Y tế - Sức khỏe

Tác hại của thuốc lá đối với thanh, thiếu niên

Thứ Hai, 05/09/2022 | 16:58

Tình trạng trẻ hóa đối tượng nghiện thuốc lá đang là thực tế đáng báo động, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành chức năng trong việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho thanh, thiếu niên (TTN) về những tác hại do thuốc lá gây ra.

Tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe con người. Ảnh: Internet

THUỐC LÁ: DỄ NGHIỆN - KHÓ BỎ

TTN là lứa tuổi đang phát triển, đang định hướng và trưởng thành về tâm lý và nhân cách. Giai đoạn này các em chịu tác động và ảnh hưởng không nhỏ của gia đình, môi trường sống và giáo dục của nhà trường, xã hội nên hay học đòi hút thuốc lá theo các bạn mà không biết rằng, hút thuốc lá rất dễ gây nghiện và bỏ thuốc lá là cả một cuộc chiến gian nan. Hơn nữa, nhiều em chưa nhận thức và hiểu được những hậu quả của khói thuốc lá gây ra.

Hút thuốc lá rất có hại cho sức khỏe. Trong khói thuốc lá có đến 7.000 chất hóa học độc hại, trong đó có gần 70 chất gây ung thư… Khi hút thuốc, khói thuốc hít vào sẽ đưa các chất độc hại này theo đường miệng vào bên trong cơ thể con người. Các chất độc tích tụ, phá hủy dần các tế bào trong cơ thể, gây nên những bệnh nguy hiểm như các bệnh về phổi (viêm phổi, viêm phế quản phổi, bệnh phổi tắc nghẽn, tràn dịch màng phổi, lao phổi, ung thư phổi), các bệnh về tim mạch, ung thư các bộ phận khác của cơ thể, vô sinh… Ở tuổi TTN, cơ thể đang phát triển, không đủ kháng thể để chống lại những tác nhân độc hại từ khói thuốc lá nên các bộ phận cơ thể dễ bị chất độc tàn phá nhanh chóng.

Phần lớn, người nghiện thuốc lá bắt đầu hút khi tuổi đời còn trẻ mà đa số là do hiểu biết cụ thể về tác hại của thuốc lá còn rất hạn chế, kiến thức của người dân - trong đó có các em TTN chưa được trang bị một cách đầy đủ. Thuốc lá đang xâm chiếm và từng bước làm nguy hại nghiêm trọng đến sức khỏe cho chính người sử dụng nó và cả những người xung quanh hàng ngày hít phải khói thuốc lá. Thuốc lá còn tác động làm thay đổi tâm tính, từ hiền lành trở nên cộc cằn, thô lỗ, dễ nổi cáu, bẳn tính và để có tiền hút thuốc lá, không ít TTN đã nói dối, thậm chí là ăn cắp, hình thành nên những thói quen xấu. Thuốc lá gây ô nhiễm môi trường sống, làm giảm chất lượng học tập và hiệu quả làm việc, bào mòn sự thông minh, sáng tạo của thế hệ trẻ và tất nhiên sẽ mất dần “chất xám” của dân tộc Việt Nam.

HÃY NÓI KHÔNG VỚI THUỐC LÁ

Để giảm tình trạng hút thuốc lá ở TTN nói chung, học sinh - sinh viên nói riêng cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và cả xã hội. Cần phải có chế tài nghiêm khắc đối với việc bán thuốc lá cho người đủ 18 tuổi và cần có những việc làm mạnh tay hơn nữa của các sở, ban, ngành chức năng trong việc phòng chống hút thuốc lá.

Về phía gia đình thì thường xuyên quan tâm, giáo dục, nâng cao nhận thức cho con em mình; quan tâm, quản lý sinh hoạt hằng ngày của con cái về thời gian và các mối quan hệ bạn bè. Ngăn chặn không để các em tập hút, hút thuốc lá tại gia đình cũng như ở trường.

Trường học không chỉ chuyển tải kiến thức mà còn giáo dục, hình thành nhân cách TTN, góp phần xây dựng môi trường phát triển lành mạnh, ngăn chặn tệ nạn xã hội xâm nhập. Cần đẩy mạnh và làm phong phú các hoạt động xã hội, trong đó có các hoạt động về lối sống, giáo dục kỹ năng từ chối lời mời hút thuốc lá từ bạn bè hoặc mọi người, tạo thói quen nói không với thuốc lá. Hút thuốc lá tại trường học tác động xấu tới môi trường giáo dục và gây ô nhiễm khói thuốc thụ động. Bên cạnh đó, ảnh hưởng đến việc giáo dục, rèn luyện nhân cách và tác động xấu đến sức khỏe học sinh. Vì vậy việc phòng chống tác hại thuốc lá trong trường học giúp các em học sinh không hút thuốc, góp phần quan trọng bảo vệ sức khỏe của các thế hệ tương lai của đất nước. Vì sức khỏe của chính bạn và cộng đồng - hãy nói không với thuốc lá!

Trúc Ly (TH)

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.