Xuân Kỷ Hợi 2019

Chờ đó!...

Thứ Năm, 17/01/2019 | 10:34

Tản văn: Trần Xuân Linh

Tôi dừng xe cùng hơn chục chiếc xe khác, chờ gần năm phút cho hàng dài học sinh qua hết bên kia đường. Phút giây ngắn ngủi và hình ảnh hàng dài học sinh áo trắng qua đường xui tôi nhớ da diết về ngôi trường thuở nhỏ của mình nơi miền quê xa xôi, vẫn còn trong tôi kỷ niệm tuổi thơ khó phai mờ.

Đến trường. Ảnh: Tiến Giang

Duyên thầm. Ảnh: Lâm Thanh Liêm

Trường tôi ngày ấy, chiều tan học, các lớp đều sắp hàng đôi theo thứ tự khi ra cổng trường. Hàng đôi, một bên là học sinh nữ, một bên là học sinh nam, ngang nhau từng đôi một. Ra khỏi cổng trường, hàng lại chia thành hai ngả đi về hai phía con đường. Có một hàng như các em học sinh này qua bên kia đường. Không lâu sau, không gian trả lại yên ắng như vốn có trước đó của sân trường.

Trên sân trường, chú Hiệp, người lao công luống tuổi với chiếc áo ka-ki cũ kỹ quen thuộc đứng sẵn nơi cánh cổng sắt lớn chờ khép lại, kết thúc một ngày học tập. Chú nhìn theo đám học trò ngang qua mặt mình. Thi thoảng mỉm cười, xoa đầu đứa nào đó lém lỉnh trêu chọc bạn. Nhưng chắc chú chưa từng nghĩ rằng, những đứa học trò đang qua chiếc cổng này mỗi ngày, đã bao năm với bao vui, buồn lẫn lo lắng kia đang chắt chiu từng kỷ niệm tuổi học trò một thuở.

Ngày ấy chúng tôi vẫn ngu ngơ mong thời gian sớm trôi qua. Vẫn đợi chờ điều gì đó mới lạ phía trước với bao niềm hy vọng, mong mỏi ngập tràn. Còn đó nỗi phập phồng, lo lắng khi gần đến những tiết kiểm tra. Rất nhớ mỗi kỳ thi học kỳ và những đêm ôn bài đến ngủ gục trên bàn. Mong thời gian qua mau nhưng khi trước những kỳ nghỉ tết, nghỉ hè... có những đứa, trong lòng thoáng bâng khuâng. Để rồi thành tiếc nuối, buồn vui trên khắp nẻo đường đời ngày sau. Có lẽ trong lòng ai đó bây giờ, mong trở lại một lần, được sắp hàng khi ra trước cổng trường. Được nghe âm thanh quen thuộc cười nói rộn ràng của học sinh trong ráng chiều đỏ thẫm cuối chân trời.

Nơi đó, có những lần tôi không rời hàng khi ra khỏi cổng trường mà cứ vậy, đi bên cạnh cô bạn cùng lớp. Nhỏ tên Ngân. Bỏ qua một ngã tư, rồi khi đến ngã ba nữa mới chịu chia tay. Ngày đó tôi và bạn cũng không có chuyện gì nhiều để nói, chỉ là chuyện học hành, cục gôm, cây viết, chuyện đi đây đó cùng gia đình hôm qua, hôm kia… Vậy mà háo hức, huyên thuyên nói cười hoài không hết chuyện mỗi ngày.

Đến ngã ba tôi luyến tiếc từ giã cô bạn chung đường bằng nụ cười để nhìn cái gật đầu khe khẽ mà rất duyên của bạn. Tôi rẽ vào hẻm khoảng mười bước chân, ngoái lại nhìn. Khi đã chắc khuất hẳn bóng của bạn, tôi mới ba giò bốn cẳng chạy một mạch trong con hẻm đất ngoằn ngoèo với nhiều vũng nước sình bùn đọng lại.

Qua một cua quẹo và vài trăm thước nữa mới ra tới đường cái, nơi mà lẽ ra tôi đã quẹo nơi ngã tư khi ngang qua lúc nãy để về nhà. Chiều nào về đến nhà cũng trễ giờ, trời sâm sẩm tối. Không giấu được hơi thở hổn hển và lưng áo tôi hôm nào cũng lấm tấm mồ hôi. Hôm nào mẹ tôi cũng hỏi sao về trễ, bộ giỡn hớt dữ lắm sao áo mồ hôi dữ vậy… Lần nào tôi cũng trả lời cho qua chuyện: “Có đâu, mẹ!...”. Thật ra, trong lòng bắt đầu chớm một điều gì không rõ, không bình thường mà ngày tháng đó, bằng cách nào cũng vô phương cắt nghĩa!

