Y tế - Sức khỏe

Bệnh dại rất nguy hiểm nhưng hoàn toàn có thể phòng ngừa được

Thứ Hai, 20/11/2023 | 15:01

Bệnh dại (Rabies) là bệnh truyền nhiễm, do vi-rút dại lây từ động vật có vú sang người, dẫn đến nhiễm trùng não, thần kinh nghiêm trọng và không hồi phục, khi đã lên cơn dại khả năng tử vong 100% và trong đó có 99% số ca bệnh dại ở người do chó nhà nhiễm vi-rút dại cắn, cào xước chảy máu lây truyền vi-rút dại qua vết thương.

Theo Báo cáo 169/BC-KSBT ngày 9/11/2023 của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bạc Liêu về việc thu thập, báo cáo xử lý ca tử vong do bệnh dại tại tỉnh Bạc Liêu: Bệnh nhân Nguyễn Vũ Phong (sinh năm 1994, địa chỉ tạm trú ấp Thanh Hải, xã Long Điền Tây, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu). Tiền sử tiếp xúc vi-rút dại: Khoảng 2 tháng trước, bệnh nhân đi mua cây kiểng trên đoạn đường ấp 2, thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải (gần Agribank), có 2 con chó rượt đuổi cắn nhau, vô tình va vào người và cắn bệnh nhân gây ra vết thương ở ngón II chân phải, vết thương rách da khoảng 2 - 3cm, rướm máu. Bệnh nhân không có biện pháp xử lý gì, không báo y tế, không đi chích ngừa (mặc dù người thân trong gia đình đã khuyên đi chích ngừa dại). Ngày 3/11/2023, bệnh nhân có các triệu chứng sợ ánh sáng, sợ nước, sợ gió lạnh, không uống nước được, không đi khám bệnh, không uống thuốc gì. Đến ngày 6/11/2023, các triệu chứng như sợ ánh sáng, sợ nước nhiều hơn, bệnh nhân mất ngủ, chán ăn, miệng tiết nhiều đờm dãi nên người nhà đưa nhập viện tại Bệnh viện Đa khoa Bạc Liêu. Bệnh nhân được điều trị tại Khoa Nhiễm với chẩn đoán khi vào viện là bệnh dại và đã tử vong vào lúc 0 giờ 10 phút ngày 7/11/2023 tại Bệnh viện Đa khoa Bạc Liêu.

Bệnh dại rất nguy hiểm và lây nhiễm thế nào?

Bệnh dại lây từ nước bọt của động vật bị dại thông qua vết cắn, liếm. Ổ chứa vi-rút dại trong thiên nhiên là động vật có máu nóng, đặc biệt là chó. Ngoài ra, vi-rút dại cũng được phát hiện ở mèo, chồn, dơi và các động vật có vú khác. Ngay khi vào cơ thể, vi-rút dại xâm nhập vào các dây thần kinh ngoại biên, chạy dọc theo các dây thần kinh đến tủy sống và não bộ gây nên dấu hiệu lâm sàng dại. Thời gian ủ bệnh dại có thể dưới 1 tuần hoặc trên 1 năm, phụ thuộc vào số lượng vi-rút xâm nhập vào cơ thể, sự nặng nhẹ của vết thương, khoảng cách từ vết thương đến hệ thần kinh trung ương… Vết thương càng ở gần hệ thần kinh trung ương như mặt, cổ, đầu, hoặc ở ngón tay, ngón chân, cơ quan sinh dục ngoài… thì thời gian ủ bệnh càng ngắn.

Bệnh dại có lây truyền từ người sang người không?

Đã có ghi nhận trường hợp bệnh dại lây truyền trực tiếp từ người sang người thông qua vùng da bị tổn thương, qua niêm mạc, do sử dụng chung đồ ăn, vật dụng có nhiễm nước bọt của người mắc bệnh dại.

Bệnh dại có lây qua đường ăn uống không?

Chưa ghi nhận bệnh dại xảy ra trên người do uống sữa hay do ăn thịt động vật đã nấu chín.

Có phải ai bị chó cắn cũng mắc bệnh dại? Không phải 100% người bị chó cắn đều bị dại. Nguy cơ nhiễm dại phụ thuộc vào yếu tố con vật có bị dại hay không, lượng vi-rút trong nước bọt của con vật nhiều hay ít, vết thương nông hay sâu, có vệ sinh sát khuẩn vị trí tổn thương đúng cách kịp thời ngay sau khi bị chó cắn hay không… Tiêm phòng dại ngay sau khi bị chó cắn trong tất cả mọi trường hợp là biện pháp phòng ngừa bệnh dại hiệu quả nhất.

Bác sĩ PHƯỚC NHƯỜNG

Xử lý khẩn cấp ổ dịch dại động vật được quy định:

Mục 4 Phụ lục 15 ban hành kèm theo Thông tư 07/2016/TT-BNNPTNT quy định:

4. Xử lý khẩn cấp ổ dịch dại động vật

4.1. Cơ quan có thẩm quyền thực hiện công bố dịch theo quy định tại Điều 26 của Luật Thú y.

4.2. Tiêm phòng khẩn cấp bao vây ổ dịch

a) Tiêm phòng khẩn cấp vắc-xin dại cho toàn bộ đàn chó, mèo khỏe mạnh trong xã có ổ dịch dại và các xã tiếp giáp với xã có dịch.

b) Huy động lực lượng tại chỗ hỗ trợ tiêm phòng; người trực tiếp tham gia tiêm phòng phải là nhân viên thú y hoặc người đã qua tập huấn về tiêm phòng dại.

c) Cơ quan quản lý chuyên ngành Thú y địa phương hướng dẫn, quản lý, thực hiện tiêm phòng và giám sát việc tiêm phòng.

d) UBND cấp xã tổ chức tiêm phòng vắc-xin dại cho chó, mèo để bao vây ổ dịch.

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.