Y tế - Sức khỏe

“30 năm ứng phó và cơ hội chấm dứt đại dịch AIDS tại Việt Nam”

Thứ Hai, 30/11/2020 | 15:04

Kể từ khi người nhiễm HIV được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1990, đến nay, Việt Nam đã có 30 năm chính thức ứng phó với dịch HIV/AIDS. Tháng hành động quốc gia phòng chống HIV/AIDS năm 2020, Việt Nam tập trung vào chủ đề: “30 năm ứng phó và cơ hội chấm dứt đại dịch AIDS tại Việt Nam”. Đây là một dấu mốc quan trọng để Việt Nam cùng các đối tác nhìn lại các thành quả mà chương trình phòng chống HIV/AIDS đã đạt được trong suốt 30 năm qua…

Những thành quả quan trọng

Qua 30 năm phòng chống HIV/AIDS, Việt Nam đã đạt được những thành quả quan trọng. Trong đó, hệ thống văn bản được hoàn thiện, tạo hành lang pháp lý quan trọng cho việc triển khai hiệu quả công tác phòng chống HIV/AIDS; tổ chức mạng lưới phòng chống AIDS phát triển, thay đổi phù hợp và đáp ứng tốt các nhiệm vụ theo từng thời kỳ; hoạt động dự phòng lây nhiễm HIV ngày càng đa dạng và hiệu quả; công tác tư vấn xét nghiệm HIV được triển khai đa dạng, đảm bảo tính sẵn có và tăng khả năng tiếp cận dịch vụ cho các nhóm có hành vi nguy cơ cao.

Hiện tại, cả nước có hơn 1.200 phòng xét nghiệm sàng lọc, bao phủ 100% tuyến huyện; có 170 phòng xét nghiệm khẳng định HIV, bao phủ 100% tỉnh, thành phố. Xét nghiệm khẳng định HIV được mở rộng xuống tuyến huyện, đến hết năm 2018, đã có 55 phòng xét nghiệm khẳng định HIV tuyến huyện. Hệ thống phòng xét nghiệm khẳng định HIV cũng đang được triển khai thí điểm sử dụng 3 test nhanh tại các tỉnh miền núi, vùng sâu vùng xa…

Bên cạnh đó, hệ thống các cơ sở điều trị HIV/AIDS đã được thiết lập và mở rộng nhanh chóng để mở rộng độ bao phủ điều trị, tạo điều kiện thuận lợi cho người nhiễm HIV tiếp cận dịch vụ điều trị và duy trì điều trị lâu dài. Số lượng bệnh nhân được điều trị tăng nhanh qua các năm: Đến ngày 30/9/2020, cả nước có 150.984 bệnh nhân HIV đang được điều trị tại 446 cơ sở điều trị và 652 cơ sở cấp phát thuốc.

Kết quả theo dõi chất lượng điều trị cho thấy: Tỷ lệ tuân thủ ARV sau 12 tháng là 88%. Số trẻ em nhiễm HIV do lây truyền HIV từ mẹ có xu hướng liên tục giảm từ năm 2012 đến nay, tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con ở những trẻ được điều trị dự phòng bằng ARV trong 4 năm gần đây đều dưới 2,5%...

ĐV-TN Bạc Liêu tham gia lễ mít-tinh hưởng ứng Ngày thế giới phòng chống HIV/AIDS (1/12). Ảnh: C.K

Điểm sáng về phòng chống HIV/AIDS

Tình hình HIV/AIDS giảm nhanh, bệnh ngày càng được kiểm soát tốt, đạt được các chỉ tiêu được giao; Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá là điểm sáng về phòng chống HIV/AIDS. Có thể điểm qua một vài con số như: Duy trì tỷ lệ hiện nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư dưới 0,3% theo như mục tiêu Chiến lược quốc gia phòng chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn 2030. Số các trường hợp nhiễm HIV được phát hiện mới từng năm có xu hướng giảm từ năm 2007 đến nay. Trong giai đoạn 2005 - 2007, trung bình phát hiện mới được hơn 28.000 trường hợp nhiễm HIV/năm; giai đoạn 2008 - 2012, trung bình phát hiện mới được hơn 17.000 trường hợp nhiễm HIV/năm và từ năm 2012 đến nay, trung bình mỗi năm phát hiện mới 10.000 trường hợp nhiễm HIV…

