Đời sống - Xã hội
Ngăn chặn bạo lực để xây dựng xã hội văn minh
Những năm gần đây, cùng với sự phát triển của đời sống kinh tế - xã hội, mâu thuẫn và xung đột xã hội đang có chiều hướng gia tăng trên rất nhiều lĩnh vực, tính chất các xung đột cũng ngày càng phức tạp. Thói quen sử dụng bạo lực để giải quyết các mâu thuẫn đã trở thành vấn đề nhức nhối trong xã hội. Thực trạng này đòi hỏi có cái nhìn bao quát, đánh giá đúng nguyên nhân sâu xa, để chung tay phòng chống, ngăn chặn. Hơn lúc nào hết, tình người, các giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp của dân tộc cần được phát huy cùng với pháp luật để giải quyết đúng đắn các mối quan hệ giữa người với người, tất cả vì môi trường xã hội an toàn, bình đẳng, văn minh!
Bài 1: Bạo lực gia đình - Khi tổ ấm không còn... ấm
Bạo lực gia đình (BLGĐ) từ lâu vẫn là chuyện nhức nhối trong nhiều gia đình Việt Nam, không chỉ làm xói mòn các giá trị đạo đức, phá vỡ sự bền vững, mà còn là một trong những nguyên nhân khiến không ít gia đình tan nát, đẩy trẻ thơ vào cảnh ly tán… Mặc dù hệ lụy từ BLGÐ được phơi bày rất rõ ràng, song vẫn còn đó những tiếng thở dài cam chịu, thậm chí là cắn răng im lặng của nạn nhân từ các vụ BLGÐ.
Em H. (ấp Công Điền, xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi) nằm viện điều trị do bị cha dượng đánh trọng thương.
Cạn nghĩ hay cạn tình
Sự việc đã trôi qua gần 5 năm, nhưng dư âm nỗi đau của vụ mâu thuẫn gia đình tại Phường 1 (TP. Bạc Liêu) dẫn đến cái chết bi thảm của người vợ, đẩy 2 đứa trẻ vào cảnh mồ côi vẫn còn hiển hiện. Nguyên nhân của thảm kịch ấy xuất phát từ lời đề nghị ly hôn của người vợ. Trong lúc nghĩ quẫn, người chồng dùng dao đâm liên tục vợ mình, rồi tự kết liễu mạng sống nhưng may mắn được cấp cứu kịp thời.
Những người quen kể lại, trước đây vợ chồng chị T. rất chí thú làm ăn, có một cơ sở sản xuất bánh mì, gia đình êm ấm hạnh phúc. Sóng gió nổi lên khi chuyện làm ăn gặp khó khăn, lò bánh mì phải bán đi, từ khá giả, có cơ ngơi đàng hoàng, dần dà cuộc sống của gia đình đi vào bế tắc, cả nhà 4 người phải dắt díu nhau đi ở nhà trọ. Mâu thuẫn gia đình phát sinh khi số tiền kiếm được không trang trải nổi cuộc sống. Và đỉnh điểm khi người vợ thốt lên “em không thể sống chung với anh”. Không có cách níu kéo, H. đã giết vợ rồi tự sát.
Các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương đến nhà thăm hỏi tình trạng sức khỏe của em H.
Nào chỉ có phụ nữ, trẻ em cũng là nạn nhân của bạo lực gia đình. Chưa bao giờ tình trạng đánh đập, bạo hành tàn nhẫn đối với trẻ em “nóng” và xuất hiện dày đặc như hiện nay. Trong khi vụ việc mẹ ghẻ ở TP. Hồ Chí Minh bạo hành khiến con chồng tử vong, cha dượng ở Hà Nội dùng đinh đóng vào đầu con riêng của vợ khiến cháu bé chết đau đớn chưa kịp lắng xuống thì tại Bạc Liêu, dư luận tiếp tục phẫn nộ trước vụ cha dượng gây thương tích nặng cho con gái riêng của vợ tại ấp Công Điền (xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi).
Đây được cho là hậu quả từ mâu thuẫn âm ỉ nhiều năm của hai cha con. Năm 2018, ông B. về sống chung nhà với mẹ của em H. và có với nhau 1 đứa con chung. Thế nhưng do không thể hòa hợp nên giữa H. và ông B. thường xuyên xảy ra xích mích, cãi vã. Cho đến ngày 15/4, trong lúc nóng giận, ông B. đã hóa cuồng ra tay đánh H. một cách tàn nhẫn. Hậu quả là H. bị chấn thương vùng đầu, dập lá lách và bị gãy xương sườn số 9.
Chỉ vì những mâu thuẫn nhỏ, bất đồng trong cuộc sống hằng ngày không được giải quyết kịp thời đã bùng lên thành ngọn lửa lớn, hậu quả một người trọng thương, người kia phải đi tù. Phía sau còn là nỗi đau, giọt nước mắt xót xa, đau khổ, dằn vặt của người mẹ - người vợ.
