Giảm nghèo - Việc làm

NHỮNG TIỀN ĐỀ VỮNG CHẮC CHO CÔNG TÁC GIẢM NGHÈO

Thứ Sáu, 02/05/2025 | 15:41

Thời gian qua, Bạc Liêu đã quyết liệt triển khai thực Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, gắn với tăng cường đầu tư thực hiện các dự án hỗ trợ dành cho hộ nghèo, cận nghèo và nguy cơ tái nghèo.

Chi đoàn Trung tâm Y tế TP. Bạc Liêu khám và cấp thuốc miễn phí cho hộ nghèo ở các xã vùng ven.

TRIỂN KHAI NHIỀU DỰ ÁN

Một trong những dự án góp phần rất quan trọng cho công tác giảm nghèo chính là Dự án 2 về đa dạng hóa sinh kế và phát triển các mô hình giảm nghèo. Trong giai đoạn 2021 - 2024, toàn tỉnh đã triển khai và tiến hành hỗ trợ được 133 mô hình, dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo cho trên 1.500 hộ nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo với tổng kinh phí gần 17 tỷ đồng từ CTMTQG giảm nghèo bền vững tại các huyện, thị xã, thành phố, với các mô hình thực hiện như: nuôi bò sinh sản, nuôi chồn hương, nuôi gà, vịt xiêm, nuôi heo thịt thương phẩm, trồng rau an toàn, nuôi cá kết hợp...

Ngoài ra, Dự án 3 về hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng cũng đã phát huy hiệu quả. Trong đó, Tiểu dự án 1 về hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, toàn tỉnh đã triển khai được 59 mô hình, dự án với tổng kinh phí thực hiện trên 7 tỷ đồng. Trong đó, Sở NN&PTNT (nay là Sở Nông nghiệp và Môi trường) đã phối hợp với UBND xã Vĩnh Thịnh (huyện Hòa Bình) triển khai mô hình nuôi cá kèo thâm canh trong ao đất cho 30 hộ nghèo và một số hộ dân làm kinh tế giỏi tham gia, với tổng kinh phí thực hiện mô hình là 840 triệu đồng. Các mô hình sản xuất này đã góp phần quan trọng vào khai thác tốt tài nguyên đất, chuyển giao khoa học - kỹ thuật và cách làm ăn cho các hộ nghèo, cận nghèo, từ đó giúp nông dân tăng thêm thu nhập.

Riêng việc thực hiện Dự án 4 về phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững cũng đã tập trung triển khai đồng bộ và liên tục. Từ năm 2022 đến nay, đã tổ chức mở 16 lớp đào tạo nghề (kỹ thuật nuôi và phòng trừ bệnh cho gà, vịt; kỹ thuật nuôi tôm sú quảng canh cải tiến, kỹ thuật nuôi và phòng bệnh cho heo; kỹ thuật nuôi cua biển…). Đặc biệt, trong thực hiện Tiểu dự án 3 về hỗ trợ việc làm bền vững, đã tổ chức 54 Ngày hội việc làm/phiên giao dịch việc làm thu hút 371 doanh nghiệp tham gia và hơn 13.210 người tham gia được tư vấn, kết nối việc làm...

Song song với các dự án trên, Dự án 6 về Truyền thông và giảm nghèo về thông tin cũng được tập trung đẩy mạnh. Các ngành đã kết hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố và các xã, phường, thị trấn trong tỉnh tổ chức 70 lớp tập huấn nghiệp vụ, nâng cao năng lực cho 2.800 lượt cán bộ làm công tác thông tin, truyền thông cấp xã; in ấn hơn 40.000 tờ rơi, áp-phích tuyên truyền về CTMTQG giảm nghèo bền vững. Riêng Sở Thông tin và Truyền thông (nay là Sở KH-CN) đã phối hợp với các ngành có liên quan và các huyện, thị xã, thành phố tổ chức 4 cuộc tập huấn nghiệp vụ cho 280 cán bộ làm công tác tuyên truyền, tuyên truyền viên khóm, ấp về CTMTQG giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh; in ấn 9.000 cuốn tài liệu tuyên truyền về các chính sách mới của chương trình; phối hợp với Đài PT-TH tỉnh thực hiện 5 phóng sự chuyên đề; phối hợp với Báo Bạc Liêu thực hiện 17 chuyên trang, ấn phẩm tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của Chương trình…

