Nhịp sống đô thị
TP. Bạc Liêu: Thực hiện tốt chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số
TP. Bạc Liêu hiện có hơn 43.370 hộ dân tộc thiểu số (DTTS) với 159.902 người. Trong đó, có 4.425 hộ dân tộc Khmer, chiếm tỷ lệ 11,96% và 2.802 hộ dân tộc Hoa, chiếm tỷ lệ 7,84%, cùng 17 hộ là dân tộc khác, chiếm tỷ lệ 0,05%. Thời gian qua, TP. Bạc Liêu đã thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ đồng bào DTTS, qua đó, đời sống vật chất, tinh thần của bà con không ngừng được nâng lên, văn hóa truyền thống luôn được bảo tồn, phát huy...
Du khách tham quan trải nghiệm một nghi lễ truyền thống của đồng bào Khmer ở TP. Bạc Liêu.
QUAN TÂM ĐẦU TƯ
Trong những năm qua, Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân TP. Bạc Liêu đã quan tâm thực hiện tốt các chính sách dành cho đồng bào dân tộc. Đặc biệt là ưu tiên đầu tư hỗ trợ phát triển kinh tế và tổ chức đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho đồng bào DTTS. Trong 3 năm (từ 2022 - 2024), thành phố đã tổ chức hàng chục lớp đào tạo nghề cho gần 1.500 lao động; đồng thời tổ chức đưa nhiều lao động (trong đó có 15 lao động là người DTTS) đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Bên cạnh đó, TP. Bạc Liêu cũng tập trung chuyển dịch lao động việc làm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với những mô hình có hiệu quả như: trồng rau màu, nuôi trồng thủy sản, làm dịch vụ và mua bán nhỏ…
Đặc biệt, để phát triển du lịch, dịch vụ gắn với phát huy giá trị văn hóa dân tộc cho đồng bào Khmer và người Hoa ở Bạc Liêu, TP. Bạc Liêu đã tập trung thực hiện tốt công tác bảo tồn văn hóa phi vật thể như: xây dựng hồ sơ đề nghị công nhận Di sản văn hóa phi vật thể đối với Điệu múa Rôm-vông của đồng bào Khmer; khuyến khích và tạo điều kiện cho các địa phương có đông đồng bào DTTS tổ chức các lễ hội truyền thống, lễ Kỳ yên tại các đình, miếu của cộng đồng người Hoa, các lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer và các tín ngưỡng dân gian với nhiều hình thức phù hợp, đậm đà bản sắc văn hóa truyền thống, thu hút sự tham gia của người dân và du khách trong, ngoài tỉnh. Thông qua các hoạt động lễ hội đã góp phần quảng bá, giới thiệu các điểm du lịch, sản phẩm du lịch, ẩm thực đặc trưng của TP. Bạc Liêu. Năm 2024, thành phố đã đón khoảng 4,8 triệu lượt khách, đạt 100% kế hoạch năm 2024, tăng 37,1% so với năm 2023. Trong đó, doanh thu du lịch - dịch vụ đạt 3.750 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch năm 2024, tăng 4,17% so với năm 2023.
