Phát huy giá trị của gia đình Việt Nam truyền thống trong xây dựng gia đình văn hóa

Thứ Tư, 30/09/2015 | 15:11

Gia đình Việt Nam hiện đang đối diện với nhiều thử thách khi có xu hướng chuyển từ mô hình gia đình truyền thống sang gia đình hiện đại. Để tồn tại và phát triển, mỗi gia đình phải tìm cách thích ứng với những điều kiện mới, từng thành viên cũng phải điều chỉnh các mối quan hệ trong gia đình. Xây dựng gia đình “No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc” là đích đến của mọi nhà…

Gia đình hạnh phúc của ông Phạm Thành Công. Ảnh: N.V

Một số tiêu chí của giá trị văn hóa gia đình hiện có những thay đổi, bổ sung. Đó là: Gia đình ít con (từ 1 - 2 con), bình đẳng, dân chủ, phát huy khả năng của mỗi thành viên trong gia đình để phát triển kinh tế, phát triển trí lực, tiếp thu các yếu tố tiến bộ, văn minh - những tiêu chí rất phù hợp với tiêu chuẩn gia đình hiện nay. Nó đảm bảo cho việc kế thừa và phát triển gia đình theo xu thế phát triển của thời đại. Tuy nhiên, làm thế nào để phát huy những giá trị mới đã được nhiều gia đình thừa nhận, đồng thời vẫn giữ vững và phát huy các giá trị văn hóa của gia đình truyền thống là một việc rất quan trọng.

Bên cạnh những kết quả đạt được, chúng ta cũng đứng trước những thách thức, khó khăn không nhỏ. Trên lĩnh vực văn hóa gia đình, có những tác động tốt và không tốt. Cho dù cuộc sống trải qua nhiều biến đổi thì yếu tố đảm bảo xây dựng gia đình hạnh phúc bền lâu trong xã hội hiện đại vẫn bắt nguồn từ những giá trị truyền thống quý báu về tình yêu thương, đùm bọc, thủy chung, hiếu nghĩa, cần cù sáng tạo trong lao động, bất khuất, kiên cường bảo vệ Tổ quốc. Gia đình truyền thống có nhiều thuận lợi để giáo dục trí tuệ và đạo đức cho thế hệ con cháu. Gia đình thúc đẩy, khuyến khích, bảo trợ con cái theo đuổi học hành bằng mọi giá, nhờ đó trí tuệ được nâng cao. Gia đình còn đóng vai trò quan trọng trong việc giáo dục đạo đức truyền thống, giúp con người sống lương thiện. Những gia đình quản lý con cái thiếu chặt chẽ, thiếu quy củ nền nếp thường có con cái sống vượt qua những giá trị đạo lý truyền thống.

Về ấp 20 (xã Vĩnh Bình, huyện Hòa Bình) chúng tôi đến nhà ông Phạm Thành Công khi gia đình ông đang thu hoạch lúa. Không khí ấm áp, cởi mở, thân thiện của gia đình ông khiến chúng tôi không khỏi xúc động. “Để gia đình vui vẻ, con cháu thảo hiền, công ăn việc làm ổn định, ngoài việc thực hiện bổn phận chăm lo cho con ăn học thành tài, chúng tôi còn có bổn phận, trách nhiệm với các cháu của mình. Chính vì vậy, dẫu con cái đã lập gia đình, ra ở riêng nhưng việc thường xuyên gặp gỡ để sẻ chia, giáo dục con cháu là vấn đề được vợ chồng tôi quan tâm hàng đầu”, ông Công chia sẻ. Trải qua bao thăng trầm của cuộc sống, nên ông rất thấu hiểu giá trị gia đình truyền thống qua câu nói của thế hệ đi trước: “Gia đình có ông, bà, cha, mẹ thì con cháu được giáo dục tốt hơn và sự yêu thương chăm sóc cũng đầy đủ hơn”.

Bởi thế, cho dù cuộc sống phát triển, hiện đại đến mấy thì trong gia đình vẫn cần giữ những giá trị truyền thống tốt đẹp. Đó là vợ chồng luôn yêu thương nhau, cùng chăm lo nuôi dạy con cái, sống gương mẫu cho con cháu noi theo, đồng thời con cái luôn hiếu thảo, kính trọng, phụng dưỡng ông bà, cha mẹ; các thành viên trong gia đình phải biết quan tâm chia sẻ, yêu thương nhau.

Kế thừa và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của gia đình truyền thống trong việc xây dựng và phát triển gia đình Việt Nam hiện đại là một việc làm cần thiết và có ý nghĩa. Qua đó góp phần vào mục tiêu chung là xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, hướng tới hình thành con người mới Việt Nam với những đặc tính cao đẹp và tiến bộ.

Khả Vy

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.