Mô hình chăn nuôi thủy cầm của hộ nghèo ở huyện Hồng Dân. Ảnh: K.T

GIẢM NHANH HỘ NGHÈO

Với việc tích cực trong lãnh đạo, chỉ đạo và tập trung thực hiện có hiệu quả các dự án hỗ trợ nên công tác giảm nghèo mang lại những kết quả đáng ghi nhận. Tỷ lệ hộ nghèo bình quân trên địa bàn tỉnh đạt, vượt chỉ tiêu theo Quyết định 652 của Thủ tướng Chính phủ giao và chỉ tiêu do Tỉnh ủy, HĐND tỉnh giao. Theo kết quả rà soát hộ nghèo, cận nghèo năm 2022, tổng số hộ nghèo trên địa bàn tỉnh là 11.497 hộ, chiếm tỷ lệ 5,09% và tổng số hộ cận nghèo là 14.775 hộ, chiếm tỷ lệ 6,54%. Tuy nhiên, đến cuối năm 2024 tổng số hộ nghèo của tỉnh còn 1.581 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0,69% và hộ cận nghèo 4.236 hộ, chiếm tỷ lệ 1,86%.

Đáng ghi nhận hơn cả là số hộ nghèo và cận nghèo giảm so với đầu kỳ theo chuẩn nghèo đa chiều của quốc gia là 9.916 hộ (tỷ lệ giảm 4,4%). Số huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo được hỗ trợ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội liên kết vùng, phục vụ dân sinh, sản xuất, thương mại, lưu thông hàng hóa và cung cấp các dịch vụ xã hội cơ bản và đến nay trên địa bàn tỉnh không có huyện nghèo, xã nghèo. Số lượng, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo có ít nhất một thành viên trong độ tuổi lao động có việc làm bền vững đạt 90%. Số lượng, tỷ lệ cán bộ làm công tác giảm nghèo được bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng cơ bản về quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình, chính sách, dự án giảm nghèo và việc lập kế hoạch có sự tham gia, xây dựng kế hoạch phát triển cộng đồng và nghiệp vụ giảm nghèo đạt 100%.

Đây là những tiền đề rất vững chắc cho công tác giảm nghèo tiếp theo và chống tái nghèo có hiệu quả từ những giải pháp mang tính bền vững. Song, cũng cần phải tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc còn tồn tại trong công tác giảm nghèo, nhất là công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm. Như đối tượng của chương trình là đào tạo nghề cho người lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và người lao động có thu nhập thấp hiện nay khó chiêu sinh và mở lớp, vì lao động thuộc đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo trong độ tuổi lao động phần lớn tham gia lao động ngoài tỉnh và làm thuê tại địa phương kiếm sống hằng ngày không có thời gian tham gia học nghề. Trong khi thành viên còn lại trong hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo là người cao tuổi và trẻ em vẫn không đủ điều kiện tham gia lớp đào tạo nghề. Do đó, có một số lớp tuyển sinh không đủ số lượng theo quy định; hạn chế về kiến thức, không có phương tiện và công cụ để sản xuất và phải mưu sinh, kiếm sống hằng ngày, mức hỗ trợ tiền ăn tiền đi lại còn thấp (30.000 đồng/ngày thực học). Vì vậy, khó vận động họ tham gia học nghề gắn với giải quyết việc làm. Quy trình thực hiện các bước triển khai thực hiện từng dự án còn phức tạp, rườm rà, nhiều địa phương gặp lúng túng trong thực hiện và công chức làm công tác giảm nghèo các cấp chưa đáp ứng yêu cầu về số lượng…

TÚ ANH

Cùng với đầu tư phát triển sản xuất, công tác chăm lo sức khỏe và giải quyết việc làm gắn với thực hiện các chính sách an sinh cũng được tỉnh quan tâm đầu tư và hỗ trợ tốt. Ban Chỉ đạo các CTMTQG đã chỉ đạo Sở Y tế phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố tăng cường việc tiếp cận với can thiệp trực tiếp phòng, chống suy dinh dưỡng, thiếu vi chất dinh dưỡng cho bà mẹ, trẻ em dưới 5 tuổi thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo.

Kết quả, đã có 2.000 trẻ em dưới 5 tuổi được bổ sung đa vi chất dinh dưỡng, 3.500 bà mẹ có con dưới 5 tuổi và bà mẹ mang thai được tư vấn dinh dưỡng, cùng 1.500 phụ nữ có thai được bổ sung đa vi chất dinh dưỡng, 500 trẻ em được theo dõi và quản lý dinh dưỡng cấp tính tại cộng đồng.

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.