Giảm nghèo - Việc làm
Năng động để thoát nghèo
Được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương cộng với sự năng động trong việc theo dõi các mô hình làm ăn, chăn nuôi, sự nỗ lực của bản thân, nhiều hộ nghèo, cận nghèo đã vượt qua khó khăn, vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng.
Chị Diệp Thanh Nhanh chuẩn bị rau giao cho thương lái.
Dám nghĩ, dám làm
Trước đây, vợ chồng ông Huỳnh Văn Thiện (huyện Phước Long) mưu sinh bằng nghề mua bán phế liệu, sau nhiều năm vất vả, chịu thương chịu khó cũng tích cóp được một số vốn mở gian hàng tạp hóa nhỏ. Nhờ được tiếp cận đồng vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH), vợ chồng ông Thiện có điều kiện đầu tư mở rộng việc mua bán. Không chỉ mua bán tạp hóa, vợ chồng ông còn tranh thủ nấu rượu, sương sáo… để bán thêm, nhờ đó mức thu nhập ngày càng tăng.
Cũng với tính năng động, cần cù trong lao động, mạnh dạn áp dụng mô hình sản xuất mới, nên gia đình chị Diệp Thanh Nhanh (xã Hưng Thành, huyện Vĩnh Lợi) đã vươn lên thoát cận nghèo, có cuộc sống ổn định vào năm 2021. Chỉ có vỏn vẹn 2 công đất trồng rẫy và trồng hẹ lá theo phương pháp truyền thống nên năng suất đạt không cao. Sau khi được tham gia các lớp chuyển giao khoa học - kỹ thuật về trồng trọt, chị Nhanh đã áp dụng thực hiện hiệu quả. Đặc biệt vào đầu năm 2022, được người quen giới thiệu về giống hẹ Hàn Quốc cho năng suất cao, chị mua một ít về trồng, đồng thời nghiên cứu về đặc tính sinh trưởng và kỹ thuật trồng hẹ trên các phương tiện truyền thông. Sau 4 tháng chăm sóc, các luống hẹ phát triển xanh tốt và bắt đầu cho thu hoạch. Để có nguồn hẹ thu nhập đều đặn, chị chia ra làm nhiều giồng, “bắt đất xoay vòng”.
Ngoài trồng hẹ, vợ chồng chị Nhanh còn xây chuồng nuôi bò sinh sản. Chị Nhanh cho biết, qua theo dõi trên báo, đài, nhận thấy mô hình nuôi bò rất thích hợp với điều kiện kinh tế gia đình nên gom góp tiền tích lũy và mạnh dạn vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng CSXH mua cặp bò giống. Đến nay, đàn bò phát triển tốt, tăng đàn lên được 5 con. Thời gian tới chị tiếp tục mở rộng chuồng trại để phát triển mô hình nuôi bò giúp kinh tế gia đình ngày càng đi lên.
Nhằm cải thiện cuộc sống gia đình nên ngoài làm ruộng, vợ chồng chị Diệp Thị Nhanh (xã Vĩnh Hưng A, huyện Vĩnh Lợi) còn tận dụng đất trống xung quanh nhà để trồng rau màu. Để có rau bán quanh năm, chị trồng hơn 10 loại, chủ yếu là các loại rau ngắn ngày như: rau ngót, rau má, rau răm, năn bộp, các loại cải… Đều đặn mỗi ngày chị thu hoạch từ 30 - 70kg, sau khi trừ hết chi phí chị “bỏ túi” được hơn 400.000 đồng.
Ngoài trồng màu, mấy năm nay, chị Nhanh còn tranh thủ nuôi vịt đẻ và heo thương phẩm tạo thêm thu nhập cho gia đình. Nhờ bản tính cần cù, chịu khó, chị Nhanh đã thành công với mô hình trồng trọt, chăn nuôi, đưa gia đình thoát cảnh nghèo khó và từng bước vươn lên, có điều kiện mua thêm đất ruộng và nuôi các con ăn học.
Ông Sơn Hải chăm sóc đàn gia cầm. Ảnh: T.Q
Không cam chịu đói nghèo
Từ năm 2023 về trước, gia đình ông Sơn Hải (xã Vĩnh Trạch Đông, TP. Bạc Liêu) là hộ nghèo điển hình của xã. Lúc còn trẻ, ông Hải là ngư phủ lênh đênh trên biển, còn bà đi làm thuê sống đắp đổi qua ngày. Dù cật lực lao động nhưng do không biết suy tính cách làm ăn nên cuộc sống luôn thiếu trước hụt sau. Đến nay, vợ chồng ông đã lớn tuổi, bệnh tật, không còn sức lao động, trong khi cuộc sống của các con cũng nghèo khó nên không thể đỡ đần cho cha mẹ.
