Giảm nghèo - Việc làm
Huyện Phước Long: Giảm nghèo bền vững từ giải quyết việc làm
Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết 01 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu (khóa XVI) về xây dựng huyện Phước Long trở thành trung tâm phát triển kinh tế - xã hội vùng phía Bắc Quốc lộ 1A của tỉnh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, cùng với nhiều thành tựu về kinh tế, công tác giảm nghèo, chống tái nghèo và nâng cao thu nhập cho nông dân… là những kết quả đáng ghi nhận của địa phương này.
Hội LHPN xã Phong Thạnh Tây A nhận giúp đỡ và hỗ trợ con giống cho hộ nghèo.
TĂNG CƯỜNG HỖ TRỢ
Trong những năm qua, Đảng bộ huyện Phước Long rất quan tâm đến công tác chăm lo người có công và các hộ nghèo, cận nghèo. Bằng nhiều giải pháp, chỉ đạo thực hiện tốt công tác đảm bảo an sinh xã hội, chăm lo cho gia đình chính sách, người có công, từ năm 2021 - 2023, huyện Phước Long đã chi trợ cấp cho 3.424 lượt người có công, với tổng số tiền 66,63 tỷ đồng và chi cho 10.888 lượt đối tượng xã hội với tổng số tiền 67,34 tỷ đồng. Đặc biệt, công tác giảm nghèo được quan tâm thực hiện quyết liệt và có sự chuyển biến tích cực. Trong 3 năm qua, đã hỗ trợ cho 6.326 hộ nghèo, cận nghèo với tổng số tiền trên 3,5 tỷ đồng nhân dịp tết Nguyên đán hằng năm; hỗ trợ xây dựng 344 căn nhà cho hộ nghèo, cận nghèo với tổng số tiền trên 16,16 tỷ đồng; cấp phát 24.859 thẻ bảo hiểm y tế cho hộ nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo với tổng số tiền trên 15 tỷ đồng; các sở, ban, ngành, doanh nghiệp và ngân hàng trên địa bàn tỉnh giúp đỡ 109 hộ nghèo với tổng số tiền 867 triệu đồng.
Với việc khơi dậy ý chí vươn lên của hộ nghèo và có nhiều giải pháp thiết thực để thực hiện giảm nghèo bền vững, hiện huyện Phước Long chỉ còn 1.152 hộ nghèo đa chiều, chiếm tỷ lệ 3,75%. Công tác đào tạo và giải quyết việc làm cho người lao động luôn được chú trọng, nhất là giải quyết việc làm trong các lĩnh vực thương mại, dịch vụ, xây dựng, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, theo nhu cầu thị trường, đảm bảo lao động có việc làm ổn định, tăng thu nhập và thoát nghèo. Bên cạnh đó, thực hiện tốt công tác liên kết, ký hợp đồng đào tạo lao động giữa cơ sở dạy nghề và doanh nghiệp; đẩy mạnh việc xã hội hóa trong lĩnh vực dạy nghề, vận động tự học nghề, truyền nghề trong xã hội. Trong 3 năm, huyện Phước Long đã đào tạo nghề cho 23.062 lao động, giải quyết việc làm cho hơn 9.850 lao động, vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra.
Thực hiện Kế hoạch 102 của Huyện ủy về việc nhận hỗ trợ đỡ đầu hộ nghèo, trong 9 tháng của năm 2024, các tổ chức và ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, huyện, xã đã trao vốn được 245 hộ với tổng số tiền 2,9 tỷ đồng. Trong đó, trao vốn cho 207 hộ và hỗ trợ xây nhà cho 38 hộ. Đặc biệt, thực hiện chỉ tiêu huyện xây dựng nhà tình thương, nhà đại đoàn kết, đến nay các xã, thị trấn đã triển khai khởi công xây dựng được 94 căn nhà tình thương và đã hoàn thành 84 căn.
Đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở huyện Phước Long. Ảnh: K.T
ĐẨY MẠNH ĐÀO TẠO NGHỀ
Bài học kinh nghiệm và thành công của huyện Phước Long trong công tác giảm nghèo thời gian qua chính là tập trung làm tốt công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Xuất phát từ ý nghĩa và tầm quan trọng này, từ đầu năm đến nay, cùng với tích cực tham mưu cho UBND huyện phê duyệt Kế hoạch đào tạo nghề theo Chương trình nông thôn mới và phê duyệt Kế hoạch đào tạo nghề theo Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Phòng LĐ-TB&XH huyện còn phối hợp với các xã, thị trấn rà soát nhu cầu học nghề của lao động nông thôn để tham mưu cho UBND huyện ban hành kế hoạch đào tạo nghề năm 2024 trên địa bàn huyện. Đặc biệt là phối hợp với các công ty tổ chức khai giảng các lớp nghề phi nông nghiệp cho lao động nông thôn tại xã Vĩnh Phú Tây thuộc Chương trình nông thôn mới và khai giảng 3 lớp nghề phi nông nghiệp cho lao động nông thôn tại thị trấn Phước Long thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và phối hợp với Trung tâm Giáo dục dạy nghề - Giáo dục thường xuyên huyện tổ chức khai giảng các lớp nghề theo Chương trình nông thôn mới ở các xã trên địa bàn huyện. Đồng thời, phối hợp với Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tỉnh Bạc Liêu giai đoạn 2021 - 2025 tổ chức tập huấn rà soát hộ nghèo, cận nghèo và xác định hộ có mức sống trung bình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp năm 2024 theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn huyện để có giải pháp hỗ trợ và xây dựng kế hoạch giảm nghèo bền vững…
Kết quả, từ đầu năm đến nay, huyện Phước Long đã tổ chức đào tạo nghề và truyền nghề cho 5.300/5.400 lao động, đạt 98%. Trong đó, đào tạo nghề sơ cấp, dưới 3 tháng cho lao động nông thôn thuộc Chương trình giảm nghèo bền vững được 28 lớp, với 560 học viên; đào tạo nghề theo Chương trình nông thôn mới được 35 lớp, với 875 học viên và đào tạo truyền nghề được 3.865 lao động…
Ngoài ra, Phòng LĐ-TB&XH huyện còn phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh và các công ty được Sở LĐ-TB&XH giới thiệu phụ trách địa bàn huyện Phước Long để tư vấn, giới thiệu lao động làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng đã tổ chức tư vấn tại các xã, thị trấn được 8 cuộc với trên 680 lượt người tham dự. Phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức phiên giao dịch việc làm tại huyện và tổ chức tư vấn cụm ở các xã, thị trấn để giải quyết thêm nhiều việc làm mới.
Với những giải pháp tích cực trên, đến nay huyện đã giải quyết việc làm cho 5.999/6.400 lao động, đạt tỷ lệ 94%. Đặc biệt, từ đầu năm đến nay đã đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài được 60/50 lao động, đạt tỷ lệ 120% và số lao động đã trúng tuyển, chờ xuất cảnh đến nay là 18 lao động.
Đẩy mạnh công tác giảm nghèo, Phòng LĐ-TB&XH huyện sẽ tiếp tục phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, UBND các xã, thị trấn tiếp tục triển khai xây dựng nhà tình thương theo kế hoạch đề ra. Đôn đốc, nhắc nhở các xã, thị trấn cập nhật dữ liệu hộ nghèo, cận nghèo năm 2024 và đôn đốc các xã, thị trấn xây dựng hoàn thành các căn nhà tình thương, nhà đại đoàn kết. Bên cạnh đó, tăng cường dự báo nhu cầu thị trường lao động, kết nối cung - cầu lao động trên thị trường. Triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ tạo việc làm cho người lao động; tổ chức ngày hội việc làm, giao dịch việc làm và tổ chức sàn giao dịch việc làm, phiên giao dịch việc làm tại các xã, thị trấn với tần suất tăng và hình thức tổ chức đa dạng, phong phú. Trong đó, các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác tìm nguồn lao động để Phòng LĐ-TB&XH huyện phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh và các công ty trực tiếp gặp gỡ, tư vấn cho người lao động. Đồng thời, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đối với những lao động có nhu cầu đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Tổ chức tư vấn cho lao động đi các thị trường có thu nhập cao theo các đơn hàng của trung tâm, công ty để có thu nhập ổn định. Trước mắt, tập trung vào thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và Úc.
Ngoài ra, tiếp tục phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh thực hiện công tác đưa người lao động đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng trên địa bàn huyện năm 2024 và giới thiệu việc làm trong và ngoài tỉnh cho lao động được biết. Phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên và UBND các xã, thị trấn tổ chức khai giảng các lớp nghề đã được UBND huyện phê duyệt kế hoạch đào tạo nghề năm 2024 và phấn đấu hoàn thành kế hoạch năm, góp phần quan trọng vào công tác giảm nghèo bền vững năm 2024.
NGỌC CHÂU
- Sở NN&PTNT kiểm tra, khắc phục hậu quả do mưa lớn và triều cường gây ra
- Bạc Liêu hoàn tất bầu cử trưởng khóm/ấp nhiệm kỳ 5 năm
- Huyện Hòa Bình: Long trọng tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc” liên khu dân cư
- Cơn mưa lịch sử ở TP. Bạc Liêu: Hầu hết các tuyến đường chìm trong nước, cuộc sống người dân bị đảo lộn
- Mưa lớn kéo dài, toàn TP. Bạc Liêu bị ngập