Xuất khẩu thủy sản: Bao giờ doanh nghiệp mới hết rủi ro?
Nguy cơ phá sản, nợ nần luôn là nỗi ám ảnh của các doanh nghiệp khi các nước nhập khẩu thủy sản đã thay đổi hình thức thanh toán. Đó là doanh nghiệp xuất khẩu phải giao hàng trước và sau khi nhận hàng và kiểm tra, đối tác mới thanh toán tiền.
Hết rồi cái thời “tiền trao cháo múc”
Nếu như trước đây, các nước nhập khẩu sau khi ký hợp đồng là chuyển tiền ngay cho các doanh nghiệp xuất khẩu, còn các doanh nghiệp xuất khẩu sau khi nhận được tiền mới chuyển hàng, thì nay hình thức thanh toán này đã ngược lại. Đó là doanh nghiệp xuất khẩu phải chuyển hàng trước rồi mới được thanh toán tiền. Sau khi nhận hàng và kiểm tra, các doanh nghiệp nước ngoài mới thanh toán. Hình thức thanh toán này đã đẩy doanh nghiệp xuất khẩu vào cảnh khó khăn và luôn phập phồng trước các đối tác nhập khẩu.
![]() |
Công ty Việt Cường (TP. Bạc Liêu) đóng thùng tôm xuất khẩu sang châu Âu. Ảnh: Kim Trung |
Hình thức thanh toán trên không chỉ đẩy doanh nghiệp vào cảnh khó khăn, mà còn làm cho đồng vốn đầu tư từ các ngân hàng bị ách tắc. Trước đây, doanh nghiệp chỉ cần cầm hợp đồng đi vay là được giải ngân ngay, vì tiền sẽ được chuyển vào tài khoản các doanh nghiệp xuất khẩu từ các nước nhập khẩu. Còn nay, dù doanh nghiệp có hợp đồng, thế chấp kho hàng, các ngân hàng vẫn chưa an tâm cho vay. Bởi, dù các doanh nghiệp có xuất được hàng, nhưng vẫn chưa chắc sẽ nhận được thanh toán!...
Theo ông Hồ Văn Bạch, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH thực phẩm thủy sản Minh Bạch (huyện Giá Rai): “Với hình thức thanh toán đưa hàng trước trả tiền sau, doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản gặp rất nhiều khó khăn và rủi ro. Song, nếu không chấp nhận thanh toán theo kiểu này, doanh nghiệp khó xuất khẩu được hàng. Giải pháp mà các doanh nghiệp thực hiện chủ yếu là lựa các đối tác truyền thống, có uy tín và có khả năng tài chính để hạn chế rủi ro”. Tuy nhiên, đây cũng chưa phải là giải pháp tối ưu vì thông tin về đối tác nhập khẩu thì doanh nghiệp nắm bắt chưa nhiều.
Ai giúp doanh nghiệp?
Tìm hiểu nguyên nhân vì sao lại thay đổi hình thức thanh toán truyền thống, ông Trần Tuấn Khanh, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ - thương mại - xuất nhập khẩu Trang Khanh (TP. Bạc Liêu) nói: “Một trong những nguyên nhân mà các doanh nghiệp nước ngoài không chấp nhận thanh toán theo kiểu đưa tiền trước lấy hàng sau là vì họ cho rằng hàng hóa hay bị nhiễm kháng sinh. Vì vậy, họ phải kiểm tra chất lượng hàng rồi mới thanh toán. Do vậy, ngành quản lý cần giúp doanh nghiệp xuất khẩu quản lý tốt khâu đầu vào. Nghĩa là cấm kinh doanh các loại kháng sinh phục vụ trong nuôi trồng thủy sản và phải xử lý nghiêm các sản phẩm thú y thủy sản kém chất lượng”.
Việc này chỉ có các cơ quản lý Nhà nước làm, chứ nông dân và doanh nghiệp xuất khẩu không thể làm được. Vì nông dân đâu biết thuốc nào có kháng sinh hay thuốc cấm, hễ cho kinh doanh trên thị trường thì nông dân mua sử dụng. Còn doanh nghiệp hàng ngày phải chế biến hàng trăm tấn tôm, cũng không thể bốc mẫu từng ao nuôi để đưa đi kiểm tra kháng sinh!...
Để các nước nhập khẩu không còn kiếm cớ gây khó cho doanh nghiệp xuất khẩu, giải pháp căn cơ vẫn là kiên quyết nói không với chất kháng sinh. Nếu ngành quản lý không giúp doanh nghiệp giải quyết được bất cập này, thì các doanh nghiệp xuất khẩu khó tránh khỏi nguy cơ phá sản khi lỡ mắc phải những lô hàng bị nhiễm kháng sinh. Rồi thương hiệu của các doanh nghiệp và cả con tôm Việt Nam nói chung cũng khó trụ vững.
Lư Dũng
- Tiếp tục tập trung các giải pháp làm giảm tai nạn giao thông
- ĐBQH tỉnh Bạc Liêu thảo luận tại tổ đối với nhiều dự án Luật
- Rà soát nhu cầu chuyển trường về Cà Mau của con cán bộ
- Huyện Hồng Dân: Trao tặng Huy hiệu Đảng đợt 2 - năm 2025 cho các đảng viên cao niên
- UBND TP. Bạc Liêu: Hạn chế lưu thông qua cầu treo Phường 8