Giảm nghèo - Việc làm

Bạc Liêu​: Tích cực phát triển giáo dục nghề nghiệp vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Thứ Sáu, 22/12/2023 | 16:13

Thời gian qua, Sở LĐ-TB&XH đã làm tốt công tác phối hợp với các ngành, địa phương và các trường đào tạo nghề trong thực hiện Quyết định 1320 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc phê duyệt Kế hoạch thực hiện Tiểu dự án 3 “Phát triển giáo dục nghề nghiệp (GDNN) và giải quyết việc làm cho người lao động vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi” (ĐBDTTS&MN) thuộc Dự án 5 “Phát triển giáo dục - đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực” năm 2023 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBDTTS&MN, giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn.

Bế giảng lớp đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý, người dạy nghề.

NÂNG CAO NĂNG LỰC

Có thể nói, việc thực hiện Tiểu dự án 3 có ý nghĩa rất quan trọng, với mục tiêu mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng và hiệu quả GDNN góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBDTTS&MN. Qua việc thực hiện dự án sẽ góp phần hỗ trợ lao động là ĐBDTTS tiếp cận thuận lợi với thông tin thị trường lao động, dịch vụ hỗ trợ tìm kiếm, kết nối việc làm. Bên cạnh đó, có thể hỗ trợ thanh niên DTTS sau khi tốt nghiệp các cơ sở giáo dục đại học, GDNN tìm kiếm được việc làm phù hợp với khả năng, nguyện vọng của mình.

Phát triển GDNN và giải quyết việc làm cho người lao động vùng ĐBDTTS&MN là chính sách thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với ĐBDTTS&MN, qua đó nhằm phát huy hơn nữa khối đại đoàn kết toàn dân tộc để cùng nhau phát triển bền vững. Với ý nghĩa và tầm quan trọng đó, Sở LĐ-TB&XH đã phối hợp với Viện đào tạo và phát triển nhân lực tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý, người dạy nghề. Mục đích của công tác này nhằm nâng cao năng lực thiết kế bài giảng trực tuyến, kỹ năng tuyển sinh cho nhà giáo, cán bộ quản lý GDNN. Cũng như phương pháp, kỹ năng tự đánh giá chất lượng cơ sở GDNN và Kỹ năng xây dựng báo cáo tự đánh giá chất lượng cơ sở GDNN. Đồng thời, nâng cao năng lực quản lý quan hệ hợp tác giữa cơ sở GDNN với doanh nghiệp trong đào tạo và sử dụng lao động. Đặc biệt là kỹ năng quản lý tài chính, cơ sở vật chất, thanh tra, kiểm tra GDNN và nâng cao nghiệp vụ sư phạm cho giáo viên dạy trình độ sơ cấp nghề.

Điều đáng ghi nhận là sau khi kết thúc khóa bồi dưỡng, các học viên đã đạt được những kỹ năng cơ bản của nhiều chuyên đề, trong đó có chuyên đề “Nâng cao năng lực thiết kế bài giảng trực tuyến, kỹ năng tuyển sinh cho nhà giáo, cán bộ quản lý”. Qua đó, giúp đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý phân tích, đánh giá được các thuận lợi, khó khăn trong thiết kế bài giảng trực tuyến, tuyển sinh; ứng dụng được các giải pháp để thiết kế bài giảng trực tuyến có hiệu quả; trình bày được các quy chế đào tạo trực tuyến tại Việt Nam, tuyển sinh; sử dụng được các phần mềm trong đào tạo trực tuyến, tuyển sinh; đánh giá được hoạt động dạy học dựa trên các phần mềm trực tuyến, tuyển sinh và sử dụng các phần mềm trực tuyến trong hoạt động giảng dạy, tuyển sinh…

Hay như chuyên đề “Phương pháp, kỹ năng tự đánh giá chất lượng cơ sở GDNN và Kỹ năng xây dựng báo cáo tự đánh giá chất lượng cơ sở GDNN”, sẽ giúp cho nhà giáo, cán bộ quản lý hiểu được tổng quan về chất lượng đào tạo, các công cụ quản lý chất lượng. Tự đánh giá chất lượng, hệ thống đánh giá chất lượng, kiểm định chất lượng GDNN. Các phương pháp thu thập thông tin, minh chứng phục vụ công tác xây dựng báo cáo tự đánh giá chất lượng cơ sở GDNN, chương trình đào tạo. Tự xây dựng báo cáo đánh giá chất lượng cơ sở GDNN và tự xây dựng báo cáo đánh giá chất lượng chương trình đào tạo…

