Y tế - Sức khỏe

Bệnh sốt xuất huyết gia tăng, người dân lo lắng

Thứ Hai, 29/08/2022 | 16:17

Thời gian gần đây, bệnh sốt xuất huyết (SXH) trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp, số ca bệnh nặng cũng tăng so với cùng kỳ. Dù ngành Y tế đã triển khai nhiều biện pháp phòng bệnh nhưng số ca mắc bệnh vẫn liên tục tăng. Vì thế, tâm lý người dân rất lo lắng.

Điều trị bệnh SXH tại Khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Ảnh: C.K

Tính từ đầu năm 2022 đến nay, toàn tỉnh ghi nhận trên 800 ca bệnh SXH. Đáng chú ý là bệnh SXH Dengue có dấu hiệu cảnh báo với 753 ca, trong đó có đến 160 ca là trẻ em, 19 ca nặng, 2 trường hợp tử vong. Trong các địa phương thì TP. Bạc Liêu ghi nhận nhiều ca mắc SXH nhất với trên 200 trường hợp được ghi nhận. Kế đến là huyện Đông Hải với trên 150 trường hợp, TX. Giá Rai trên 130 trường hợp, huyện Vĩnh Lợi trên 90 trường hợp…

Trước tình hình trên, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố đã tăng cường tổ chức các hoạt động vệ sinh môi trường, thu gom phế thải, vật dụng linh tinh, khu vực có nước đọng… trong và xung quanh nhà dân; tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân chủ động tham gia phòng, chống dịch. Chú trọng triển khai tại các vùng sâu, vùng xa, vùng khó tiếp cận dịch vụ y tế, vùng có đông đồng bào dân tộc sinh sống, khu vực có di biến động về dân cư, khu vực có ổ dịch cũ.

Cùng với đó là triển khai mạnh mẽ, có hiệu quả các chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng và duy trì hoạt động 1 tuần/lần tại các khu vực có nguy cơ cao, 2 tuần/lần tại các khu vực có chỉ số muỗi, lăng quăng cao và 1 tháng/lần tại các khu vực còn lại. Vận động toàn thể người dân cùng tham gia, đặc biệt chú ý nơi trú ẩn các ổ lăng quăng.

Trong đó, tập trung ở những hộ dân có nhiều dụng cụ chứa nước không được đậy kín, bãi đất trống, khu nhà trọ, công trường xây dựng, điểm thu mua phế liệu, lốp xe, điểm bán cây kiểng, cà phê sân vườn và nơi tập trung đông người như: chợ, trường học, bệnh viện, trạm y tế, cơ quan ban, ngành, bến xe, bãi xe, nhà thờ, chùa, đình, công viên, khu vui chơi trẻ em... Đồng thời tổ chức xử lý triệt để ổ dịch mới phát sinh, đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật, có đánh giá khu vực nguy cơ cao để tổ chức phun hóa chất diệt muỗi phòng chống SXH, ngăn chặn sự phát triển của muỗi và chu kỳ dịch của bệnh SXH quay trở lại.

Ông Phạm Văn Tùng - Phó Giám đốc Sở Y tế, cho biết: “Mặc dù số ca mắc bệnh SXH trên địa bàn tỉnh tuy giảm hơn so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn ở mức khá cao, do hiện nay đang là mùa mưa tạo điều kiện cho lăng quăng, bọ gậy phát triển. Trước tình hình bệnh SXH Dengue diễn biến phức tạp, nguy cơ số ca mắc và tử vong do sốt xuất huyết Dengue bùng phát mạnh, Sở Y tế đã có văn bản đề nghị lãnh đạo các đơn vị khẩn trương chỉ đạo thực hiện một số nội dung cấp thiết trong công tác phòng, chống SXH, tổ chức tốt việc tiếp nhận điều trị bệnh nhân, hạn chế tối đa các trường hợp tử vong do SXH Dengue. Bên cạnh đó, ngành cũng có kế hoạch đào tạo, tập huấn chuyên môn kỹ thuật, hỗ trợ tuyến dưới; chỉ đạo các khoa, phòng chuyên môn cập nhật ca bệnh SXH Dengue đầy đủ, kịp thời, đúng quy định vào phần mềm trực tuyến, chỉ định thu dung lấy mẫu xét nghiệm phân lập vi-rút... Chuẩn bị sẵn sàng vật tư, thuốc, trang thiết bị cho việc tiếp nhận và điều trị SXH Dengue nặng”.