Theo báo cáo của UNAIDS (Chương trình Phối hợp của Liên Hiệp Quốc về HIV/AIDS nhằm mục đích phối hợp các nỗ lực và nguồn lực của các tổ chức thuộc hệ thống Liên Hiệp Quốc trong công cuộc ứng phó với đại dịch AIDS trên toàn cầu), Việt Nam là nước có số ước tính ca nhiễm mới HIV năm 2018 giảm lớn nhất (64%) so với năm 2010. Số ca nhiễm mới HIV của Việt Nam năm 2018 chỉ chiếm khoảng 2% trong tổng số ca nhiễm mới HIV ước tính cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương

Kết quả trên cho thấy việc triển khai tích cực và hiệu quả chương trình phòng chống HIV/AIDS trong thời gian qua đã giúp giảm rõ rệt số nhiễm mới HIV. Ngoài ra, chương trình cũng đã làm giảm rõ rệt số tử vong và dự phòng số trường hợp nhiễm mới HIV. Kết quả ước tính cho thấy, trong giai đoạn từ 2001 - 2018, chương trình đã dự phòng nhiễm mới HIV được cho hơn 460.000 người, giảm tử vong cho hơn 200.000 người.

Có thể nói, những kết quả đạt được trong suốt 30 năm qua trong công cuộc phòng chống HIV/AIDS, những bài học kinh nghiệm và Chiến lược quốc gia phòng chống HIV/AIDS mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chính là những cơ hội chấm dứt dịch bệnh AIDS ở Việt Nam vào năm 2030.

Châu Khánh

-----------------------------------------------------------------------------------------

THÔNG ĐIỆP NHÂN NGÀY THẾ GIỚI PHÒNG CHỐNG HIV/AIDS (1/12) NĂM 2020 CỦA TỔNG THƯ KÝ LIÊN HIỆP QUỐC

Nhân ngày thế giới phòng chống HIV/AIDS, Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc - António Guterres đã gửi thông điệp tới các nước như sau:

Khi toàn thế giới đều tập trung sự chú ý vào cuộc khủng hoảng về COVID-19, Ngày thế giới phòng chống AIDS năm nay nhắc nhở chúng ta cần tiếp tục nỗ lực phòng chống một đại dịch toàn cầu khác, dù đã xuất hiện từ 40 năm trước nhưng vẫn còn chưa được kiểm soát hoàn toàn.

Mặc dù đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể, tình trạng khẩn cấp về AIDS trên toàn cầu vẫn chưa kết thúc. Mỗi năm, toàn thế giới vẫn có 1,7 triệu người mới nhiễm HIV và 690.000 người tử vong do AIDS. Các bất bình đẳng vẫn khiến những người ít có tiếng nói nhất phải chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi HIV.

Đại dịch COVID-19 chính là hồi chuông cảnh tỉnh cho thế giới. Bất bình đẳng trong chăm sóc y tế ảnh hưởng đến tất cả chúng ta. Không ai được thật sự an toàn cho đến khi mọi người dân đều được an toàn.

Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc - António Guterres. Ảnh: Internet

Đáp ứng với HIV có nhiều kinh nghiệm hay để chia sẻ và áp dụng cho ứng phó với COVID-19. Chúng ta đã biết rằng để kết thúc được đại dịch AIDS và đánh bại được COVID-19 chúng ta phải chấm dứt kỳ thị và phân biệt đối xử, lấy người dân làm trung tâm và xây dựng các đáp ứng với dịch bệnh dựa trên các cách tiếp cận về quyền và bình đẳng giới.

Chúng ta không được để tài sản là yếu tố quyết định việc một người có được đáp ứng nhu cầu chăm sóc y tế của bản thân hay không. Chúng ta cần một loại vắc-xin phòng COVID-19 và những loại thuốc điều trị HIV với giá phải chăng để mọi người dân ở khắp mọi nơi đều có thể tiếp cận được.

Sức khỏe là một quyền của con người. Đầu tư cho sức khỏe phải là ưu tiên hàng đầu để thực hiện được chăm sóc sức khỏe toàn dân. Ngày thế giới phòng chống HIV/AIDS hôm nay, chúng ta hãy cùng nhau khẳng định rằng, để vượt qua đại dịch COVID-19 và kết thúc đại dịch AIDS, toàn thế giới phải đoàn kết lại và cùng nhau chia sẻ trách nhiệm.

T.L (TH)

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.