Hoặc trong chuyên đề về “Kỹ năng quản lý tài chính, cơ sở vật chất và thanh tra, kiểm tra GDNN”, sẽ giúp nhà giáo, cán bộ quản lý hiểu biết về quản lý tài chính, cơ sở vật chất, thanh tra, kiểm tra GDNN; cơ chế cấp kinh phí hiệu quả, công bằng, quy trình dự toán, tạo nguồn; quản lý cơ sở vật chất, quy trình quản lý thiết bị; cách thức tự kiểm tra, thanh tra hoạt động GDNN đáp ứng yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng GDNN…

Đặc biệt từ lớp đào tạo này còn góp phần nâng cao hiểu biết về gắn kết giữa cơ sở GDNN và doanh nghiệp trong đào tạo và sử dụng lao động; các hình thức hợp tác, các mô hình đào tạo nghề tại doanh nghiệp, một số nguyên tắc, công cụ hợp tác. Từ đó, có thể vận dụng vào hoạt động thực tiễn, nâng cao chất lượng đào tạo, phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp, thị trường lao động, đáp ứng yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng GDNN…

Trường cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Bạc Liêu “đem nghề đến tận cơ sở” ở huyện Đông Hải. Ảnh: K.T

ĐÀO TẠO TẬN CƠ SỞ

Một trong những kết quả đáng ghi nhận là cùng với tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý, người dạy nghề, Sở LĐ-TB&XH còn kết hợp với Trường cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật (KT-KT) Bạc Liêu xây dựng kế hoạch triển khai đào tạo nghề sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng cho lao động nông thôn và phát triển giáo dục - đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ở các địa phương gắn với phương châm “đem nghề đến tận cơ sở”.

Đến nay, Trường cao đẳng KT-KT Bạc Liêu đã tổ chức hơn 120 lớp đào tạo nghề và thu hút gần 3.700 học viên tham gia hoàn thành chương trình tại 4 địa điểm: TP. Bạc Liêu, huyện Đông Hải, huyện Hòa Bình và TX. Giá Rai. Các học viên vừa được giảng viên đào tạo, hướng dẫn ngay tại cơ sở, vừa được tham gia trực tiếp vào quá trình sản xuất, qua đó phát huy có hiệu quả tiềm năng, lợi thế vốn có từ điều kiện đặc thù tự nhiên, phát huy năng lực sản xuất ở các ngành nghề. Và khi chương trình đào tạo kết thúc, các học viên tham gia đều được cấp chứng chỉ.

Qua tham gia các lớp đào tạo với các nghề như: chăn nuôi thú y, nuôi trồng thủy sản, trồng rau an toàn, sản xuất lúa chất lượng cao…, các học viên được trang bị, nắm vững những kiến thức cơ bản về khoa học - kỹ thuật, rèn luyện kỹ năng nghề thuần thục và vận dụng tốt trong thực tiễn đời sống sản xuất. Từ đó, có cơ hội tham gia vào thị trường lao động, khẳng định các vị trí việc làm tại các doanh nghiệp.

Năm 2024, Bạc Liêu phấn đấu tiếp tục đào tạo nghề cho khoảng 14.000 người. Trong đó, đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp là 1.500 người; đào tạo sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng là 12.000 người; đào tạo khác là 500 người. Mục tiêu đến cuối năm 2024, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 70%, tham gia giải quyết việc làm trong nước cho 18.500 lao động. Qua đó, góp  phần quan trọng vào việc phát huy nguồn nhân lực cho tăng trưởng kinh tế và tham gia giải quyết các vấn đề an sinh xã hội, nhất là tham gia đào tạo nghề, giải quyết việc làm, tạo thu nhập và giảm nghèo bền vững cho ĐBDTTS&MN.

TÚ ANH

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.