Đời sống - Xã hội
Ngăn chặn bạo lực để xây dựng xã hội văn minh
>>> Bài 1: Bạo lực gia đình - Khi tổ ấm không còn... ấm
Bài 2: Nhức nhối nạn giải quyết xung đột bằng bạo lực
Từ những vụ việc xảy ra tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước thời gian gần đây, dư luận đặc biệt quan tâm, lo lắng trước tình trạng hành xử bạo lực, côn đồ, thậm chí có tính chất cấu kết thành băng, nhóm đe dọa đến trật tự an toàn xã hội. Lời qua tiếng lại vài câu, mượn tiền chậm trả, khúc mắc về tình cảm, tức giận nhất thời hay nghi “nhìn đểu”… đều có thể khiến bạo lực lấn át tình người.
Một nhóm người hành hung nạn nhân ngã gục trước quán nhậu ở Phường 7 (TP. Bạc Liêu). Ảnh chụp từ clip
Bạo lực ở tuổi thần tiên
Bạo lực học đường không phải là hiện tượng mới và đang trở thành vấn đề nhức nhối đối với nền giáo dục Việt Nam nói chung và các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh nói riêng. Hiện tượng học sinh (HS) đánh nhau ở một số địa phương đã bộc lộ tính chất nguy hiểm và nghiêm trọng. Có thể kể đến như các vụ HS dùng hung khí đánh nhau trước và trong sân trường, HS nữ đánh nhau hội đồng, làm nhục bạn gây hậu quả nghiêm trọng và bức xúc. Cá biệt còn có hiện tượng HS hành hung thầy, cô giáo. Ngược lại, cũng có hiện tượng thầy, cô giáo dùng lời nói xúc phạm, dùng vũ lực để “giáo dục” HS…
Nếu như tại huyện Hòa Bình từng xảy ra vụ việc 2 HS trường THCS và THPT từ mâu thuẫn dẫn đến đánh nhau khiến một em nhập viện; một HS tại trường THCS thuộc TP. Bạc Liêu bị gãy sống mũi sau ẩu đả của một nhóm HS thì năm học 2020 - 2021, bạo lực học đường lại tái diễn bằng cuộc ẩu đả giữa nam và nữ HS trường THPT trên địa bàn TP. Bạc Liêu, nguyên nhân được cho là từ những mâu thuẫn trên mạng xã hội. Đáng nói, khi 2 HS đánh nhau xong, người thân của nữ sinh tiếp tục đến cổng trường “dằn mặt” nam sinh thêm lần nữa.
Thống kê của Sở GD-KH&CN tỉnh cho biết, trong 5 năm qua có gần 100 vụ HS tham gia đánh nhau. Đa số các nhà trường đều cho biết đó là sự hiểu lầm hoặc xích mích nhỏ, sự việc được giải quyết êm thấm trong nội bộ trường, hoặc nhờ công an cơ sở hòa giải ổn thỏa. Tuy nhiên, một vấn đề được đặt ra là với cách hành xử có khuynh hướng bạo lực từ những cô cậu học trò đang tuổi thần tiên, nếu không ngăn chặn, lên án và loại trừ ra khỏi môi trường giáo dục, hậu quả sẽ lớn đến đâu?! Tình trạng càng xấu hơn khi có sự “nhảy vào” quá đà của phụ huynh khiến sự việc thêm nghiêm trọng.
Một số giáo viên lo ngại, ở lứa tuổi mới lớn, các em thích chứng tỏ, thể hiện cái tôi, tiếp xúc với nhiều điều tiêu cực của xã hội và thiếu kỹ năng sống nên tình trạng giải quyết những mâu thuẫn nhỏ bằng vũ lực có dấu hiệu tăng. Và những trường hợp phụ huynh cư xử thiếu hòa nhã, sẵn sàng giơ cao tay với HS bằng tuổi con, cháu mình vô tình trở thành tấm gương xấu tác động tiêu cực đến lứa tuổi học đường.
