Y tế - Sức khỏe

Cộng đồng chung tay phòng chống bệnh sốt xuất huyết

Thứ Hai, 22/07/2019 | 16:55

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm do vi-rút Dengue gây ra, lây lan qua muỗi vằn hút máu người. Bệnh chưa có vắc-xin phòng ngừa, không có thuốc điều trị đặc hiệu nên mỗi người dân phải nâng cao ý thức tự phòng bệnh và thực hiện các biện pháp phòng ngừa đơn giản mà hiệu quả cao theo khuyến cáo của ngành Y tế.

Điều trị bệnh sốt xuất huyết cho trẻ em tại Bệnh viện Đa khoa Bạc Liêu. Ảnh: C.K

Tổng quan về bệnh sốt xuất huyết

Bệnh sốt xuất huyết xảy ra quanh năm, nhưng thường bùng phát thành dịch lớn vào mùa mưa, nhất là vào các tháng 6, 7, 8, 9 và 10 theo chu kỳ 4 năm/lần. Hai loại muỗi vằn truyền bệnh có tên khoa học là Aedes aegypti và Aedes albopictus, trong đó chủ yếu là Aedes aegypti. Muỗi vằn có màu đen, thân và chân có những đốm trắng, khi đậu thân muỗi song song với da người. Muỗi vằn cái đốt người vào ban ngày, mạnh nhất vào sáng sớm và chiều tối. Nơi ở của muỗi vằn thường ở các góc tối trong nhà, trên quần áo, mùng mền, dây phơi và các đồ dùng trong nhà, do đó phải dọn dẹp sạch sẽ, tránh các góc tối khuất và ẩm, đồ dùng phải gọn gàng, ngăn nắp. Muỗi vằn đẻ trứng, sinh sản ở các ao, vũng nước hoặc các dụng cụ chứa nước mưa sạch ở trong và xung quanh nhà như bể nước, chum, vại, lu, khạp, giếng nước, hốc cây… các đồ vật hoặc đồ phế thải có chứa nước như lọ hoa, bát nước kê chạn, lốp xe, vỏ dừa, lon sữa… nên hạn chế trữ nước mưa, nếu có trữ nước mưa phải lót tấm nylon dưới nắp và đậy thật kín tránh muỗi vào đẻ trứng.

Dấu hiệu nhận biết bệnh sốt xuất huyết

Khi nghi ngờ bị sốt xuất huyết cần đưa ngay người bệnh đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.

- Sốt cao đột ngột 39 - 400C, kéo dài từ 2 - 7 ngày, khó hạ sốt.

- Đau đầu dữ dội ở vùng trán, sau nhãn cầu.

- Nổi mẩn đỏ, phát ban, nốt xuất huyết…

- Đau bụng vùng gan.

- Siêu âm: có dịch ổ bụng, phù nề thành túi mật…

- Xét nghiệm máu: tiểu cầu giảm mạnh < 100.000/mm3 máu.

- Sốt xuất huyết ngày 2 trở đi hoặc bệnh trở nặng có thể xuất hiện một hoặc nhiều dấu hiệu chấm xuất huyết dưới da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, vết bầm tím chỗ tiêm, nôn/ói ra máu, đi cầu phân đen (do bị xuất huyết nội tạng). Đau bụng, buồn nôn, chân tay lạnh, người vật vã, hốt hoảng (hội chứng choáng do xuất huyết nội tạng gây mất máu, tụt huyết áp). Giai đoạn nguy hiểm nhất bệnh sốt xuất huyết từ ngày thứ 3 trở đi, nếu điều trị chậm trễ hoặc điều trị không đúng, người bệnh có thể gặp biến chứng nguy hiểm như: trụy mạch, sốc, chảy máu nội tạng, xuất huyết não, phù phổi cấp, suy tim… nguy cơ tử vong rất cao.

Đòi hỏi sự vào cuộc của cả cộng đồng

Đặc điểm dịch tễ vi-rút Dengue có 4 típ gây bệnh là D1, D2, D3, D4, miễn dịch được tạo thành sau khi mắc bệnh chỉ có tính đặc hiệu đối với từng típ cho nên mỗi người có thể mắc bệnh sốt xuất huyết lần thứ 2 hoặc thứ 3 bởi những típ khác nhau và ở những thời điểm khác nhau, lần sau mắc bệnh có nguy cơ nặng hơn lần trước.

Bệnh sốt xuất huyết nguy hiểm ở chỗ bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc-xin phòng bệnh. Hơn nữa, bệnh thường gây ra dịch lớn với nhiều người mắc cùng lúc làm cho công tác điều trị hết sức khó khăn, nguy cơ tử vong cao, gây thiệt hại lớn về kinh tế, xã hội. Chủ yếu phòng ngừa bệnh dựa vào cộng đồng, bằng các biện pháp dân gian là chính, đòi hỏi có sự đồng lòng và quyết tâm thực hiện của cả cộng đồng dân cư.

BS. PHƯỚC NHƯỜNG

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.