KHÁNH CHÂU

Tẩm mùng bằng hóa chất để phòng muỗi đốt gây bệnh SXH. Ảnh: C.K

Giai đoạn nguy hiểm của bệnh SXH

Thường vào ngày thứ 3 - 7 của bệnh SXH, bệnh nhân có thể còn sốt hoặc đã giảm sốt. Có thể có các biểu hiện sau:

Biểu hiện thoát huyết tương do tăng tính thấm thành mạch (thường kéo dài 24 - 48 giờ). Tràn dịch màng phổi có các biểu hiện: Đau ngực, cảm giác tức nặng ngực, đau ngực tăng khi thay đổi tư thế, khó thở. Tràn dịch màng bụng: Bụng to nhanh, chướng bụng, khó thở. Gan to: Đau tức vùng hạ sườn phải hoặc vùng thượng vị.

Nếu thoát huyết tương nhiều sẽ dẫn đến sốc do giảm khối lượng tuần hoàn với các biểu hiện vật vã, bứt rứt hoặc li bì, lạnh đầu chi, da lạnh ẩm, mạch nhanh nhỏ, huyết áp kẹt, tiểu ít.

Một số trường hợp nặng có thể có biểu hiện suy tạng như viêm gan nặng, viêm não, viêm cơ tim. Những biểu hiện nặng này có thể xảy ra ở một số người bệnh không có dấu hiệu thoát huyết tương rõ hoặc không sốc.

Xuất huyết, xuất huyết dưới da: Nốt xuất huyết hoặc mảng xuất huyết thường ở mặt trước hai cẳng chân và mặt trong hai cánh tay, bụng, đùi, mạng sườn.

Xuất huyết ở niêm mạc: Chảy máu mũi, lợi, tiểu ra máu. Kinh nguyệt kéo dài hoặc xuất hiện kinh sớm hơn kỳ hạn.

Xuất huyết nội tạng như tiêu hóa, phổi, não với biểu hiện nôn ra máu, đi tiểu ra máu, ho ra máu, ra máu âm đạo bất thường, rong kinh...

Giai đoạn hồi phục: Sau 24 - 48 giờ của giai đoạn nguy hiểm, có hiện tượng tái hấp thu dần dịch từ mô kẽ vào bên trong lòng mạch. Giai đoạn này kéo dài 48 - 72 giờ, người bệnh hết sốt, toàn trạng tốt lên, thèm ăn, huyết động ổn định và tiểu nhiều. Xét nghiệm các chỉ số dần trở về bình thường.

Biến chứng của bệnh SXH

SXH có thể gây nên các biến chứng nặng, tỷ lệ tử vong cao. Thoát huyết tương nặng làm giảm khối lượng tuần hoàn dẫn đến sốc SXH.

Xuất huyết nặng: Chảy máu cam nặng (cần nhét gạc vách mũi), rong kinh nặng, xuất huyết trong cơ và phần mềm, xuất huyết đường tiêu hóa và nội tạng. Xuất huyết nặng có thể dẫn đến đông máu rải rác lòng mạch.

Xuất huyết nặng cũng có thể xảy ra ở người bệnh dùng các thuốc như Aspirin, Ibuprofen để hạ sốt hoặc dùng Corticoid, tiền sử loét dạ dày, tá tràng, viêm gan mạn.

Suy tạng nặng: Suy gan cấp, men gan AST, ALT ≥ 1.000 U/L.

Suy thận cấp: Thiểu niệu, vô niệu (không có nước tiểu), ure, creatinin tăng cao. Rối loạn tri giác (SXH thể não). Viêm cơ tim, suy tim.

T.L (TH)

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.