Nhịp sống đô thị
TP. Bạc Liêu: Bao giờ mới hết nạn phá hại cây xanh?
Việc phát triển và bảo vệ cây xanh có tầm quan trọng đặc biệt đối với TP. Bạc Liêu. Nó không chỉ góp phần làm tăng mỹ quan đô thị, mà còn là một trong những tiêu chí bắt buộc để TP. Bạc Liêu được công nhận là đô thị loại II vào cuối năm 2013. Tuy nhiên đến nay, tiêu chí này vẫn chưa đạt được và rất cần sự chung tay góp sức của nhiều người.
Bỗng dưng “chết yểu”
Một thực trạng khiến nhiều người bức xúc là tình trạng cây xanh trên nhiều tuyến đường ở TP. Bạc Liêu lại thay nhau chết khô. Điều đáng nói là hầu hết những cây xanh trước khi chết đều đã được báo tử! Ngành quản lý biết, địa phương biết, nhưng vẫn không sao cứu được. Nghĩa là khi thấy cây xanh làm ảnh hưởng diện tích nhà mình là chủ nhà đề nghị Trung tâm Dịch vụ đô thị (DVĐT) tỉnh phải di dời, hoặc đốn hạ. Nếu không thì chỉ vài tuần, một tháng là cây xanh héo dần và chết!?
![]() |
Công nhân làm vệ sinh và bảo dưỡng cây xanh ở dải phân cách trên tuyến đường Hòa Bình (phường 3, TP. Bạc Liêu). Ảnh: L.D |
Cây xanh chết - ngoài việc thiếu ý thức của một số hộ dân, còn có việc thiếu trách nhiệm của những người thi công công trình. Đơn cử như khi thi công tuyến kè sông Bạc Liêu, do đơn vị thi công không kết hợp với Trung tâm DVĐT tỉnh di dời cây xanh đúng kỹ thuật, đã làm cho hàng chục cây xanh phải chết! Đó là chưa kể đến chuyện người dân lấn chiếm diện tích bằng việc đặt bàn ghế, dù che vào các bồn hoa. Thậm chí, bồn hoa và các dải phân cách trồng hoa lá màu cũng trở thành thùng rác công cộng. Như tuyến hoa lá màu ở đường Hòa Bình (thuộc khu vực phường 3) và đường Trần Huỳnh (phường 7) bị nhiều hộ mua bán đổ vào các thứ xà bần, rác thải!...
Địa phương bó tay!?
Việc giữ gìn và phát triển cây xanh đã được cụ thể hóa từ Nghị quyết số 01 của Tỉnh ủy về xây dựng thị xã Bạc Liêu trở thành đô thị xanh - sạch - đẹp. Trong đó, vai trò, trách nhiệm của địa phương là rất quan trọng. Song, công tác này vẫn chưa được các địa phương quan tâm đúng mức, từ đó, việc chặt phá cây xanh vẫn xảy ra. Ngay cả cây xanh trồng ở những khu vực gần cơ quan Nhà nước vẫn bị phá hại, như cây xanh ở khu vực công viên Lê Thị Riêng (đối diện trụ sở Công an, UBND phường 8), rồi cây xanh ở tuyến đường Nguyễn Tất Thành, Lê Duẩn (phường 1)…
Bà Trần Thị Thúy Phượng, Phó Giám đốc Trung tâm DVĐT tỉnh, cho rằng: “Các địa phương chưa thể hiện hết trách nhiệm của mình. Việc quản lý và chăm sóc cây xanh dường như giao khoán cho Trung tâm DVĐT tỉnh. Nếu các địa phương làm tốt công tác này thì sẽ giảm chi phí và công sức trong quản lý, phát triển cây xanh”. Thật vậy, chỉ tính riêng tiền đầu tư cho việc trồng dặm, thay những cây xanh chết hàng năm cũng tiêu tốn khoảng 800 triệu đồng.
Đã đến lúc ngành quản lý và các địa phương trên địa bàn thành phố phải có giải pháp mạnh tay để xử lý nghiêm nạn phá hại cây xanh. Trong đó, có việc nêu tên và hành vi những tổ chức, cá nhân phá hại cây xanh trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Mỗi năm, TP. Bạc Liêu đầu tư gần 1 tỷ đồng cho việc chăm sóc và bảo dưỡng cây xanh. Năm 2013, thành phố lại tiếp tục đầu tư khoảng 15 tỷ đồng để trồng thêm cây xanh chuẩn bị cho Festival Đờn ca tài tử và để đạt tiêu chí về cây xanh cho đô thị loại II. Do vậy, việc nâng cao ý thức, trách nhiệm trong giữ gìn, phát triển cây xanh cần được người dân và địa phương quan tâm nhiều hơn nữa.
Lâm Hỷ
- Vi phạm quy định về quản lý tài sản Nhà nước, 3 bị can đã và đang làm việc tại Công ty Xổ số kiến thiết Bạc Liêu bị khởi tố
- Triển khai phong trào “Bình dân học vụ số” trong Bộ Quốc phòng
- Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh: Thông qua các đề án sắp xếp đơn vị hành chính
- Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam: Tập huấn công tác giảm nghèo tại Bạc Liêu
- Triển khai chỉ đạo của Ban Bí thư về lưu trữ, quản lý tài liệu trong tiến trình sắp xếp tổ chức bộ máy