Ở vùng sâu, tình trạng BLGĐ còn thường xuyên diễn ra (ảnh minh họa). Ảnh: T.Q - T.H
Khi bạo lực len lỏi mọi ngõ ngách đời sống
Những năm gần đây, BLGĐ không còn đơn thuần là hành vi đánh đập ngược đãi về thể xác, tinh thần, bạo hành trong tình dục… mà đẩy lên thành phạm pháp hình sự như con giết cha, chồng giết vợ, anh giết em hoặc ngược lại. Bạo lực có mặt ở hầu hết các gia đình từ học vấn thấp đến trí thức, từ kinh tế khó khăn đến những hộ khá giàu; không chỉ ở những đôi vợ chồng trẻ mà cả khi đã chung chăn gối với nhau hàng chục năm trời.
Nguyên nhân làm dẫn đến tình trạng BLGĐ thường xuyên diễn ra chính là do sự cam chịu từ phía nạn nhân, mà cụ thể nhất là phía người vợ và những đứa trẻ. Còn mang nặng lối suy nghĩ cổ hủ “xấu chàng hổ ai”, nên tuy bị đánh đập, ức hiếp nhưng họ vẫn im lặng, gồng mình chịu đựng. Tình trạng này kéo dài nhiều năm dẫn đến trầm cảm và rối loạn tâm lý, nhiều trường hợp còn thương tật suốt đời, thậm chí tử vong. Thương tâm là, sống trong gia đình thường xuyên bị bạo lực, suốt đời những đứa trẻ mang theo nỗi ám ảnh khôn nguôi về cách ứng xử thô bạo của người thân, từ đó có những bất thường về tâm lý mà bản thân không hề hay biết. Lăng kính tiêu cực về cuộc đời ấy tiếp tục vận vào thế hệ sau.
Cũng có dạng bạo lực không dùng nắm đấm nhưng vô cùng khắc nghiệt mang tên “bạo lực tinh thần”. Đó là việc sử dụng lời nói chì chiết, nhục mạ, kiểm soát hoạt động của nạn nhân, lợi dụng vị thế của mình gây áp lực, buộc người kia phải thuận theo mình… Nếu bạo lực thể xác thường diễn ra với gia đình có trình độ học vấn thấp, đời sống khó khăn thì bạo lực tinh thần lại nảy sinh trong gia đình trí thức hay gia đình có của ăn của để. Loại bạo lực này đã và đang âm thầm hành hạ nạn nhân một cách vô hình, nỗi đau và mức độ tổn thương về cả sức khỏe lẫn tinh thần mà nó để lại có khi còn khủng khiếp, đáng sợ hơn cả nỗi đau thể xác.
Mười mấy năm đầu ấp tay gối, chị H. và ông T. (huyện Vĩnh Lợi) được bao người ngưỡng mộ bởi cả 2 đều có công việc ổn định, sống thuận hòa và có cô con gái ngoan hiền, giỏi giang. Cái vỏ bọc hạnh phúc đầm ấm bị bóc trần khi chị H. đưa lá đơn ly hôn. Đó là lúc chị không thể chịu đựng thêm thói gia trưởng, thích sắp đặt mọi việc và luôn muốn vợ con tuân theo mình, khi có chuyện không hài lòng, ông cứ đay nghiến liên tục. Mặc dù không hành hạ thân xác, nhưng lời lẽ sắc hơn dao của chồng như cứa vào tim gan chị, những tổn thương cứ thế làm kiệt quệ tâm hồn lẫn thể xác, bào mòn tình yêu. “Tôi không muốn tiếp tục những tháng ngày địa ngục, ly hôn là sự giải thoát tốt nhất mà tôi ao ước lâu nay”, chị H. tâm sự.
Không riêng gì nước ta, BLGĐ là vấn đề mang tính toàn cầu, để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng cho con người, nhất là đối với phụ nữ và trẻ em, làm hạn chế sự tham gia của họ vào đời sống cộng đồng, không chỉ gây hậu quả về thể chất, tâm lý mà còn vi phạm nghiêm trọng các quyền con người, tạo ra nhiều hệ lụy xã hội. Gia đình là tổ ấm của mỗi người, là nơi để chúng ta luôn cảm thấy được mong chờ, yêu thương mỗi khi trở về. Cho nên, còn đau xót nào hơn khi chính BLGĐ lại trở thành nỗi ám ảnh, rào cản chắn ngang lối về của những ai đó với chính ngôi nhà thân thương của mình!
Thanh Hải - Tú Quyên
Từ năm 2008 đến nay, Bạc Liêu xảy ra hơn 4.200 vụ BLGĐ. Tuy nhiên, số vụ việc bị đưa ra xử lý hình sự không nhiều, chủ yếu chỉ khi có án mạng hoặc gây tổn thương thân thể mới bị xử lý. Trong đó có 19 vụ giết người (chồng giết vợ, vợ giết chồng, con giết cha mẹ, anh chị em giết nhau, giết con mới đẻ). Đồng thời, toàn tỉnh cũng có hơn 4.400 vụ ly hôn ít nhiều có liên quan đến BLGĐ.
Cùng thời gian này, Bạc Liêu tiếp nhận và đưa ra hòa giải hơn 4.200 vụ việc BLGĐ; tổng số phụ nữ bị BLGĐ được trợ giúp pháp lý là 2.200 người, trên 1.000 nạn nhân bị BLGĐ được thăm khám và chữa bệnh.