Mô hình nhà nông

Hiệu quả từ mô hình nuôi cua đinh trong bể kính

Thứ Sáu, 07/08/2020 | 16:56

Đó là mô hình của anh Đặng Long Hồ ở xã Phong Thạnh Tây B (huyện Phước Long). Đây cũng là mô hình nuôi cua đinh hiện đại nhất trên địa bàn tỉnh và cả khu vực ĐBSCL.

Mô hình nuôi cua đinh của anh Đặng Long Hồ. Ảnh: M.Đ

Năm 2014, anh Hồ đầu tư nuôi 500 con cua đinh thử nghiệm trong 10 bể xi-măng. Những ngày đầu, anh phải tự mày mò nghiên cứu qua Internet và không ngại thất bại. Anh Hồ cho biết: “Cơ duyên để chuyển nuôi cua đinh từ bể xi-măng sang bể kính chỉ là tình cờ. Cách đây khoảng 2 năm, sau khi quan sát con cua đinh kiểng nuôi trong bể kính, tôi nảy ra ý tưởng nuôi cua đinh thương phẩm bằng loại bể này. Ban đầu, tôi chỉ nuôi thử 50 con để rút kinh nghiệm, thấy cua phát triển tốt nên tôi quyết định đầu tư nuôi với quy mô lớn”.

Để mô hình đạt hiệu quả, sau khi nuôi cua đinh ngoài ao đất khoảng 4 tháng thì đưa cua vào trong bể kính nuôi tiếp. Cua đinh nuôi trong bể kính không chỉ tiết kiệm được diện tích, dễ quan sát, kiểm soát được môi trường nước, mà cua rất ít nhiễm bệnh, tỷ lệ đạt đầu con cao. Nguồn thức ăn cho cua đinh là cá rô phi hoặc các loại cá tạp có tại địa phương. Mỗi ngày cho cua đinh ăn một lần vào buổi chiều tối. Sau 18 - 24 tháng nuôi, cua đinh đạt trọng lượng từ 2,5kg trở lên. Với giá 450.000 đồng/kg như hiện nay, sau khi trừ chi phí, mỗi con cua đinh cho lãi khoảng 600.000 - 700.000 đồng. Từ mô hình này, mỗi năm anh Hồ thu nhập hơn 1 tỷ đồng từ bán cua đinh thương phẩm và bán con giống.

Tham quan mô hình nuôi cua đinh trong bể kính, ông Phạm Thanh Hải - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, đánh giá: “Đây là mô hình sản xuất hiện đại mang lại hiệu quả kinh tế cao, cần được nhân rộng trong thời gian tới…”.

NHẬT MINH

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.