng người dân lại bị đẩy vào cảnh ly hương. Như tỉnh Bạc Liêu, trong tổng số trên 19.710 lao động được giải quyết việc làm trong năm 2022 thì có hơn 15.610 lao động phải xa xứ mưu sinh và chiếm gần 60% là lao động nữ. Điều này cũng đồng nghĩa với việc nhiều lao động nữ đã bị tước đi quyền làm vợ, làm mẹ và chôn vùi tuổi thanh xuân của mình trong các khu công nghiệp mà nguyên nhân chính là không tạo được sinh kế tại quê nhà.

Mô hình lúa - tôm tuy hội tụ nhiều lợi thế, nhưng tiềm năng, thế mạnh này vẫn chưa được phát huy và cần lắm một cuộc cách mạng cho mô hình độc đáo, thông minh này.

LƯ DŨNG - KIÊN NHẪN

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.