Cùng với tăng cường hỗ trợ và đầu tư cho các mô hình tạo sinh kế cho đồng bào DTTS, thành phố còn tập trung triển khai và thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ đất sản xuất và chuyển đổi nghề cho 48 hộ, hỗ trợ nước sinh hoạt cho 8 hộ; vận động các tổ chức, cá nhân hỗ trợ xây 161 căn nhà cho hộ DTTS gặp khó khăn về nhà ở, với tổng số tiền trên 5 tỷ đồng…
Ngoài ra, từ nguồn vốn đầu tư của các chương trình, dự án, thành phố đã tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cho vùng có đông đồng bào DTTS sinh sống, như: cầu, đường giao thông, hệ thống thủy lợi, hạ thế điện, trường học, trạm y tế, chợ xã... Qua đó, diện mạo vùng có đông đồng bào DTTS sinh sống không ngừng đổi mới, đời sống kinh tế và mức hưởng thụ văn hóa của đồng bào tiếp tục được nâng lên rõ rệt, khoảng cách thành thị và nông thôn được rút ngắn. Đến nay, cả 3/3 xã vùng ven có đông đồng bào dân tộc sinh sống là xã Hiệp Thành, Vĩnh Trạch và Vĩnh Trạch Đông đều có đường ô tô tới xã, có trên 95% tuyến đường liên ấp vùng DTTS đã được bê-tông hóa, 100% khóm/ấp vùng đồng bào DTTS đều có nhà sinh hoạt cộng đồng. Tỷ lệ đồng bào DTTS sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 100% và 100% các xã vùng DTTS đều có trạm y tế, 10/10 trạm y tế phường/xã đạt chuẩn quốc gia về y tế…
Mô hình trồng củ cải của đồng bào người Hoa ở xã Vĩnh Trạch Đông. Ảnh: T.A
TIẾP TỤC NÂNG CAO ĐỜI SỐNG ĐỒNG BÀO DTTS
Bên cạnh những kết quả đạt được, nhìn chung, kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS ở khu vực nông thôn còn phát triển khá chậm và cơ sở hạ tầng kinh tế còn nhiều khó khăn. Tỷ lệ giải ngân nguồn vốn chương trình, dự án mục tiêu quốc gia còn thấp so với kế hoạch đề ra, tiến độ giải ngân chậm. Đối tượng dân tộc được thụ hưởng chương trình ở 3 xã ít, trùng lắp đối tượng khi triển khai dự án Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS (về hỗ trợ đào tạo nghề). Tỷ lệ người lao động qua đào tạo trong các DTTS còn thấp; việc canh tác, sản xuất, nuôi trồng thủy sản của đồng bào dân tộc còn gặp nhiều khó khăn do sản xuất, nuôi trồng nhỏ, lẻ; việc ứng dụng, chuyển giao kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất còn hạn chế. Số lượng cán bộ, đảng viên người DTTS trong hệ thống chính trị còn ít. Các thế lực thù địch, phản động trong và ngoài nước lợi dụng vấn đề tôn giáo, dân tộc để xuyên tạc, chống phá, làm cho tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội ở vùng đồng bào DTTS tiềm ẩn nguy cơ phức tạp…
Song, nhờ tập trung làm tốt công tác vận động, tuyên truyền nên đồng bào DTTS đã nhận thức sâu sắc, không nghe kẻ xấu xúi giục làm những điều trái với quy định của pháp luật, thực hiện tốt các phong trào hành động cách mạng trên địa bàn. Đồng bào DTTS cũng nhận thức rất rõ sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước nên đã tự giác, chủ động làm ăn xây dựng kinh tế gia đình ngày càng phát triển và không còn ỷ lại hay trông chờ, dựa dẫm vào Nhà nước. Người dân biết áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, nhất là đầu tư về kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cua, trồng rẫy…; năng động tích cực tham gia các phong trào, hoạt động tại địa bàn như: hiến đất, góp ngày công, góp tiền làm đường giao thông và tham gia tích cực vào các hoạt động văn hóa của cộng đồng.
Cùng với đó, đồng bào DTTS rất tích cực thi đua tham gia phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn an ninh trật tự tại cơ sở, nêu cao cảnh giác trước âm mưu của các thế lực thù địch lợi dụng tự do, dân chủ, dân tộc, tôn giáo... để tuyên truyền, kích động phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đây là những tiền đề rất quan trọng trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc và tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa chính sách dân tộc dành cho đồng bào DTTS trong giai đoạn mới.
Một trong những kết quả đáng ghi nhận của TP. Bạc Liêu là qua 5 năm triển khai thực hiện Kết luận 65 của Bộ Chính trị về “tiếp tục thực hiện Nghị quyết 24 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về công tác dân tộc trong tình hình mới”, nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, cơ quan, đơn vị, cùng đội ngũ cán bộ, đảng viên và người dân thành phố về tầm quan trọng của công tác ở vùng đồng bào DTTS đã được nâng lên. Các cấp ủy, chính quyền đã thường xuyên đổi mới phương thức hoạt động, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS chấp hành nghiêm chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước và triển khai tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở.
TÚ ANH
- ĐBQH tỉnh Bạc Liêu thảo luận về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013
- Bộ Tư lệnh (BTL) Vùng Cảnh sát biển 4: Mít-tinh hưởng ứng Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2025
- Trao tặng 35 bồn chứa và máy lọc nước cho các hộ khó khăn huyện Đông Hải
- Xây dựng hệ thống chính trị tỉnh Cà Mau sau hợp nhất
- Chính thức lấy ý kiến Nhân dân về sửa đổi Hiến pháp năm 2013