Những tưởng tuổi già sẽ sống trong cảnh khó khăn chồng chất, thế nhưng cuộc sống của gia đình bắt đầu đổi khác, khi ông Hải được chính quyền xã vận động mạnh thường quân nhận đỡ đầu và hỗ trợ 120 con vịt giống. Được người thân cho mượn đất, ông dựng chuồng nuôi vịt, ngày ngày lặn lội cắt rau, đặt cá dưới sông cho vịt ăn để tiết kiệm chi phí. Đàn vịt phát triển tốt, ông bán lẻ đều đặn mỗi ngày cũng có thu nhập từ vài chục đến vài trăm ngàn đồng. Để duy trì, phát triển đàn vịt nuôi, ông Hải tham khảo kinh nghiệm nuôi vịt đẻ trên các kênh thông tin của báo, đài và đã thành công. Có thu nhập ổn định, cuối năm 2023, gia đình ông Hải được công nhận thoát nghèo. Đầu năm 2024, gia đình ông Hải được Ngân hàng CSXH xét cho vay 15 triệu đồng. Có vốn, ông tiếp tục sửa lại chuồng vịt và thả nuôi thêm gà. Đàn gà, vịt ngày càng tăng hứa hẹn giúp kinh tế gia đình ngày càng ổn định.
Luôn nhạy bén với thời cuộc, không cam chịu khó nghèo, không quản khổ cực, cùng với ý chí năng động nắm bắt thị hiếu thị trường để đầu tư mô hình kinh tế hiệu quả, nhờ đó, đã giúp gia đình chị Châu Út Chính (ấp 2B, xã Phong Thạnh Tây A, huyện Phước Long) tạo được nguồn thu nhập mỗi năm từ 200 - 300 triệu đồng.
Ngày mới tách ra sống riêng với cha mẹ, vợ chồng chị Út Chính chỉ có 5 công đất nuôi tôm quảng canh, năng suất không cao nên cuộc sống rất chật vật. Trăn trở tìm hướng đi mới để đưa kinh tế gia đình phát triển, chị Chính thường xuyên tham khảo các mô hình kinh tế hiệu quả trên phương tiện truyền thông và các hộ dân trong ấp. Sau khi tích lũy được kinh nghiệm, chị bàn với chồng cải tạo vuông tôm nuôi theo mô hình quảng canh cải tiến, đồng thời đánh bắt cá trong vuông nuôi cá sấu, cá bống tượng. Từ mô hình nuôi đa con phù hợp với nhu cầu thị trường đã giúp vợ chồng chị có điều kiện mua thêm 2ha đất đầu tư nuôi tôm.
Năm 2019, thấy nhiều người dân trong xã đầu tư nuôi rắn có hiệu quả kinh tế cao, chị cũng bắt tay nuôi thử nghiệm. Sau 2 năm, từ 90 con rắn ri cá, ri tượng ban đầu, đàn rắn đã sinh sản trên 300 con. Giá cả hợp lý, có lãi, đầu ra cũng dễ dàng, ổn định nên chị Chính dự định sẽ tiếp mở rộng thêm nhiều hồ nuôi rắn.
Câu chuyện của ông Hải, chị Nhanh, chị Chính… và rất nhiều hộ nghèo, cận nghèo với bản tính cần cù, không cam chịu khó nghèo, phát huy lợi thế của địa phương, khai thác mọi tiềm năng đất đai để phát triển những mô hình sản xuất hiệu quả, trở thành những hộ thoát nghèo điển hình. Trong đó, có nhiều hộ vươn lên sản xuất - kinh doanh giỏi, trở thành tấm gương truyền cảm hứng, tạo động lực làm giàu cho những người khác noi theo, từ đó góp phần tích cực trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững, bảo đảm an sinh xã hội của địa phương.
Minh Luân
- Chủ động ứng phó triều cường và xâm nhập mặn mùa khô 2024 - 2025
- Hội nghị báo chí chất lượng cao trong bối cảnh chuyển đổi số khu vực phía Nam
- TP. Bạc Liêu: Khởi công xây dựng 18 căn nhà thuộc Chương trình “Xóa nhà tạm, nhà dột nát”
- Vô tư chạy xe máy “đầu trần” trong trung tâm xã
- Cảnh giác với thủ đoạn cắt, ghép hình ảnh, video “nhạy cảm” để cưỡng đoạt tài sản