Phiên tòa xét xử bị cáo dùng dao đâm người thi hành công vụ trong khu cách ly. Ảnh: K.P
Khi lưỡi dao cao hơn tình người
Hai năm qua, Bạc Liêu xảy ra gần 170 vụ án giết người, cố ý gây thương tích. Trong đó, số vụ cố ý gây thương tích năm sau cao hơn năm trước. Năm 2021, quá trình thực hành quyền công tố, kiểm sát khởi tố, Viện Kiểm sát nhân dân 2 cấp cũng đã thụ lý giải quyết 63 vụ phạm tội cố ý gây thương tích, 10 vụ giết người. Nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ mâu thuẫn cá nhân, bộc phát nhất thời, thậm chí là do “nhìn không thuận mắt” cũng xuống tay.
Công an TP. Bạc Liêu đang điều tra, làm rõ vụ một người đàn ông bị một nhóm người vô cớ hành hung khi chạm mặt nhau tại một quán nhậu ở Phường 7 (TP. Bạc Liêu) vào khuya 6/5/2022. Mặc dù có sự ngăn cản của nhiều người, song nạn nhân vẫn bị đánh đến khi gục xuống. Vụ việc này khiến dư luận nhớ lại hiện trường bê bết máu trong vụ án một thanh niên bị chém đứt lìa cánh tay tại Phường 2 (TP. Bạc Liêu). Hai thanh niên L.V.H (SN 1988) và H.H.G (SN 1992) nửa đêm hẹn nhau ra giải quyết mâu thuẫn từ số tiền 2 triệu đồng. Sau tranh cãi, xô xát, H. dùng dao tự chế chém nhiều nhát vào người khiến G. đứt lìa cánh tay và nhiều vết thương khác trên cơ thể nhưng may mắn toàn mạng do được cấp cứu kịp thời.
Tình trạng thanh thiếu niên vì những gút mắc nhỏ nhặt trong cuộc sống mà nuôi dưỡng thù hằn rồi giải quyết bằng bạo lực ngày càng đáng báo động. Nhiều trường hợp còn tấn công lực lượng thi hành công vụ. Chỉ vì không muốn cách ly tập trung tại thời điểm dịch COVID-19 bùng phát, H.V.T (huyện Phước Long) đã kích động một số người trong khu cách ly đập phá, xúc phạm, thách thức đánh nhau với lực lượng chức năng. Tuyên truyền, thuyết phục không hiệu quả, lực lượng chức năng tiến hành khống chế đưa T. đi cách ly thì bị T. dùng dao tấn công bị thương, trong đó một cán bộ công an tỷ lệ thương tích 31%.
Cuộc sống hằng ngày không thể tránh khỏi những va chạm, mâu thuẫn. Tuy nhiên, cách xử lý không khéo léo hoặc vì muốn thể hiện cái tôi, thiếu kiềm chế của một số người dẫn đến những hành vi bạo lực, gây ra nhiều hệ lụy đau lòng. Bên cạnh đó, sự đi xuống về đạo đức và lối sống, thiếu kỹ năng tiết chế cảm xúc cũng như tác động tiêu cực từ các sản phẩm truyền thông, mạng xã hội mang tính bạo lực… cũng khiến một bộ phận, trong đó có giới trẻ thích “động tay, động chân” để giải quyết mâu thuẫn mà không nghĩ đến hậu quả.
Bạo lực chưa bao giờ là một giải pháp văn minh trong ứng xử giữa con người với nhau. Việc hành hung người khác là hành vi vi phạm pháp luật rất nguy hiểm, gây mất trật tự an toàn xã hội cần được bài trừ, nghiêm trị.
Thanh Hải - Tú Quyên
Gần đây, nhiều vụ bạo lực học đường diễn ra với hình thức: chửi thề, nói xấu, chia rẽ bè phái, miệt thị; nhắn tin hoặc gửi thư uy hiếp, bắt nạt, trấn lột đồ đạc, tiền bạc; uy hiếp bằng hình ảnh, thông tin mang tính chất bạo lực, đồi trụy trên mạng Internet; dùng vũ lực như tát, đá, đấm, đánh, giật tóc, quay video clip các hành vi bạo lực và đưa lên mạng Internet. Phương tiện bạo lực được học sinh sử dụng từ giày dép, sách vở, thư truyền tay, mạng Internet cho đến ống sắt, thậm chí là dao... (theo Sở GD-KH&CN Bạc Liêu).
- Mua baby three