Và, lần hẹn đầu tiên. Chiều hôm đó, lúc còn trong hàng khi ra cổng trường, bất ngờ bạn hỏi: “Tết định đi đâu chơi vậy?”. - “Chưa biết!...”, tôi trả lời. Bạn nói, vài hôm nữa có hội chợ ngoài sân banh. Nghe quảng cáo chương trình ca nhạc, có nghệ sĩ Sài Gòn xuống nữa… Ra đó chơi đi, vui lắm! Ngưng một chút, bạn lại nhắc xem như đã hẹn dù không rõ ngày giờ gì cả: “Nhớ đi nghen!, chờ đó…”.

Chờ đó!... Những ngày sau buổi chiều hôm đó là những chuỗi rộn ràng, nôn nao trong lòng, tôi vẫn nghĩ, không bài văn nào cả một đời học trò tả nổi. Trường nghỉ tết sớm, chưa đến ngày khai mạc hội chợ mừng xuân. Lòng tôi nôn nao, rộn ràng với niềm vui không nói được thành lời. Mỗi ngày, trong đầu tôi hiện lên bao hình ảnh mường tượng đến ngày gặp mặt. Ngày trong tôi rất dài, trống trải. Nôn nao đợi chờ, mong nhớ, tôi đạp xe vu vơ ngang qua cổng trường dù biết hình ảnh vắng lặng, im lìm của ngôi trường sau cánh cổng sắt quen thuộc.

Nhưng rốt cuộc, bạn đã không đến nơi như đã dặn trước lần nào. Thời gian không đợi chờ, những ngày tết lặng lẽ trôi qua. Tôi trở lại trường sau thời gian nghỉ tết với tâm trạng hụt hẫng, băn khoăn trong giấc mơ ngập tràn mộng ảo. Bao nhiêu nôn nao, rộn rã trong lòng tôi ngày nào đọng lại thành vết hằn khó phai. Lần đầu tiên, mùa xuân đầu tiên tuổi chớm biết bâng khuâng, bạn gieo vào lòng tôi nỗi nhớ mong đau đáu tận sau này.

Trôi theo thời gian, tuổi học trò và những ngày buồn vui qua nhanh. Nhưng quên sao được những buổi chụm đầu nhau làm báo tường, rưng rưng nét chữ học trò màu tim tím. Những buổi tập tành văn nghệ, giai điệu nào nâng những giọng hát còn thô ráp mà trong veo. Những lần cắm trại, bên ánh lửa bập bùng, gương mặt nào chập chờn còn hoài trong nỗi nhớ. Trong những buồn vui thuở ấy, với tôi, còn đó những chiều xếp hàng chầm chậm rời sân trường khi ráng chiều nhuộm chân trời tím đỏ. Những chiều chạy thụt mạng trong con hẻm nhỏ về nhà với chiếc áo thấm mồ hôi và hơi thở dập dồn, hổn hển. Cái tết nào và lời hẹn thuở ngu ngơ đã cùng nắm tay nhau đi vào nỗi nhớ. Có điều, không đứa nào trong hai đứa nghĩ đến, là mùa hè năm đó hai đứa không còn học chung trường và không còn lần nào gặp lại nhau trong đời. Tất cả đã quyện thành nỗi nhớ không tan.

Mùa xuân năm ấy và mãi đến sau này tôi đã không tìm được em giữa chốn chợ đời. Tôi cũng đã không thể trở lại những ngày cắp sách dưới mái trường xưa nhiều luyến nhớ. Mà dẫu cho tôi có chôn chân một đời trước cổng trường quen thuộc ấy, tôi vẫn sẽ không gặp lại em lần nào nữa trong đời.

Tôi đã từng thầm cảm ơn thời gian đã mang theo dùm tôi ngày tháng cũ, bởi trong đó có những ngày thấm thía nhất nỗi buồn. Ngân đã dặn rằng: “Chờ…”, còn tôi từng gọi nơi ấy là bến đợi. Chạnh lòng khi chợt nhớ, bao bến đợi đời mình đã sẵn nơi đó một người lỡ hẹn…    

 Cà Mau, Xuân Kỷ Hợi - 2019

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.